Chị Oanh dạy học cho con sau giờ làm - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7 như Hội đồng Tiền lương quốc gia đã khuyến nghị với Chính phủ, trong lúc lương chưa tăng thì hàng triệu người lao động vẫn phải gồng mình vượt qua "bão giá".
Công nhân 'ngóng' lương tăng
Những ngày này, chị Cao Oanh (31 tuổi, quê Nghệ An) như "ngồi trên đống lửa" vì giá cả thực phẩm tăng chóng mặt khi giá xăng lại đạt đỉnh mới. Ngồi trong phòng trọ vỏn vẹn 20m2 ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội, chị Oanh tỉ mỉ ghi rõ các khoản tiền phải chi trong tháng tới.
"Tiền phòng 1,1 triệu đồng, tiền học thằng lớn 600.000 đồng, tiền gửi trẻ thằng út 1,8 triệu đồng, tiền thuốc dị ứng mắt cho thằng lớn hơn 2 triệu đồng…", hàng chục gạch đầu dòng khiến số tiền lương khoảng 15 triệu của hai vợ chồng chị Oanh vơi dần theo.
Để có được số tiền lương trên, hai vợ chồng phải làm tăng ca ngoài giờ. Nhưng điều này không lạ, vì công nhân nào trong xóm trọ ở huyện Đông Anh này cũng tăng ca. Có người còn giao hàng, bán hàng trên mạng kiếm thêm thu nhập.
"Ngoài tiền nuôi hai đứa nhỏ, mình còn phải trả tiền điện nước, tiền cưới hỏi, ma chay… Xăng tăng mà lương công nhân vẫn thế. Mình đi làm bao năm, không dư được bao nhiêu. Có lúc phải đi vay vì tăng ca chỉ thêm được 1-2 triệu đồng. Công ty dạo này ít việc nên không tăng ca nhiều. Một phần vì đơn hàng, tình hình chung sau dịch", chị Cao Oanh bộc bạch.
Nghe tin sắp được tăng lương từ 1-7, khuôn mặt chị Oanh giãn dần ra. "Bình thường đi mua gạo với thức ăn đã đắt đỏ rồi, nay xăng tăng thì cái gì cũng tăng, đến chai dầu, gói mì chính cũng tăng lên. Nay được tăng lương, mình có thể mua thêm hộp sữa, quyển vở cho con", chị Oanh cho hay.
Kể lại lúc ăn trưa ở công ty, chị nghe nhiều hoàn cảnh công nhân phải tăng ca, tiết kiệm khi ăn uống để có tiền gửi về quê. Ai cũng mong lương tăng, nhất là công nhân trẻ.
"Ngoài kia, nhiều bạn trẻ vất vả hơn mình. Mới đi làm, lương cơ bản chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng nhưng tiền phòng 1 triệu, tiền ăn 1 triệu, gửi về gia đình 2 triệu nên cuối cùng tính ra sạch bách. Các bạn ấy phải chờ cuối năm để tăng lương, nhiều nhất là 200.000 đồng, mà tùy xếp loại lao động, tùy vào phấn đấu của bản thân nữa. Công nhân ở đây ai cũng thế, ai cũng muốn tăng lương để đời sống đỡ vất vả hơn", chị Oanh tâm sự.
Bữa cơm của một công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) - Ảnh: HÀ QUÂN
Người lao động trẻ vất vả hơn
Cách nhà chị Oanh không xa, chị Huyền, công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), chia sẻ với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng, chị phải tăng ca để có thêm con cá, mớ rau cho con. "Xăng tăng thì cái gì cũng tăng nên mình phải co chỗ này, bớt chỗ kia. Mình làm công nhân cũng gần 10 năm nhưng dư được bao nhiêu tiền", chị Huyền trải lòng.
Ngồi lục lại trí nhớ, chị Huyền kể khi học xong phổ thông, chị từ huyện ngoại thành lên trung tâm Hà Nội tìm việc. May mắn, chị kiếm được công việc ở một nhà máy, lương vài triệu nhưng cao hơn làm ruộng ở quê, không sợ mất mùa.
Dù phòng trọ chỉ rộng khoảng 20m2, sâu trong ngõ nhỏ, hè thì nóng, đông thì lạnh, nhưng mỗi tháng chị vẫn phải đóng 1,5 triệu đồng tiền nhà, ngoài ra còn tiền học cho con, tiền gửi về cho ông bà ở quê... Cũng may, công ty đang hỗ trợ ăn trưa, vài trăm nghìn xăng xe, điện nước để công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Với chị Huyền, kỳ vọng lúc này là công ty có nhiều đơn hàng để được tăng ca ngoài giờ, Chính phủ có chính sách giảm tiền xăng, tiền gas vì phí nhiên liệu tăng thì chai dầu, quả trứng cũng lên theo. "Mong nhất là tăng lương, vì có tiền mình bớt phải lo nghĩ hơn", chị Huyền nói.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, một đại diện doanh nghiệp nước ngoài ở Hà Nội chia sẻ công ty đã hỗ trợ xăng xe, đi lại 300.000 đồng/người/tháng, 200.000 đồng/tháng tiền nhà cho công nhân viên. Ngoài ra công ty tăng lương 2 lần vào tháng 6-2021, tháng 1-2022.
"Hiện, công ty cũng xem xét để hỗ trợ thêm tiền nhà cho người lao động", vị này chia sẻ.
Tại kỳ họp Quốc hội ngày 1-6, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) nhấn mạnh người lao động đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều công nhân phải làm việc 3 tại chỗ và đồng ý tăng giờ làm thêm để sản xuất kịp đơn hàng.
"Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉ lệ lao động thiếu việc làm tăng cao, trong khi tiền lương tối thiểu vùng không tăng khiến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch và giá hàng hóa tăng cao", bà Xuân khẳng định.
Sắp tới, Thủ tướng sẽ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động về các vấn đề nhà ở, việc làm, tiền lương...
TTO - Từ 15h chiều nay 1-6, giá xăng dầu được các doanh nghiệp kinh doanh công bố tăng sau khi liên bộ Công thương - Tài chính đưa ra quyết định điều chỉnh giá.
Xem thêm: mth.57870821120602202-til-gnod-00013-touv-gnax-aig-ihk-uas-gnoul-gnat-gnogn-nahn-gnoc/nv.ertiout