Loài ong nghệ phân bố chủ yếu ở Bắc bán cầu - Ảnh: GETTY
Vụ kiện giữa Liên minh hạnh nhân California và Ủy ban Quản lý cá và đánh bắt giải trí đã diễn ra trong tuần này, với chiến thắng nghiêng về ủy ban.
Một số hiệp hội bảo tồn động vật từ năm 2018 đã kiến nghị Ủy ban Quản lý cá và đánh bắt giải trí thêm ong nghệ vào danh sách loài nguy cấp của bang.
Tuy nhiên, Liên minh hạnh nhân California cùng khoảng 6 tổ chức nông nghiệp khác đã đệ đơn kiện lên Tòa án cấp cao quận Sacramento, khẳng định Đạo luật về các loài nguy cấp của California (còn được gọi là CESA) không bảo vệ côn trùng.
Vào năm 2020, Tòa án cấp cao quận Sacramento đã ra phán quyết rằng Ủy ban Quản lý cá và đánh bắt giải trí không được liệt kê các loài động vật không xương sống (như ong) theo CESA.
Ngày 31-5 vừa qua, tòa phúc thẩm đã đảo ngược phán quyết năm 2020, tuyên bố ong nghệ bây giờ có thể được định nghĩa hợp pháp là cá.
Theo các thẩm phán, ong nghệ được phân loại là cá theo cách giải thích tự do của từ "cá". "Trong khi cá thường được hiểu để chỉ các loài thủy sinh, định nghĩa pháp lý về cá do Cơ quan lập pháp sử dụng không giới hạn như vậy", phó thẩm phán Ronald Robie cho biết trong phiên tòa.
Tòa án giải thích rằng CESA đã trao quyền phân loại cho Ủy ban Quản lý cá và đánh bắt giải trí để xác định đâu là loài có nguy cơ bị tuyệt chủng hay không có nguy cơ tuyệt chủng.
Và theo luật, ủy ban hoàn toàn chịu trách nhiệm thiết lập "danh sách các loài nguy cấp và danh sách các loài bị đe dọa". Tòa án nhận thấy thẩm quyền của ủy ban "không bị giới hạn trong việc chỉ liệt kê các động vật không xương sống dưới nước".
Tòa án California khẳng định lịch sử lập pháp của bang cũng ủng hộ cách giải thích tự do này vì "ủy ban có thể liệt kê bất kỳ động vật không xương sống nào là loài nguy cấp hoặc bị đe dọa".
Theo Đài Fox News, CESA định nghĩa cá là "động vật thân mềm, giáp xác, động vật không xương sống hoặc lưỡng cư, bao gồm các loài sống trên cạn và dưới nước. Do đó, loài ong nghệ có thể được xem là cá và liệt vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa.
Luật sư Matthew Sanders ca ngợi quyết định của tòa án là "chiến thắng cho những con ong" vì côn trùng là "nền tảng cho sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái lành mạnh của California".
Phán quyết của tòa án đảm bảo CESA đang thực hiện mục đích bảo tồn "tất cả các loài có nguy cơ tuyệt chủng" bằng cách bảo vệ toàn bộ đa dạng sinh học của California, bao gồm cả động vật không xương sống trên cạn.
Quyết định của tòa án được cho là sẽ giúp California bảo vệ một số loài thụ phấn dễ bị tổn thương nhất, một động thái sẽ góp phần vào khả năng phục hồi của các hệ sinh thái và trang trại bản địa của bang.
TTO - Các hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong các sản phẩm cá khô trên khắp châu Á, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản, theo một nghiên cứu được Đại học Tôn Trung Sơn của Đài Loan (NSYSU) thực hiện.
Xem thêm: mth.84132716050602202-ac-iaol-tom-al-ehgn-gno-ob-neyut-ainrofilac-o-na-aot/nv.ertiout