Khi căng thẳng địa chính trị gia tăng, các chính phủ phương Tây thúc giục doanh nghiệp chuyển hoạt động kinh doanh sang các nước thân thiện hơn. Một số nhà phê bình cho rằng điều đó có thể chia rẽ nền kinh tế toàn cầu thành các phe thù địch, làm tổn hại đến tăng trưởng và làm trầm trọng thêm lạm phát.
Những người ủng hộ xu hướng giao thương với "nước bạn" (Friend-Shoring) cho rằng điều này có thể bảo vệ quyền tiếp cận vào các nguyên liệu và linh kiện quan trọng. Đó là bài học rút ra từ đại dịch, khi thế giới chứng kiến sự thiếu hụt chất bán dẫn và một số thành phần khác làm ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lo ngại việc hạn chế tự do thương mại và đầu tư có thể xóa đi thành quả hàng thập kỷ của toàn cầu hóa. Nhờ xu hướng này mà hàng trăm triệu người được nâng cao thu nhập và phương Tây có được hàng hóa giá rẻ.
Các chuyên gia cũng lo rằng, xu hướng giao thương chia phe, làm ăn với "nước bạn" có thể đặt các mối quan tâm về an ninh và chính trị lên trên hiệu quả kinh tế hơn mức cần thiết. Một số quốc gia rơi vào tình thế phải chọn bên, tạo thành những bong bóng khép kín.
"Tôi lo lắng rằng chúng ta có thể đang trên con đường dẫn đến một thế giới bị chia cắt thành nhiều khối", Beata Javorcik, Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), cho biết.
EBRD được thành lập vào năm 1991 nhằm giúp các quốc gia ở Đông Âu và Liên Xô cũ tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Đối với bà Javorcik, xu hướng giao thương với "nước bạn" hiện nay mang một dư âm của Chiến tranh Lạnh.
Khả năng nền kinh tế thế giới phân tách thành hai khối gồm một bên tập trung vào Mỹ và bên còn lại tập trung vào Trung Quốc đã được các nhà kinh tế tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - tổ chức gắn liền nhất với toàn cầu hóa - nghĩ đến.
Họ tính toán việc hình thành một thế giới hai khối sẽ dẫn đến tổn thất 5% sản lượng kinh tế toàn cầu trong khoảng thời gian từ 10 đến 20 năm, tương đương với khoảng 4.400 tỷ USD. Các nhà kinh tế WTO cho rằng xu hướng làm ăn với "nước bạn" dẫn đến giá cả cao hơn và lợi nhuận thấp hơn ở phương Tây. Cùng với đó, các nước nghèo hơn cũng gánh chịu hậu quả không cân xứng, khi trước đó họ phần lớn hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ mà toàn cầu hóa mang lại.
Lệnh cấm vận dầu Nga của Liên minh châu Âu tuần qua là một ví dụ minh họa. Trên thực tế, việc hạn chế người châu Âu phải chuyển hướng sang mua dầu từ các nguồn cung mà họ cho là thân thiện hơn cũng đồng nghĩa phải chấp nhận giá cao hơn.
Tác động của xu hướng giao thương với "nước bạn" đối với tăng trưởng toàn cầu và lạm phát sẽ phụ thuộc vào cách xác định bạn hay thù.
Vì sự chia rẽ địa chính trị của chuỗi cung ứng hiện nay xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine nên các nhà kinh tế tại Ngân hàng UniCredit (Italy) đã dùng kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 7/4, về đề xuất loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, để làm căn cứ xem thế giới có thể bị phân tách thế nào.
Trong đó, các quốc gia phản đối việc loại Nga hoặc bỏ phiếu trắng, với một số đại diện lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico. Tổng cộng, nhóm này chiếm đến 35% tổng lượng hàng hóa được nhập khẩu bởi các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - một nhóm các nước giàu có bao gồm Mỹ và hầu hết các nước đồng minh của họ.
Việc chuyển chuyển hướng rõ nét chuỗi cung ứng sang việc nhập khẩu chủ yếu từ các "nước bạn" có lẽ vẫn còn xa, nhưng con số nêu trên nhấn mạnh rằng nếu diễn ra thì sẽ mang đến tác động lớn như thế nào. Hệ lụy ở đây là, các ngân hàng trung ương phải đối diện với xu hướng lạm phát tiếp tục neo cao, ngay cả sau khi giá năng lượng và lương thực giảm bớt.
Trong một bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde lập luận rằng dù cuộc chiến của Nga có thể khiến địa chính trị trở nên quan trọng hơn với cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng điều đó không nhất thiết đánh dấu chấm hết cho toàn cầu hóa. Bà cho rằng, vấn đề chỉ là các doanh nghiệp có ít lựa chọn hơn để giảm chi phí.
Nhưng ngay cả trong kịch bản đó, giá vẫn sẽ cao hơn. "Trong bối cảnh này, có vẻ các động lực giảm lạm phát của thập kỷ trước sẽ ngày càng khó quay trở lại", bà Christine Lagarde, nhận xét.
Những người ủng hộ giao thương với "nước bạn" như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, giải thích rằng xu hướng này chỉ đang phản ánh những thay đổi địa chính trị vốn đang diễn ra, như nỗ lực tự chủ hơn của Trung Quốc. Theo bà, việc không phản ứng với những thay đổi đó cũng sẽ có nguy cơ tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn, nếu các nguyên liệu và hàng hóa quan trọng bị các thế lực thù địch giữ lại.
"Tôi tin rằng chúng ta cần xem xét cách khuyến khích 'kết nối bạn bè' của chuỗi cung ứng đến nhiều quốc gia đáng tin cậy với nhiều loại sản phẩm, để chúng ta có thể tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận thị trường một cách an toàn, với rủi ro thấp hơn cho nền kinh tế, cũng như các đối tác thương mại của chúng ta", bà Yellen nói tại một hội nghị ở Brussels do Ủy ban châu Âu tổ chức vào tháng trước.
Nhưng việc tìm kiếm sự cân bằng giữa việc cho phép các doanh nghiệp sản xuất ở nơi có chi phí thấp nhất và đảm bảo rằng nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu sẽ luôn sẵn sàng, có thể sẽ là điều khó khăn, Wall Street Journal nhận định.
Phiên An (theo WSJ)