Theo dự báo của Savills, lĩnh vực cung ứng toàn cầu sẽ tăng trưởng vượt bậc trong tương lai gần.
Năm 2021 ghi nhận 297 tỉ bảng Anh đầu tư vào lĩnh vực logistics trên toàn cầu (tăng 81 tỷ bảng Anh so với cùng kỳ năm ngoái) cũng như mức hấp thụ kỷ lục của thị trường châu và Mỹ đối với các tài sản logistics. Tỉ lệ trống trên toàn chuỗi cung ứng tại châu Âu là 3,5% và 4.4% tại Mỹ. Savills dự báo doanh số bán hàng trực tuyến tại Châu Âu sẽ chiếm 25% tổng chi tiêu vào năm 2025, tăng mạnh so với 10% vào năm 2020.
Trong vòng 2 năm qua, toàn thế giới đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì chuỗi cung ứng ổn định. Do đó, "Việc đảm bảo chuỗi cung ứng cần các công ty dịch chuyển từ "chiến lược phòng bị" (JIC) sang chiến lược "sản xuất tức thời" (JIT), và điều này không chỉ có nghĩa là tăng số lượng hàng tồn kho mà còn là "nearshoring" – việc chuyển dây chuyền sản xuất về gần", ông Kevin Mofid, Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên Cứu EMEA BĐS Khu công nghiệp & Logistics phân tích.
Một cuộc khảo sát vào năm 2021 của McKinsey cho thấy 61% công ty đã tăng số lượng lưu trữ các hàng hóa cần thiết. Đây được xem là động lực quan trọng cho công suất lấp đầy của nhiều nhà kho trên toàn thế giới trong vòng 2 năm qua và trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ phận dịch vụ Logistics và BĐS Khu Công Nghiệp Savills ghi nhận tỷ lệ trống ở mức thấp kỷ lục vào năm 2021. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm nguồn cung và thiếu quy hoạch cho nguồn cung mới là những thách thức lớn của thị trường.
Savills đánh giá áp lực về nguồn cung sẽ buộc các doanh nghiệp phải đổi mới. Trong thời gian tới, thị trường sẽ thấy nhà kho nhiều tầng hơn tại Châu Âu, đặc biệt là những vị trí đắc địa ở thành phố lớn. Việc tích hợp công nghệ cao cho ngành công nghiệp sẽ cần thiết để ngăn chặn những thách thức về chuỗi cung ứng trong tương lai.
Tuy nhiên, ngành logistics toàn cầu vẫn có một vài tín hiệu khởi sắc. Ông Mofid lý giải: "Trong dài hạn, những tín hiệu này vẫn có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc chuyển sang sản xuất gần (nearshoring production) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường công nghiệp của các quốc gia phát triển. Sự tăng trưởng GDP cũng như sự phát triển của thương mại điện tử tại các quốc gia này sẽ thúc đẩy nhu cầu kho bãi ngay cả khi giảm sản xuất".
Tại Việt Nam, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế hậu Covid-19 và biến động kinh tế - chính trị trên thế giới, ngành công nghiệp vẫn ghi nhận những kết quả tích cực và triển vọng tăng trưởng cao.
Theo Tiêu điểm ngành Công nghiệp Việt Nam Quý 1.2022 do Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam thực hiện, điểm tích cực ghi nhận trong tháng 3 vừa qua là sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 9,2% trong tháng 2. Đây là tháng thứ năm liên tiếp sản lượng công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Trước đó, Standard Chartered dự đoán thương mại toàn cầu sẽ tăng 70% lên 30 nghìn tỉ USD vào cuối thập kỷ này. Điều này được coi là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt với khu vực ASEAN vì lợi thế trung tâm giao thương quốc tế.
Khi các công ty tìm kiếm các trung tâm sản xuất mới, ASEAN nổi lên như một giải pháp thay thế tuyệt vời dựa trên các thị trường đa dạng nhưng bổ sung cho nhau. Đặc biệt, các thị trường từ Indonesia đến Malaysia và Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.71932110140602202-uac-naot-nert-iab-ohk-ut-uad-yad-cuht-gnu-gnuc-iouhc-hnin-na/et-hnik/nv.vtv