Theo ông Sergei Lavrov, các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của nước này. "Nếu nhìn vào các mức giá đã được thiết lập sau các chính sách của phương Tây, chúng ta không bị thiệt hại về ngân sách. Ngược lại, năm nay lợi nhuận sẽ tăng đáng kể từ việc xuất khẩu các nguồn năng lượng", ông nhận định.
Tuần qua, các lãnh đạo EU thống nhất cấm hai phần ba nhập khẩu dầu từ Nga. "Liên minh châu Âu giờ đây có thể hoàn thiện lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu Nga trước năm 2023. Đây là bước đi quan trọng. Chúng tôi sẽ sớm quay lại vấn đề với 10% dầu còn lại", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết.
Nhưng với Lavrov, dầu mỏ nói chung không phải là đối tượng của chính trị. "Vẫn có những nhu cầu về nó, chúng tôi có các thị trường bán hàng thay thế, nơi đã và đang tăng doanh số bán hàng", ông nói.
Bloomberg Economics ước tính, ngay cả khi một số quốc gia ngừng hoặc loại bỏ việc mua năng lượng, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga sẽ đạt khoảng 285 tỷ USD trong năm nay. Kết quả này sẽ vượt năm 2021 hơn một phần năm.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ xuất khẩu dầu Nga đã tăng 50% so với cùng kỳ 2021. Quý I/2022, các nhà sản xuất dầu hàng đầu của Nga đã kiếm được lợi nhuận cao nhất trong gần một thập kỷ, theo ước tính của SberCIB Investment Research có trụ sở tại Moskva.
Một trong những lỗ hổng lớn trong các lệnh trừng phạt chống lại Nga là việc các quốc gia khác sẵn sàng tiếp tục mua dầu, mặc dù yêu cầu chiết khấu cao. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã mua hơn 40 triệu thùng dầu của Nga từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra.
Theo tính toán của Bloomberg, con số này cao hơn 20% so với dòng chảy dầu Nga - Ấn trong cả năm 2021. Các nhà máy lọc dầu đang tìm kiếm các giao dịch tư nhân thay vì đấu thầu công khai để có được những thùng của Nga rẻ hơn giá thị trường. Trung Quốc cũng đang tăng cường liên kết năng lượng với Nga, mua dầu của nước này khi phương Tây xa lánh.
"Phần lớn thế giới không tham gia vào việc áp đặt các biện pháp trừng phạt. Thương mại sẽ tiếp tục, nhu cầu về nhiên liệu sẽ có", Wouter Jacobs, Nhà sáng lập và giám đốc Trung tâm Thương mại & Hàng hóa Erasmus tại Đại học Erasmus ở Rotterdam, cho biết. Theo ông, người mua ở châu Á hoặc Trung Đông sẽ tăng lên.
Khi nói đến khí đốt, Nga có ít lựa chọn hơn để chuyển hướng khách hàng. Tuy nhiên, người mua từ các đường ống khí đốt cũng phụ thuộc lớn vào họ. Khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU được Nga đáp ứng và đây sẽ là liên kết khó cắt đứt nhất của khối.
Giao hàng khí đốt cho châu Âu thậm chí còn tăng vọt trong tháng 2 và tháng 3. Kể từ đó, sản lượng giảm do thời tiết ấm hơn và dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng kỷ lục từ Mỹ và các nước khác. Tuy nhiên, ngay cả khi EU muốn giảm sự phụ thuộc thì thực tế vẫn phức tạp. Một số khách hàng khí đốt lớn của Nga vẫn cố gắng tiếp tục mua nhiên liệu. Các công ty như Eni SpA (Italy) và Uniper SE (Đức) dự kiến vẫn tiếp tục nhập khí đốt Nga.
Dù vậy, ngành năng lượng Nga cũng đang phải đối mặt với một số thách thức, từ hạn chế về vận chuyển và bảo hiểm cho đến nhu cầu trong nước yếu. Sản lượng dầu có thể giảm hơn 9% trong năm nay, trong khi sản lượng khí đốt có thể giảm 5,6%, theo dự báo của Bộ Kinh tế Nga.
"Trong Điện Kremlin có một số sự lạc quan và thậm chí ngạc nhiên rằng nền kinh tế Nga không sụp đổ trước sự tấn công dữ dội của lệnh trừng phạt. Nhưng nếu nhìn xa hơn hai đến ba năm, có rất nhiều câu hỏi về cách các lĩnh vực năng lượng và sản xuất sẽ tiếp tục tồn tại thế nào", Tatiana Stanovaya, Nhà sáng lập công ty tư vấn chính trị R.Politik, đánh giá.
Phiên An (theo Reuters, Bloomberg)