Gây tai nạn làm chết 3 người trở lên có thể bị phạt tù tới 15 năm
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại nút giao Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) vào tối 2/6 khiến 3 người tử vong tại chỗ.
Vào thời điểm xảy ra tai nạn, lái xe Nguyễn Quốc Thịnh (cán bộ Sở GTVT Bắc Giang) có nồng độ cồn trong cơ thể là 0,604 mg/l khí thở (cao gấp 1,5 lần mức “kịch khung” quy định tại Nghị định 100) điều khiển chiếc Audi màu trắng lao đi với tốc độ rất nhanh, tông trực diện vào xe máy đang qua ngã tư.
Ngay sau đó, Thịnh đã bị Công an TP. Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) ra Quyết định tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ công tác điều tra.
Hiện trường vụ tai nạn do cán bộ Sở GTVT say rượu, lái xe Audi tông chết 3 người ở Bắc Giang |
Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, Luật Giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm việc điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Bên cạnh đó, người điều khiển xe ô tô phải tuân thủ quy định về tốc độ xe và phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước.
Những hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy, lái xe Audi gây ra vụ tai nạn làm chết 3 người trong cùng 1 gia đình đã điều khiển xe ô tô không tuân thủ quy định về tốc độ cũng như giữ khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước, nên đã gây ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Theo điều 260 BLHS 2015 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về ATGT đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Trường hợp làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù 7 - 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 - 5 năm.
Cần xử lý hình sự lái xe sử dụng rượu, bia dù chưa gây hậu quả
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, nếu có đủ căn cứ xác minh, đối tượng Nguyễn Đức Thịnh gây ra tai nạn chết người khi trong người có nồng độ cồn cao thì theo Điều 13 BLHS 2015, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, việc gây ra tai nạn giao thông khi trong người có nồng độ cồn cao có thể là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, một trong 3 nạn nhân bị tử vong trong vụ tai nạn là N.T. D mới 13 tuổi nên lái xe còn có thể bị xem xét trách nhiệm về hành vi gây ra tai nạn chết người với người dưới 16 tuổi - Luật sư Hồng Vân nhận định.
Mặt khác, đối tượng gây ra vụ tai nạn là cán bộ công tác tại Sở Giao thông Vận tải - người nắm rõ những quy định an toàn giao thông, nhưng lại vi phạm về nồng độ cồn, điều khiển xe với tốc độ cao. Điều này thể hiện sự coi thường pháp luật của đối tượng.
Không chỉ bị xử lý hình sự, đối tượng gây tai nạn còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra cho gia đình nạn nhân như chi phí cứu chữa trước khi chết, tiền chi phí mai táng, tiền đền bù tổn thất tinh thần với người nhà nạn nhân, tiền cấp dưỡng...
Luật sư Hồng Vân còn cho rằng, Nghị định 100 và Nghị định 123 của Chính phủ đã tăng nặng mức xử phạt với hành vi vi phạm nồng độ cồn lên tới 40 triệu đồng và thời gian tước quyền sử dụng GPLX tới 24 tháng. Đặc biệt, trong pháp luật hình sự, nếu người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông gây tai nạn sẽ là tình tiết để tăng nặng, cũng như có thể xác định là tình tiết định khung hình phạt.
Song, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn vẫn tiếp tục có xu hướng tăng và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, để hạn chế những vụ việc đáng tiếc tiếp theo và nhằm đảm bảo tính răn đe, Luật sư Hồng Vân đề xuất sửa BLHS 2015 để phạt tù lái xe sử dụng rượu, bia dù chưa gây hậu quả.