"Thị trường Việt Nam đang xuống mạnh nhưng theo tôi chỉ là ngắn hạn, nhà đầu tư cần bình tĩnh và có niềm tin. Về lâu dài thị trường sẽ ổn định lại", ông Don Lam, Đồng sáng lập, Tổng giám đốc VinaCapital bình luận tại phiên hội thảo chuyên đề "Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản" thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 sáng 5/6 tại TP HCM.
Ông Don Lâm nhận định trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn đang xu hướng giảm. Tuần qua, thanh khoản trên sàn TP HCM cải thiện đáng kể khi mỗi phiên đều trên 16.000 tỷ đồng, nhưng lại đột mất đà hồi phục ở phiên ngày thứ sáu (3/6), với thanh khoản rớt mạnh xuống dưới 13.000 tỷ đồng.
Cùng với ông Don Lâm, nhiều chuyên gia tham dự xác nhận thị trường đang chịu tác động nhiều yếu tố từ bên ngoài lẫn nội địa, từ kinh tế toàn cầu không ổn định do lạm phát, khủng hoảng Ukraine và Mỹ tăng lãi suất. Trong nước, một vài sự cố gần đây bị xử lý liên quan đến hành vi thao túng cũng ảnh hưởng tâm lý.
Mới trở về từ chuyến công tác nước ngoài, ông Don Lâm nói các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Vị chuyên gia cho rằng vấn đề để thị trường này phục hồi bền vững, ổn định và thu hút được dòng vốn ngoại thì cần nỗ lực để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.
Để nâng hạng, thanh khoản thị trường cần đạt 2-3 tỷ USD mỗi ngày; khả năng thanh toán, quản trị quản lý và khả năng thông tin phải cải thiện và minh bạch. Cùng với đó, tiếp tục tăng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư ngoại.
"Nếu thăng hạng được thì chúng tôi có thể mang được thêm 10 tỷ USD vốn mới vào thị trường", ông Don Lâm nói. "Chúng ta cần thêm 'hàng', tức cổ phần hóa thêm để có sản phẩm cho nhà đầu tư mua. Cần có khuôn khổ pháp lý cho quỹ hưu trí độc lập; khuyến khích nhà đầu tư lẻ vào các quỹ chuyên môn", ông bổ sung.
Đánh giá tổng thể thị trường vốn Việt Nam, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính), cho rằng thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.
Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5% mỗi năm giai đoạn 2016-2021. Quy mô thị trường vốn đã đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8%GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, sự tăng trưởng nhanh của chứng khoán, thị trường trái phiếu gần đây cũng phát sinh những rủi ro tiềm ẩn. Trong đó, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi; nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh.
Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Với hiện trạng các kênh trong thị trường vốn từ cổ phiếu đến trái phiếu còn có vấn đề ngắn hạn, các chuyên gia đưa ra hàng loạt khuyến nghị. Trong đó, tìm cách gia tăng tính minh bạch nhận được thảo luận hàng đầu.
"Thời gian qua, thị trường đã phát hiện và xử lý các sai phạm mạnh mẽ. Động thái này rất phù hợp, mang tính cảnh báo răn đe và tăng luận cứ để cải thiện tính minh bạch thông tin", ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, nhận xét.
Với giao dịch trái phiếu, ông Dương cho hay Bộ Tài chính đang sửa đổi trong phạm vi chức năng của mình về các quy định liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đối với việc sửa đổi ở cấp độ cao hơn là Nghị định 153 thì ông Dương cũng cho rằng có thể cân nhắc yêu cầu việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng cần có định mức tín nhiệm.
Ông Devendra Joshi, Chiến lược gia trưởng Tập đoàn Sovico cho rằng Việt Nam cần phải có một thị trường trái phiếu có đầy đủ chức năng, cho phép thêm nhiều sản phẩm phái sinh để đảm bảo tính thanh khoản. "Cần cải thiện khả năng minh bạch về thông tin để cho phép nhà đầu tư tham gia hiệu quả hơn, cần có những đơn vị đánh giá tín nhiệm uy tín", ông góp ý.
Ông Phạm Hồng Sơn cho hay Bộ Tài chính đang hướng đến giải pháp xây dựng một sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, giám sát tiền từ phát hành trái phiếu chặt chẽ hơn.
Với cổ phiếu, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục cần tái cấu trúc, rà soát kiểm tra các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để xây dựng phương án hoạt động hiệu quả, số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán. Với các tổ chức kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm thì sẽ khuyến khích nâng cao chất lượng và hợp tác với fintech.
Hợp tác với fintech để phát triển thị trường vốn cũng là khuyến nghị của một số chuyên gia. PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật TP HCM, khuyến nghị ngoài việc nghiên cứu thí điểm ứng dụng fintech trong ngân hàng thì nên cho cả thí điểm cho chứng khoán và bảo hiểm. Theo đó, nhà quản lý xây dựng một khung thí điểm fintech chung rồi các đơn vị chịu trách nhiệm từng lĩnh vực sẽ triển khai những quy định của thể đặc thù riêng.
"Các nhà quản lý nên tiếp cận với góc nhìn cởi mở, cân bằng mục tiêu ứng dụng chuyển đổi số để cải thiện thị trường vốn với việc bảo vệ được người tiêu dùng", ông Khánh nói.
Về dài hạn, ông Jonathan Pincus, Đại diện UNDP Việt Nam cho rằng cần tiếp tục khuyến khích dòng tín dụng xanh đang phát triển mạnh mẽ những năm gần đây. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng trong việc đạt mục tiêu phát triển bền vững.
"Muốn đạt được mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu và phát thải bằng 0 thì Việt Nam cần tăng lượng vốn đầu tư rất nhiều. Để làm được thì cần phát triển hệ thống vốn nội địa, chứ vốn ngoại chỉ đóng vai trò phụ trợ. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ cho việc phát triển dòng vốn nội địa", ông nhận định.
Viễn Thông