Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới" diễn ra tại TPHCM sáng ngày 5/6, TS Nguyễn Đoan Trang - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ kế hoạch và đầu tư), cho rằng chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới", khai mạc tại TPHCM sáng ngày 5/6 |
Hiện các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn trên thế giới dự tính phân công lại chuỗi cung ứng theo hướng giảm tập trung vào Trung Quốc xuống còn 45-50%. Theo đó sẽ dời 15 - 20% chuỗi cung ứng về Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Myanmar, Bangladesh, Campuchia. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho ngành sản xuất nguyên phụ liệu giày da và sản xuất giày dép, túi xách. Dự kiến từ nay đến năm 2025 dòng dịch chuyển đầu tư ngành dệt may vào Việt Nam được dự báo tăng nhanh.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Học viện Ngoại giao dự báo, Việt Nam có lợi thế để tranh thủ đón sự dịch chuyển cung ứng khu vực và toàn cầu nhờ chính trị - xã hội ổn định, lực lượng lao động trẻ, tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân với tầng lới trung lưu ngày càng tăng, tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), khống chế được dịch COVID-19 nâng cao uy tín của Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn.
Tuy nhiên, yêu cầu đầu tiên là Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế, pháp luật logistic nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động này. Có vậy mới khuyến khích DN phát triển đa dạng các loại hình và giúp hạ chi phí logistic xuống, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Trong năm 2021, chi phí logistic tại Việt Nam chiếm 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới chỉ khoảng 10,6%. Chi phí này đang là gánh nặng trên vai các DN xuất khẩu và tình trạng này có thể nặng nề hơn trong năm 2022.
Rất nhiều ngành sản xuất trong hai năm qua đã tìm cách chuyển bớt các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á, Ấn Độ... |
Đồng thời cần xây dựng và phát triển hệ thống kho lạnh thương mại, đổi mới toàn diện hệ thống dự trữ quốc gia vì đây là yếu tố quyết định thành công của chuỗi cung ứng. Những biến động khó lường về giá xăng trong tháng 5 vừa qua là hệ quả của việc thiếu hệ thống các kho chứa. Các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ là những thị trường chủ chốt trong quá trình lưu kho và luân chuyển hàng hóa. Trong đó, hậu cần kho lạnh sẽ là tài sản thu hút sự quan tâm mạnh khi làn sóng xuất nhập khẩu thuốc, vắc xin, thương mại điện tử, giao hàng thực phẩm gia tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Một yêu cầu khác theo TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện Kinh tế chính trị học - Học viện Chính trị Quốc gia HCM là cần phải nâng cao năng lực dự báo thị trường. Khi dịch bệnh mới bùng phát ở Trung Quốc, các DN Việt Nam có phần coi nhẹ rủi ro thị trường, dẫn đến bị động khi dịch bệnh lan rộng. Còn khi dịch lan ra toàn cầu, các DN đã không dự báo chính xác nhu cầu một số sản phẩm trong đại dịch, cũng như khả năng phục hồi tổng cầu khi bước vào trạng thái bình thường mới, khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.6435641a-a-man-gnod-gnas-couq-gnurt-ut-neyuhc-hcid-gnad-gnu-gnuc-iouhc/nv.moc.enilnounuhp.www