TS.BS Trần Thị Hồng Thu – Phó giám đốc BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương - cho hay bác sĩ đã từng khám và điều trị cho khá nhiều nam giới giàu có mắc rối loạn tâm thần, một trong số đó kinh doanh bất động sản ở Hà Nội.
Trường hợp điển hình nhất đó là bệnh nhân T (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng loạn thần do sử dụng rượu, sợ hãi vô cớ, mê sảng, run, bồn chồn cực độ, mất ngủ kéo dài…
Qua khai thác tiền sử từ gia đình bệnh nhân thì được biết, trước đây bệnh nhân từng là giám đốc một công ty bất động sản và có một gia đình hạnh phúc, được nhiều người thần tượng và từng là hình mẫu cho nhiều người học hỏi.
Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường bất động sản lao dốc, bệnh nhân “ôm” quá nhiều bất động sản nên bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính.
Theo bác sĩ Thu, kinh doanh thua lỗ cũng là lúc gia đình lục đục. Anh T tìm đến rượu bia, ngày càng trở nên bê tha, sống khép kín, thường xuyên suy nghĩ tiêu cực, mặc cảm tội lỗi, luôn cho rằng mình là gánh nặng cho gia đình, con cái.
Anh T chia sẻ với bác sĩ Thu là anh đã từng nghĩ đến cái chết và đã từng lên kế hoạch tỉ mỉ để kết thúc cuộc đời.
Rất may mắn, anh T đã được gia đình phát hiện và đưa đến bệnh viện tâm thần thăm khám, điều trị. Sau một thời gian điều trị nội trú, tinh thần bệnh nhân ổn định dần. Hiện bệnh nhân đã quay trở lại công việc kinh doanh.
TS. BS Thu cho biết rối loạn tâm thần đã tồn tại từ rất lâu, có đến ¼ dân số đang gặp phải các vấn đề về stress, lo âu, trầm cảm… Tuy nhiên, con số đi khám và được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán lại đang rất khiêm tốn.
Rối loạn tâm thần được ví giống như một "quả bom nổ chậm" và có thể gặp ở bất cứ ai. Đặc biệt, ngay cả với những người quản lý tầm cỡ, chẳng hạn lãnh đạo các doanh nghiệp, hoàn toàn có nguy cơ mắc rối loạn tâm thần.
Nguyên nhân có thể do áp lực công việc, áp lực kinh tế hay kinh doanh thua lỗ, vỡ nợ…
"Nếu như đau đớn, ốm sốt mọi người sẽ đi khám ngay nhưng có mắc rối loạn tâm thần lại chỉ muốn giấu đi. Chẳng ai muốn chia sẻ bệnh của mình. Giấu bệnh là điều rất nguy hiểm vì "sự cố" sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, khi đó điều trị sẽ khó khăn, thời gian phục hồi lâu", bác sĩ Thu nói.
Triệu chứng cần can thiệp sớm
Theo bác sĩ Hồng Thu, thời gian vừa qua do ảnh hưởng dịch bệnh nên số bệnh nhân là doanh nhân, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp đến nhập viện tâm thần có xu hướng gia tăng hơn trước.
Nhóm đối tượng này mắc bệnh có thể do thường xuyên gặp stress, áp lực cao trong công việc nhưng không điều chỉnh kịp thời, hợp lý, rơi vào tình trạng mệt mỏi, kiệt sức.
Lo âu quá mức làm xuất hiện các chứng đau không rõ nguyên nhân, đau đầu dai dẳng, hội chứng tiền đình, rối loạn thần kinh tim, rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ, thoái hóa cột sống hoặc đĩa đệm. Bệnh nhân có thể đi khám chữa nhiều chuyên khoa nhưng không có kết quả.
Nhiều trường hợp nhanh chóng mắc trầm cảm với khí sắc trầm buồn, mất năng lượng, suy nghĩ bi quan, tiêu cực, cảm giác bế tắc không lối thoát…
Để phát hiện sớm những vấn đề rối loạn tâm thần, bác sĩ Thu cho rằng vai trò của người thân trong việc phát hiện, động viên, chia sẻ và đưa bệnh nhân đến viện để được thăm khám kịp thời là rất quan trọng.
Các nhà quản lý mỗi khi gặp trục trặc trong công việc, hãy cảnh giác những triệu chứng cảnh báo bệnh lý tâm thần như lo âu, trầm cảm biểu hiện bằng mệt mỏi, mất ngủ, bồn chồn, chán ăn – ăn không ngon miệng, sút cân hoặc tăng cân bất thường, dễ cáu kỉnh, mất tập trung công việc, đau mỏi cơ khớp, cơn vã mồ hôi, hồi hộp trống ngực, đau dạ dày hoặc triệu chứng trào ngược, nhói tim…
Các triệu chứng trên xuất hiện nhiều hơn 2 tuần thì cần phải khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng.
https://soha.vn/can-benh-nguy-hiem-vi-nhu-bom-no-cham-nhieu-nguoi-viet-mac-nhung-khong-cho-la-benh-20220603163848382.htmTheo Ngọc Minh
Trí Thức Trẻ