Đây là chia sẻ của TS tâm lý Phạm Văn Tư - phó trưởng khoa công tác xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội - trong lễ phát động chương trình "24 giờ bên con" do Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) tổ chức.
Chương trình truyền tải thông điệp đến cha mẹ: "Hãy luôn sẵn sàng đồng hành cùng con trong hành trình lớn khôn" - vì thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe thể chất, mạnh tinh thần.
Trẻ chậm nói vì thiếu sự quan tâm của gia đình
Chia sẻ tại chương trình, ông Tư dẫn chứng một trường hợp từng tiếp nhận trị liệu tâm lý cho trẻ hơn 3 tuổi chậm nói.
Người mẹ rất giỏi, làm việc cho một công ty tư nhân với thu nhập rất cao. Ngay khi trẻ mới được 2 tháng tuổi, người mẹ đã quay lại công việc, đi công tác rất nhiều.
Trẻ hoàn toàn được giao lại cho ông bà. Thế nhưng thay vì chơi với trẻ, dạy trẻ nói thì ông bà lại thường xuyên cho trẻ xem điện thoại, tivi.
Từ sự thiếu giao tiếp, đến năm 3 tuổi trẻ chỉ bập bẹ nói vài từ. Lúc này người mẹ mới lo lắng và đưa con đến tư vấn tâm lý.
May mắn trẻ chỉ bị chậm ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc. Nguyên nhân chính là do thiếu tình yêu thương, quan tâm của cha mẹ trong giai đoạn đầu đời.
"Đây là tình trạng phổ biến của nhiều gia đình hiện đại, khi cha mẹ dành quá nhiều thời gian cho công việc mà quên mất thời gian dành cho con.
Nếu cha mẹ dành ít thời gian cho con, sẽ khiến con lo âu, gắn bó né tránh; trẻ thụ động trong việc giao tiếp; dễ có cảm xúc tiêu cực và ngại bày tỏ cảm xúc yêu thương với người khác.
Những bậc cha mẹ cần chú ý đến 5 nguyên tắc vàng trong đồng hành cùng con, đó là thấu hiểu - lắng nghe - đồng cảm - thời gian chất lượng - làm gương", TS Tư chia sẻ.
Ông Trần Đăng Khoa, phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), chia sẻ để phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, nhân cách, trẻ em phải được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và giáo dục ở cả ba môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội. Trong đó, gia đình là chiếc nôi phát triển của mỗi đứa trẻ.
"Vì vậy, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ là vô cùng cần thiết. Cha mẹ hãy dành thời gian để vui chơi cùng con, quan tâm đến trẻ để những đứa trẻ được phát triển một cách trọn vẹn nhất", ông Khoa nhấn mạnh.
Vai trò của người cha trong việc đồng hành cùng con
Ông Phạm Văn Tư cho hay nhiều người vẫn có quan niệm việc chăm sóc con, chơi với con là nhiệm vụ của các bà mẹ. Từ điều đó dẫn đến nhiều trẻ em mất sự cân bằng.
"Nhiều người nghĩ rằng đàn ông phải làm những việc lớn như kiếm tiền và không cần dành thời gian cho con. Thực tế nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh đàn ông thường xuyên chơi, đồng hành cùng con, chỉ cần tối thiểu 10 phút một ngày sẽ giúp con cân bằng cảm xúc, rất tốt về tâm lý.
Đối với người làm cha, có những cách rất đơn giản như thay vì hỏi những câu hỏi áp lực về học tập thì có thể ngắm nhìn con, cười với con hoặc một hành động ấm áp ôm con…
Hay trước khi đi ngủ chỉ cần bỏ điện thoại vài phút để lắng nghe con, kể vài mẩu chuyện đơn giản vừa giúp con thân thiết với mình. Vừa giúp bản thân giảm stress sau một ngày làm việc mệt mỏi", ông Tư nói.
Ông Phạm Văn Tư cũng cho rằng để đứa trẻ phát triển toàn diện, đặc biệt là về mặt cảm xúc, cần có sự tham gia của cả cha và mẹ. Vai trò của người cha thường hay nhắc đến uy và dẫn đến trẻ em thường hành động theo chuẩn mực tốt hơn.
"Có thể chỉ cần ánh nhìn của người cha, mà không cần quát tháo nhiều như người mẹ. Thậm chí từ những hành động mạnh mẽ của người cha sẽ giúp con ra ngoài xã hội biết cách ứng phó với mọi tình huống, dễ dàng vượt qua những khó khăn.
Vì việc thiếu đi sự đồng hành, chăm sóc của người cha dẫn tới đứa trẻ vừa mất tình thương, vừa mất đi tính đàn ông trong một đứa trẻ", ông Tư nói.
Mỗi đứa trẻ khi bước vào tuổi dậy thì đều có sự thay đổi cả về tâm lý và ngoại hình. Đây cũng là lứa tuổi "bất ổn" nhất của trẻ. Nhiều cha mẹ lúng túng khi đối diện với con cái ở độ tuổi này.