30 năm qua, vợ chồng Nguyễn Đức Thuận sống với mẹ là Võ Thị Xiêm trong căn nhà cấp 4 ở thị trấn Nông trường Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy). Tuy nhiên, mâu thuẫn trong gia đình ập đến, chị em ruột kiện nhau ra tòa khi người mẹ chia mảnh đất hương hỏa cho vợ chồng ông Thuận.
Là người bị kiện, ông Thuận cho hay vụ kiện xảy ra thì "đến ngày giỗ cha các anh chị em cũng không về thắp hương" ở nhà ông.
Ông nói mối quan hệ căng thẳng đến mức thậm chí từng không ít lần nghĩ quẩn đến "án mạng trong gia đình". Ông "rất buồn" khi "anh em không nhìn mặt nhau" vì một mảnh đất.
Ba năm theo đuổi vụ kiện, bà Nguyễn Thị Kim Trị (trú quận Gò Vấp, TP HCM) nói rất đau buồn vì "anh em chia rẽ, tình thân mất mát" từ khi kiện vợ chồng anh trai đòi mảnh đất thừa kế ở huyện Lệ Thủy.
"Gia đình tôi khổ ba năm nay, không làm được gì vì tâm lý cứ chờ tòa gọi. Tình cảm mất hết, nếu ở ngoài quê có phải anh em chém nhau chết không", bà Trị nói.
Bà là nguyên đơn. Mẹ bà, cụ Võ Thị Xiêm, 82 tuổi, trú quận Gò Vấp, TP HCM và 4 anh chị em của bà là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo đơn khởi kiện, bà Xiêm và ông Nguyễn Đức Thược sinh được 6 người con. Năm 1990, bà Xiêm mua ngôi nhà cấp 4, gắn liền với thửa đất 777m2 tại thị trấn Nông trường Lệ Ninh, giá 4 triệu đồng. Việc mua bán có giấy viết tay.
Năm 2003, ông Thược chết, không để lại di chúc, mảnh đất khi đó chưa được cấp sổ đỏ. Năm 2011, sổ được cấp cho bà Xiêm. Tháng 8/2019, người mẹ tách mảnh đất thành hai, trong đó một thửa rộng 297m2 do bà đứng tên, thửa còn lại 480m2 cho tặng vợ chồng con trai đang sống cùng là vợ chồng ông Thuận. Năm anh chị em còn lại, đều đã thoát ly gia đình, đi làm ăn kinh tế ở xa.
Từ thời điểm này, gia đình lục đục rồi kiện tụng. Bà Trị cho rằng ngôi nhà cấp 4 và mảnh đất là khối tài sản chung của ba mẹ. Không đồng ý với việc chưa có sự đồng ý của các con là "các đồng thừa kế" di sản của cha, mẹ đã làm thủ tục cấp sổ đỏ. Bà Trị đề nghị TAND tỉnh Quảng Bình tuyên việc UBND huyện Lệ Thủy cấp sổ cho bà Xiêm là "vi phạm pháp luật", cần hủy các sổ đỏ đã cấp cùng hợp đồng cho tặng đất. Bà nêu nguyện vọng lấy lại mảnh đất để xây nhà thờ, sau này anh chị em về quê có nơi hương khói.
Theo bà, mẹ già đã bị gia đình ông Thuận "bạo hành tinh thần" và "ép" làm những việc này, bởi cụ Xiêm khả năng đọc viết hạn chế nên mới ký. Bà Trị đã đón mẹ vào TP HCM sinh sống cùng.
Bốn anh chị em còn lại đồng quan điểm với bà Trị, đề nghị hủy hợp đồng cho tặng với ông Thuận vì tại thời điểm lập không có người làm chứng, không thể hiện việc cụ Xiêm được nghe đọc lại hoặc tự đọc lại. Họ đồng ý để phần đất thừa kế của mình cho cụ Xiêm đứng tên.
Trong khi đó, vợ chồng ông Thuận kể năm 1990 đã đưa cho mẹ 4 triệu đồng để mua đất. Do đó, việc cấp sổ đỏ là đúng vì giấy tờ đứng tên bà Xiêm, đất không phải là di sản thừa kế. Thời điểm lập hợp đồng cho tặng, ông nói bà Xiêm "tự nguyện, tinh thần minh mẫn, có cán bộ UBND thị trấn Nông trường Lệ Ninh chứng thực".
Năm 1996, căn nhà cấp 4 cũ xuống cấp nên vợ chồng ông xây dựng căn mới, hoàn thiện dần trong 5 năm sau đó. Trong quá trình sinh sống, 5 anh chị em rời nhà lập nghiệp, chỉ vợ chồng ông Thuận sống với mẹ.
Cuối tháng 2 vừa qua, trong lần đầu mở phiên sơ thẩm, TAND Quảng Bình đánh giá mảnh đất và ngôi nhà cấp 4 là tài sản chung hình thành trong hôn nhân nên tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2011 cho cụ Xiêm. Việc cấp sổ được cho là đã tiến hành khi không có ý kiến của các đồng thừa kế là các con.
Do tuyên hủy sổ đỏ nên hợp đồng cho tặng của cụ Xiêm là vô hiệu. Hai sổ đỏ cho phần đất tách ra cũng bị vô hiệu.
Tòa xác định di sản của bố để lại là nửa mảnh đất diện tích gần 389 m2, được chia cho vợ và 6 con đồng thừa kế. Tức mỗi người hưởng 55,5 m2.
Do vợ chồng ông Thuận xây dựng nhà ở trên mảnh đất này, nhưng ông chỉ được hưởng thừa kế 55,5m2 đất, diện tích còn lại phải trả tiền cho cụ Xiêm. Diện tích còn lại Tòa chia cho cụ Xiêm và các đồng thừa kế còn lại.
Sau phiên xử, nguyên đơn, bị đơn đều có kháng cáo. Viện kiểm sát Quảng Bình cũng kháng nghị cho rằng việc cụ Xiêm cho tặng đất là tự nguyện, bà Xiêm bị lừa dối, ép buộc là không có căn cứ.
Ngoài ra, cụ Xiêm được sở hữu một nửa mảnh đất là gần 389m2, và một phần thừa kế là 55,5m2. Như vậy, tổng diện tích đất thuộc sở hữu của cụ Xiêm lớn hơn diện tích đất trong hợp đồng cho tặng vợ chồng con trai. Do đó, cụ có quyền cho tặng mảnh đất sở hữu. Viện kiểm sát Quảng Bình cho rằng việc tuyên hủy hợp đồng cho tặng là không đúng pháp luật, không tôn trọng quyền tự định đoạt tài sản của cụ Xiêm.
Viện kiểm sát kháng nghị toàn bộ bản án, đề nghị cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của bà Trị; chấp nhận hợp đồng cho tặng, giữ nguyên các sổ đỏ.
Xem thêm: lmth.9621744-ek-auht-tad-hnam-uahn-neik-me-ihc/ten.sserpxenv