Hàng cây xanh trên đường Pasteur, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
>> Đọc thêm: Dùng công nghệ kiểm tra sức khỏe cây xanh
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Thi, khoa sinh học và công nghệ sinh học Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng sâu bệnh không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc cây xanh ngã đổ. Nguyên nhân chính là do một số công trình thi công hiện nay như đường ống nước, cột điện, các công trình đường lộ... tác động vào trong rễ của cây, việc này không thể nhìn thấy được trên bề mặt.
"Thường sự xâm phạm diễn ra rất lâu sau đó mới để lại hậu quả, có thể một cây bị xâm phạm rễ, 4 - 5 năm sau mới đổ ngã. Vì thế rất khó để kết luận một cây xanh ngã do nguyên nhân nào", bà Thi nhận định.
Bà Lan Thi đánh giá thêm, điểm yếu của hệ thống cây xanh tại TP.HCM là bộ rễ, nhưng chỉ có thể quan sát bề mặt bên trên để đánh giá tình hình của cây mà không có cách nào khảo sát bộ rễ bên dưới.
"Lấy ví dụ vụ cây dầu cổ thụ trên đường An Dương Vương (quận 5) ngã đổ đè trúng 1 ôtô, hàng loạt xe máy và khiến người đi đường bị thương nặng năm 2016 thì trước đó khoảng 1 tuần, rễ cây đã bị sự cố vỡ ống nước tác động. Hoặc sự cố nguyên hàng lim ngã đổ trên đường Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình) năm 2015 khi kiểm tra đã phát hiện rễ của các cây đã bị cắt gần như sát gốc, mà việc cắt gốc đó đã diễn ra 4 năm trước", bà Thi nói.
Về lâu dài, bà Thi cho rằng phải tìm giống cây bản địa phù hợp với khí hậu và địa hình của thành phố.
Cũng nhận định đô thị hóa khiến cây xanh mất đi không gian sinh trưởng, ông Nguyễn Công Sơn, trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, phân tích hiện nay thành phố đang trong quá trình đô thị hóa, nhà cao tầng mọc lên rất nhiều. Vì vậy sẽ tạo ra các hiệu ứng gió theo luồng khiến cây xanh bị vặn xoắn, xô ngã.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng ngầm của thành phố rất nhiều, thành ra bộ rễ cây có khi len lỏi cả vào những khoảng đất rỗng nên không có chỗ bám vào. Ví dụ ở khu vực hồ Con Rùa, qua khảo sát nhận thấy chỉ cần xuống khoảng 10cm thì đã đụng hệ thống ngầm chằng chịt. Cây xanh ở đường phố thì bộ rễ phát triển rất chậm so với những cây được trồng trong công viên có diện tích đất lớn, ít bị tác động.
Trả lời câu hỏi liệu có cách nào để kiểm tra bộ rễ cây xanh không, ông Sơn cho biết để kiểm tra bộ rễ trước mắt vẫn quan sát bằng việc đi tuần tra mỗi ngày, quan sát dựa vào kinh nghiệm trước, coi biểu hiện cây như thế nào. Nếu những cây có khả năng nghi ngờ cao thì sẽ xem lại những tiêu chí đánh giá, sau đó đến kiểm tra và làm đề xuất với Trung tâm hạ tầng kỹ thuật để đốn hạ.
Thường trước khi Sở Xây dựng cấp phép thì Trung tâm hạ ầng kỹ thuật sẽ đi kiểm tra lại lần nữa, từ đó mới ra quyết định xử lý hay giữ lại.
Khi đốn cây tại một vị trí, đốn thay thế đồng loạt cũng gặp phải nhiều vấn đề về phía dư luận. Nhiều người không hiểu nói chúng tôi đốn cây vì dự án hay vì lợi ích gì đó mà không biết cây xanh đã hư hại, cần phải xử lý.
Ông NGUYỄN CÔNG SƠN
Đà Nẵng "số hóa" cây xanh
Trung tâm Công viên cây xanh Huế đang hoàn thiện phần mềm quản lý cây xanh để có thể định vị được từng cây trên Google Map - Ảnh: NHẬT LINH
Là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai "số hóa" quản lý cây xanh, từ năm 2007 Đà Nẵng đã đánh số cây xanh trên một số tuyến đường và quản lý bằng phần mềm Hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Cây xanh trên một số tuyến đường chính được cập nhật vào hệ thống phần mềm để quản lý "lý lịch" như vị trí, chủng loại, thời gian trồng và chăm sóc, diện tích che phủ, tình trạng sinh trưởng... Định kỳ đội ngũ kỹ sư, công nhân phụ trách các địa bàn của công ty cập nhật, giúp công ty chủ động trong việc chăm sóc. Đến nay cây xanh trên 50 tuyến đường đã được cập nhật.
Theo Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng, việc quản lý cây xanh có đặc thù là số lượng lớn, lại nằm trên địa bàn rộng nên đòi hỏi nhiều công sức. Đặc biệt đối với các địa phương nhiều mưa bão, quá trình phát triển đô thị nhanh thì tình trạng cây xanh cũng nhiều biến đổi theo thời gian. Do đó với việc ứng dụng GIS để quản lý cây xanh sẽ cho phép thể hiện tất cả hình ảnh của cây xanh ngay trên màn hình, cung cấp các thông tin liên quan như cây gì, ở đâu, tình trạng sâu bệnh và hạ tầng liên quan...
Tuy nhiên theo tìm hiểu, việc mô hình hóa cây xanh để máy tính nhắc nhở theo định kỳ còn gặp nhiều khó khăn do việc nhập liệu (đo chiều dài cây, đường kính tán lá, đường kính thân cây, định vị) nên Đà Nẵng vẫn chưa mở rộng "số hóa" cây xanh ra toàn thành phố.
Huế muốn dùng phần mềm theo dõi cây xanh
Ông Đặng Ngọc Quý, phó giám đốc Trung tâm cây xanh Huế, cho biết toàn bộ cây xanh cảnh quan trên địa bàn thành phố Huế hiện đã được đánh số thứ tự để quản lý. Ông Quý nói rằng trung tâm đang sử dụng một phần mềm nội bộ trên máy tính để quản lý những cây xanh này. "Tuy nhiên phần mềm này chưa được kết nối mạng Internet và chưa định vị được từng cây ở vị trí nào. Về số liệu từng cây xanh như cao thế nào, cần cắt tán ra sao thì chúng tôi hiện vẫn quản lý thủ công", ông Quý nói.
Hiện nay một phần mềm mới đang được hoàn thiện. Trong phần mềm này ngoài số liệu cây xanh cao bao nhiêu, khi nào đến lúc cắt mé tỉa cành thì sẽ có phần định vị vệ tinh vị trí của cây xanh đó trên Google Map. Ông Quý cũng cho biết phần mềm số hóa cây xanh này hiện đã được thử nghiệm trên 5 tuyến đường ở thành phố Huế và cho thấy sự hiệu quả thiết thực. Phần mềm còn hiển thị và báo cho trung tâm biết về những cây xanh cần phải cắt cành, thay mé và sức khỏe của những cây có hiện tượng mục chết.
Singapore áp dụng công nghệ chăm sóc cây xanh đô thị ra sao?
Tại Singapore, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh duy trì và phát triển không gian xanh trong đô thị của Ủy ban Công viên quốc gia (NParks).
Một trong những công cụ đắc lực để phát hiện sự mục ruỗng bên trong cây cổ thụ của NParks là máy "siêu âm", sau đó so sánh dữ liệu sức đề kháng của cây với dữ liệu tham chiếu từ loài cây đó, NParks có thể xác định xem cây đó có thật sự khỏe mạnh hay không.
Ngoài ra, NParks cũng triển khai máy bay không người lái có trang bị máy ảnh kỹ thuật số (microdrone) để giám sát các cành trên cao của cây xanh trong đô thị. Microdrone sẽ cung cấp các video thời gian thực cho giới chức NParks để đánh giá sức khỏe cây xanh.
Giới chức NParks cũng nhập dữ liệu và các quan sát thực địa về cây xanh trong đô thị vào các thiết bị di động có kết nối Internet như máy tính bảng, để có thể kiểm tra các thông số cần thiết bất cứ lúc nào.
Với các nguồn dữ liệu đa dạng và có độ phức tạp cao, Chính phủ Singapore đã phát triển MAVEN, một hệ thống thông tin không gian địa lý cho phép dữ liệu từ vệ tinh, các hoạt động thực địa, phản hồi của công chúng và các điểm quan sát động thực vật hiển thị trên bản đồ Singapore. Hệ thống này tạo điều kiện để lập các dự án cây xanh đô thị liên cơ quan.
Nếu độ phân giải dữ liệu đủ cao, giới chức NParks có thể tạo mô hình và chạy mô phỏng cho từng cây. Ví dụ, bằng cách dùng máy quét tia laser LiDAR để quét một cây xanh, giới chức NParks có thể tạo một mô hình để dự đoán hành vi của cây dưới những điều kiện thời tiết khác nhau. Những mô hình như vậy sẽ hữu ích khi lên lịch cắt tỉa và các hoạt động bảo dưỡng cây xanh khác.
Đặc biệt, việc chăm sóc cây xanh không thể phó mặc cho giới chức NParks. Do đó, ủy ban này đã sử dụng các ứng dụng di động để giáo dục công dân về thiên nhiên và giúp họ tham gia vào nỗ lực bảo tồn cảnh quan đô thị. Ngoài ra, người yêu thiên nhiên cũng có thể ghé thăm trang trees.sg để tìm hiểu kiến thức khoa học cũng như tên của các loài cây được trồng quanh khu họ sống, cũng như thông tin chi tiết về hàm lượng carbon, đường kính và lịch cắt tỉa của từng cây.
ANH THƯ
TTO - Tại TP.HCM, trước đây từng thử nghiệm dùng máy "siêu âm" cây xanh để "bắt bệnh" cho cây, nhưng chưa thể ứng dụng rộng rãi.
Xem thêm: mth.31591658050602202-aoh-iht-od-iov-oht-pogn-hnax-yac/nv.ertiout