Cụ thể, cảng quốc tế Cái Mép được xếp hạng thứ 11 CPPI (theo cách tính thống kê trung bình tất cả 5 kích cỡ tàu), và đứng thứ 13 (theo cách tính kỹ thuật, cho trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó).
Trong đó, cảng Cái Mép của Việt Nam được xếp hạng cao hơn 3 cảng trung chuyển lớn là cảng PTP Malaysia (thứ 16), Singapore (thứ 31), Hồng Kông (thứ 38) và Yokohama của Nhật Bản (thứ 12).
Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là cảng container nước sâu tại khu vực Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với diện tích 48 ha. Cảng có cầu cảng dài 600 m, có khả năng đón các tàu container có trọng tải lớn đạt 160.000 DWT.
Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, CMIT có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho các hãng tàu và khách hàng với thời gian nhanh nhất, thông qua các tuyến vận chuyển quốc tế trực tiếp từ Việt Nam đến các thị trường lớn như châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, hàng hóa container qua CMIT đạt khoảng hơn 3 triệu Teus (đơn vị đo khả năng chứa của container trong vận tải đường biển), bằng 106% so với cùng kỳ năm 2021 (hơn 2,89 triệu Teus).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 48/69 cảng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt 155,7 triệu tấn/năm. Trong đó, tỉnh đang có 7 dự án cảng container lớn với công suất 6,8 triệu TEUs/năm.
Để phát huy lợi thế về cảng biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng trọng điểm phía Nam.
Cùng với đó, tỉnh thực hiện quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp gắn với cảng biển. Tính đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 8.510ha.
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư đang được triển khai điển hình như: Nhà máy Sản xuất PPP và kho ngầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Tổ hợp Hóa dầu miền Nam 5,4 tỷ USD; Trung tâm Điện lực Long Sơn 4,5 tỷ USD,…
Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có lợi thế về tài nguyên biển. Bên cạnh cảng biển nước sâu, tỉnh còn có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có trữ lượng dầu đạt 400 triệu m3, chiếm 93,29% trữ lượng cả nước; trữ lượng dầu khí khoảng trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2% trữ lượng khí cả nước.
Dầu mỏ và khí đốt của Bà Rịa - Vũng Tàu phân bố chủ yếu ở Bể Cửu Long và Bể Nam Côn Sơn. Bể Cửu Long có trữ lượng khai thác khoảng 170 triệu tấn dầu và 28 – 41 tỷ m3 khí. Trong đó, mỏ Bạch Hổ trữ lượng 100 triệu tấn dầu và 25 - 27 tỷ m3 khí, mỏ Rồng trữ lượng 10 triệu tấn dầu và 2 tỷ m3 khí, mỏ Hồng Ngọc và Rạng Đông trữ lượng 50 - 70 triệu tấn dầu và 10 - 15 tỷ m3 khí.
Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn có nguồn thuỷ sản dồi dào. Cụ thể, thềm lục địa của tỉnh có 661 loài cá, 35 loài tôm, 23 loài mực, hàng ngàn loài tảo, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng hải sản có thể khai thác tối đa hàng năm từ 150.000 – 170.000 tấn.
Trên thực tế, tài nguyên biển của Bà Rịa - Vũng Tàu rất thuận lợi cho phát triển vận tải biển, hệ thống cảng, du lịch và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản.
Tận dụng lợi thế tài nguyên biển để phát triển kinh tế, trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì đà phát triển, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2000 đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn giữ vị trí là địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước (tính cả dầu khí và không tính dầu khí).
GRDP bình quân đầu người (không tính dầu khí) của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (USD/người). Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 1996 đến nay, tỉnh có GRDP bình quân đầu người cao gấp 2 lần mức bình quân chung cả nước.
Năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt 12.154 USD/người (tính cả dầu khí) tương đương 281,2 triệu đồng và đạt khoảng 7.141 USD/người (không tính dầu khí) tương đương 163,4 triệu đồng, gấp hơn 8 lần so với năm 2000 (851 USD/người tương đương 19,5 triệu đồng).
Năm 2021, GRDP trừ dầu khí của tỉnh đạt 111.033 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, GRDP tính cả dầu khí của tỉnh đạt 213.948 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), giảm 6,26% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến cho GRDP tính cả dầu khí giảm vì hoạt động khai thác dầu thô, khí đốt giảm và sự suy giảm của khu vực dịch vụ trước tác động của dịch Covid-19.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp dần hồi phục. Một số ngành và lĩnh vực đạt mức tăng trưởng cao.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11,24%; doanh thu dịch vụ cảng tăng 6,77% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch tăng gần 16%. Riêng khách quốc tế lưu trú tăng 14,44% so cùng kỳ.
https://cafef.vn/tinh-co-cang-container-thuoc-top-11-tot-nhat-the-gioi-co-gi-dac-biet-20220605105708095.chnTheo Minh Tiến
Tổ Quốc