Bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - Ảnh: BÌNH MINH
Bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - nhận định chăm lo cho trẻ em cũng chính là sự chuẩn bị cho tương lai của thành phố và đất nước.
"Qua những dịp được tiếp xúc trực tiếp với thiếu nhi thành phố, qua báo cáo của Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố, cô được biết rằng các cháu thiếu nhi ngày nay rất giỏi giang, tiếp cận công nghệ, thông tin nhanh, khả năng tìm tòi và học hỏi gần như là không có giới hạn. Các cháu rất mạnh dạn, tự tin trong thể hiện ý kiến.
Với tinh thần đó, cô mong rằng các cháu cũng sẽ mạnh dạn để có những ý kiến phát biểu trong chương trình hôm nay", bà nói.
Nhiều đề xuất về văn hóa, thể thao
Thiếu nhi TP.HCM đưa ra nhiều đề xuất tại chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi năm 2022" - Ảnh: BÌNH MINH
Tại chương trình, em Lý Nguyên Trân (Trường THCS Bạch Đằng, quận Bình Thạnh) mong muốn công trình cung thiếu nhi ở Thủ Thiêm được xây nhanh hơn, để các bạn huyện vùng sâu vùng xa như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ… có thể đến vui chơi, tham gia sinh hoạt và học tập.
Em Đặng Trần Hiền Phương (Trường THCS Hoa Lư, TP Thủ Đức) kỳ vọng ngành giáo dục và văn hóa thể thao thành phố tổ chức thêm những hoạt động rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe để trẻ giao lưu học hỏi và phát triển kỹ năng, đồng thời những môn thể thao như futsal, wushu, kurash sẽ được phổ cập rộng rãi hơn đến học sinh.
Liên quan đến vấn đề giáo dục, em Lâm Thái Hồng Phương (Trường THCS Lạc Hồng, quận 10) chia sẻ mong muốn được giao tiếp và tương tác với giáo viên bản xứ nhiều hơn trong các tiết học tiếng Anh, được học cách viết thư, các mẩu chuyện nhỏ, đồng thời hy vọng trong thời gian tới môn tiếng Anh sẽ được giảng dạy bằng phương pháp vừa học vừa chơi.
Em Nguyễn Hiếu Khanh (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1) đề nghị lãnh đạo thành phố tạo thêm nhiều điều kiện để học sinh được gặp gỡ và trao đổi với bạn bè quốc tế trong khu vực và trên thế giới, từ đó chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm, thông tin và cách thức hoạt động trong nghiên cứu khoa học.
Một số trăn trở khác của thiếu nhi thành phố xoay quanh văn hóa đọc như tình trạng giới trẻ sa đà vào thế giới ảo thay vì đọc sách, hay kỳ vọng các phòng tâm lý học đường nâng cao chất lượng để hỗ trợ cho học sinh, có nhiều hoạt động hướng nghiệp thiết thực hơn, tăng cường tuyên truyền ý thức tham gia giao thông, xây dựng thêm nhiều công viên, khuôn viên xanh…
Nỗ lực vì thiếu nhi thành phố
Ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - Ảnh: BÌNH MINH
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, tất cả nỗ lực của UBND TP.HCM, ngành giáo dục cũng như các thầy cô giáo chính là để tất cả trẻ em có sự bình đẳng và tâm thế học tập tốt nhất, đặc biệt là trong thời gian diễn ra dịch COVID-19.
"Trong thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành khác để mở rộng các hoạt động thể dục thể thao. Gần đây nhất, chúng tôi cũng tổ chức ngày hội thể thao học sinh hằng tuần để trẻ có nhiều sân chơi, rèn luyện thể lực", ông Quốc nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM - Ảnh: BÌNH MINH
Đồng ý với đề xuất của nhiều học sinh, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, cho biết cần nghiên cứu xây dựng nhiều thiết chế văn hóa tập trung nâng cao đời sống tinh thần cho người dân tại các huyện ngoại thành.
"Sở đang phối hợp với UBND huyện Cần Giờ xây dựng trung tâm thể thao đa năng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có phương thức triển khai hiệu quả", bà Thúy chia sẻ.
Ông Lê Quốc Cường, phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, cho biết thành phố đã và đang tiếp tục đẩy mạnh văn hóa đọc qua nhiều hoạt động. Trong thời gian tới, ngành thông tin sẽ phối hợp cùng các cơ quan báo chí triển khai nền tảng số để thiếu nhi truy cập trực tuyến vào các báo Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ, đồng thời phát triển thêm thư viện số.
Chị Phan Thị Thanh Phương, bí thư Thành đoàn TP.HCM - Ảnh: BÌNH MINH
Chị Phan Thị Thanh Phương, bí thư Thành đoàn TP.HCM, cho biết những hiến kế, ý tưởng của thiếu nhi thể hiện tình cảm rất lớn của các em đối với thành phố.
"Thành đoàn và Hội đồng Đội thành phố luôn có những diễn đàn lắng nghe tiếng nói của trẻ em ở các địa phương. Thông qua các cuộc họp, các em nói lên tiếng nói và tăng kỹ năng của mình, đồng thời tổng hợp được các sáng kiến, ý tưởng để chuyển tải, kết nối với các sở, ngành", bà Phương cho biết.
Bà Nguyễn Thị Lệ, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tại từng địa phương, đơn vị tiếp tục tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để mở rộng trường lớp, các sân chơi cho trẻ em, đặc biệt là các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh cho thiếu nhi, nhất là trong dịp hè và các dịp lễ tết, chăm lo các em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em là con của công nhân, nông dân, người lao động, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi.
"Tôi cũng kêu gọi các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn nữa để quan tâm, chăm lo, lắng nghe và đồng hành cùng con em mình, cùng nhà trường, xã hội, tổ chức Đoàn - Đội định hướng cho các em trong học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng, là một tấm gương sáng để các cháu học tập noi theo", bà Lệ nói.
TTO - Lễ xuất quân Hè tình nguyện 2022 được Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM tổ chức hôm nay 5-6 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM).
Xem thêm: mth.45790408150602202-oaht-eht-iohc-iuv-uhk-meht-oc-pt-gnov-yk-mch-pt-ihn-ueiht/nv.ertiout