Intelligent, một tạp chí trực tuyến tập trung vào đời sống sinh viên, đã khảo sát 800 nhà quản lý, giám đốc và giám đốc điều hành tham gia vào quá trình tuyển dụng. Họ tìm ra nhiều lý do khiến những ứng viên lớn tuổi được ưu tiên hơn gen Z.
Khi công ty "chê" gen Z
Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 60% nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra nhiều phúc lợi hơn và trả lương cao hơn để thu hút nguồn nhân lực lớn tuổi, thay vì sinh viên mới tốt nghiệp, hiện thuộc thế hệ Z, và 39% từ chối gen Z dù ứng viên hoàn toàn phù hợp với công việc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, hầu hết từ thái độ thiếu chuyên nghiệp và những hành xử không phù hợp của gen Z hiện nay. Gần 20% nhà tuyển dụng cho biết các ứng viên gen Z thậm chí còn dẫn theo cha mẹ đến tham gia phỏng vấn xin việc.
Khoảng 50% nhà quản lý tham gia khảo sát cũng báo cáo việc ứng viên gen Z yêu cầu mức lương không hợp lý, ăn mặc không phù hợp khi phỏng vấn trực tiếp và gặp khó khăn khi giao tiếp bằng mắt trong các cuộc phỏng vấn - một trong những yếu tố tạo ra sự kết nối và tin tưởng.
Ngay cả với các cuộc phỏng vấn trực tuyến, kết quả cũng không khá hơn. Có 21% nhà tuyển dụng cho biết ứng viên từ chối bật camera khi phỏng vấn xin việc. Nhiều gen Z tham gia phỏng vấn mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Khoảng 60% nhà tuyển dụng nói nhân viên gen Z thường xuyên đi làm muộn, không thể quản lý khối lượng công việc dẫn đến trễ thời hạn. 63% nhà quản lý nhận thấy gen Z "ảo tưởng sức mạnh", 58% nói nhóm này quá dễ tự ái.
Nhìn chung, các nhà quản lý nhấn mạnh gen Z dường như không có sự chuẩn bị tốt để bước vào lực lượng lao động, không có khả năng tiếp nhận phản hồi và giao tiếp kém.
Gần một nửa (47%) nhà tuyển dụng cho biết từng sa thải một nhân viên gen Z.
Tất cả do lỗi của gen Z?
Diane M. Gayeski, giáo sư về truyền thông chiến lược tại Đại học Ithaca (Mỹ), cho rằng những hành vi này không hoàn toàn là lỗi của gen Z, khi thế hệ này cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.
"Các nhà tuyển dụng cần nhận ra rằng do đại dịch COVID-19, những người trẻ tốt nghiệp đại học đã phải trải qua hơn hai năm gián đoạn trong quá trình học tập cũng như sự phát triển xã hội và nghề nghiệp", bà Gayeski nhấn mạnh.
"Các sinh viên năm cuối hiện tại đã trải qua năm thứ nhất đại học vào thời kỳ đỉnh điểm của dịch COVID-19. Họ đã phải học trực tuyến và không thể tham gia các câu lạc bộ, tìm kiếm cơ hội thực tập hoặc công việc", bà nói thêm.
Theo Business Insider, PWC, Deloitte và KPMG là một trong những công ty lớn cho biết các tân binh gen Z đã trưởng thành trong thời kỳ đại dịch, vì vậy gặp nhiều khó khăn để rèn luyện các kỹ năng giao tiếp cơ bản và quy tắc ứng xử nơi công sở.
Để giải quyết vấn đề, các công ty này đã tổ chức nhiều lớp học bổ sung kỹ năng mềm như cách gửi email, trang phục phù hợp ở văn phòng hoặc làm việc nhóm.
Trong một khảo sát khác của Intelligent vào tháng 8-2023, 62% số người được hỏi cho biết "văn hóa" là lý do chính khiến nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học chưa chuẩn bị sẵn sàng.
Cụ thể, 50% số người được hỏi nói nguyên nhân là do cách cha mẹ nuôi dạy con cái, 48% đổ lỗi cho đại dịch COVID-19 và 46% cho rằng các phương pháp giáo dục hiện nay đang có vấn đề.
Joe Mull, tác giả cuốn sách "Employalty: How to Ignite Commitment and Keep Top Talent in the New Age of Work" (Tuyển dụng: Làm thế nào để khơi dậy cam kết và giữ chân nhân tài hàng đầu trong thời đại làm việc mới), cho rằng những nhận định về gen Z "vốn đã sai lệch" vì chỉ dựa trên quan điểm.
Ông nhấn mạnh thành kiến về những người lao động trẻ tuổi ít được trang bị hơn, cao ngạo hơn hoặc ít có động lực hơn là câu chuyện từ bao đời nay. "Những nhận thức không mấy tốt đẹp này về thế hệ Z cũng giống như những gì các thế hệ trước từng nhìn về chúng ta", ông chia sẻ.
Phần lớn các bạn trẻ gen Z tự tin hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì trong công việc và cả trong tình yêu.