Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế xã hội 2021, đầu năm 2022 và 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.
Bà Tạ Thị Yên, đại biểu tỉnh Điện Biên, nhận xét chủ trương gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được thông qua "một cách khẩn trương nhất, nhưng tới giờ chưa qua được vòng thủ tục, tiến độ rất chậm".
Nghị quyết về chương trình phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường hồi tháng 1, nhưng sau gần 5 tháng, Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022, là 18.349 tỷ đồng cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Mức này tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của chương trình phục hồi kinh tế.
Cũng trăn trở vì gói hỗ trợ phục hồi kinh tế chậm triển khai, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, cho rằng như vậy thì nhiều mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 43 của Quốc hội về hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ khó thực hiện được trong hai năm tới.
Xét về nguồn lực, quy trình thủ tục hành chính và phân cấp, bà Mai nói, tất cả đều sẵn sàng và phân cấp tối đa, nên "thực tế không có lý do để chậm".
"Chúng ta có đang lãng phí cơ hội, thời gian hay không? Nếu lãng phí thời gian, có nghĩa là lãng phí ngân sách, nguồn lực. Chúng ta có một kỳ họp đặc biệt với ngân sách đặc biệt, nên cũng cần sự quyết tâm đặc biệt, một cách làm đặc biệt", bà nói và đề nghị Chính phủ cần rà soát tổng thể, làm rõ chậm ở đâu, vướng thế nào để tháo gỡ.
Theo ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh, các dự án bổ sung dự toán đều đã nằm trong chương trình đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, tức là chưa có dự án mới nào của chương trình phục hồi kinh tế được phân bổ vốn.
"Có một sự 'sốt ruột không hề nhỏ' khi chúng ta có tiền mà không thể tiêu được dù nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, rất cấp bách. Nếu không có các giải pháp phù hợp, tiến độ hai năm của chương trình phục hồi kinh tế rất khó khả thi", ông An nói.
Việc triển khai chậm, theo các đại biểu Quốc hội, làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người lao động ở thời điểm khó khăn. Hơn nữa, chậm giải ngân thì kinh tế sẽ khó phục hồi, đạt mục tiêu tăng trưởng tăng thêm 2% như Nghị quyết của Quốc hội đưa ra.
"Tiền đầu tư chủ yếu là đi vay, chịu lãi suất, phí quản lý, do đó giải ngân chậm thì tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư sử dụng vốn", bà Yên lo ngại.
Chưa kể vòng xoáy lạm phát đang hiện hữu khi nhiều mặt hàng thiết yếu, đầu vào sản xuất, nhất là xăng dầu tăng giá kỷ lục.
Báo cáo trước đó của Chính phủ gửi Quốc hội cũng nhìn nhận việc chậm triển khai gói phục hồi. Nguyên nhân được cho là có cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó có lý do năng lực của cán bộ, có nơi có lúc còn lúng túng, chưa chủ động, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng.
Chia sẻ những khó khăn mà Chính phủ đang phải đối mặt, nhưng bà Vũ Thị Lưu Mai mong "chúng ta không lỡ nhịp, không bỏ lỡ cơ hội và không để hy vọng của người dân cùng thời gian bị nguội lạnh".
Ông Trịnh Xuân An đề nghị Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà; phân cấp mạnh hơn, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân, triển khai chính sách.
"Nội dung nào đúng thẩm quyền phải quyết định ngay, tránh mọi việc dồn lên Chính phủ và Thủ tướng, hạn chế tối đa việc xin ý kiến lòng vòng giữa các đơn vị", ông nói.