Tuyến vành đai 3 Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương) vừa được đầu tư xây dựng giải quyết tình trạng kẹt xe hai tuyến quốc lộ 1K và quốc lộ 13 khi được kết nối với TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Vì vậy vấn đề cần quan tâm là làm sao nhanh chóng hoàn thành thủ tục, bố trí đủ nguồn vốn để đảm bảo đúng tiến độ, nhanh đưa các tuyến đường vào khai thác.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi trình tờ trình cho biết 2 dự án đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 Hà Nội có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và được dự kiến đầu tư giai đoạn 2011 - 2022.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nhất là sự hạn chế nguồn lực nên chưa triển khai được. Thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết đầu tư 2 dự án này.
Làm ngay để gỡ điểm nghẽn
Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong giai đoạn 2022 - 2027, nếu hoàn thành 2 dự án sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh kinh tế, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị và giảm áp lực cho giao thông nội ô và các tuyến đường hiện hữu.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng Việt Nam nằm trong số 30 nền kinh tế có chất lượng giao thông kém nhất trên thế giới. So với các nước trong khu vực, ít có nước nào có chiều dài đường cao tốc thấp như nước ta. Trong đó điểm nghẽn lớn nhất về giao thông lại nằm ở TP.HCM và Hà Nội. Do đó ông Lộc cho rằng: "Việc làm 2 dự án đường vành đai là rất cần thiết và cấp bách".
Cùng quan điểm, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng sau dịch COVID-19, nền kinh tế bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, nên việc triển khai các chương trình phục hồi kinh tế, xây dựng đầu tư hạ tầng, dự án đường giao thông sẽ tạo việc làm, thu nhập cho người dân, nới rộng không gian phát triển cho các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực của vùng và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay quy hoạch đường vành đai 3 TP.HCM có từ năm 2011, đến nay đã 11 năm, nếu được làm sau khi có quy hoạch, chắc chắn chi phí giải phóng mặt bằng sẽ giảm 1/10 so với hiện nay. Theo ông Mãi, khi đường vành đai 3 hoàn thiện sẽ tạo hành lang cho đô thị và công nghiệp không chỉ của 4 tỉnh, mà tác động lan tỏa ra cả khu vực phía Nam, đồng thời kết nối vùng.
Hướng tuyến đường vành đai 4 qua địa bàn 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) - Đồ họa: N.KH.
Quan trọng: đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Mặc dù tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, cấp bách đầu tư 2 dự án đường vành đai 3 TP.HCM và đường vành đai 4 Hà Nội nhưng nhiều đại biểu cũng băn khoăn đến việc bố trí nguồn vốn, giải phóng mặt bằng và đảm bảo tiến độ của các dự án.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (TP.HCM) cho rằng nếu không có đường vành đai kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh sẽ cản trở rất lớn cho sự phát triển TP.HCM và cả vùng.
Tuy nhiên ông cũng hết sức băn khoăn về việc dự án đường vành đai 3 TP.HCM đặt ra tiến độ giải phóng mặt bằng một lần, trong thời gian ngắn, trong khi cơ chế, chính sách, vốn đầu tư gắn với việc trượt giá, lạm phát...
Do vậy ông Hải đề nghị ngoài trách nhiệm của địa phương cần có sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan trung ương là Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo dự án đạt tiến độ đề ra.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) băn khoăn về năng lực của các đơn vị thi công của doanh nghiệp trong nước, khi giai đoạn năm 2021 - 2025 sẽ phải triển khai nhiều dự án lớn.
Ông Hùng đặt câu hỏi: "Liệu chúng ta có đủ nguồn lực và năng lực thi công cho nhiều dự án lớn như vậy hay không khi trong cùng một lúc triển khai nhiều dự án? Chưa nói là giá nguyên liệu đầu vào tăng lên, gây áp lực cho đơn vị đấu thầu, thi công khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng rất nhanh".
Ông Hùng cũng băn khoăn phương án thu phí để thu hồi vốn, khi trong tờ trình của Chính phủ chưa rõ phương án này. "Trong trường hợp nếu chuyển nhượng tư nhân thì cơ chế thế nào, còn nếu không thực hiện chuyển nhượng thì mức thu phí sẽ ra sao, bao nhiêu năm hoàn vốn, phương án thế nào, cần có giải trình cụ thể để đại biểu Quốc hội yên tâm bấm nút", ông Hùng nói.
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng trong trường hợp nếu không thu phí, tài sản ta tạo ra từ các dự án giao thông sẽ là tài sản quốc gia lớn. Những dự án này sẽ mở ra không gian phát triển 2 bên đường, tạo ra quỹ đất, mở ra các phương án kinh doanh, khu công nghiệp và mở rộng kết nối.
Theo ông Mạnh, nếu không thu phí, giá thành và chi phí vận tải sẽ giảm, hàng nông sản miền Tây có nhiều lợi ích hơn.
"Trong bối cảnh nền kinh tế đang triển khai các chính sách phục hồi kinh tế thì việc kích cầu đầu tư vào các dự án hạ tầng sẽ đem lại tác động kép, tạo công ăn việc làm, kích cung tăng trưởng mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Có thể tính toán lựa chọn bán quyền thu phí ở nơi có nhiều lưu lượng nhưng cũng không quá quan trọng về bán quyền thu phí", ông Mạnh nêu.
Chủ tịch Quốc hội: Ưu tiên vốn cho đường vành đai 3 TP.HCM do tính cấp bách
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ là cố gắng tạo đồng thuận cao để tổ chức thực hiện, kết thúc năm 2025 có thêm cao tốc, tạo đột phá cho kết cấu hạ tầng. Chúng ta đang tập trung làm theo trục Bắc - Nam, còn các tuyến đường kết nối vẫn thiếu nhiều trong khi đây cũng là các tuyến quan trọng.
"Lần này sẽ dành nguồn lực ưu tiên vốn cho đường vành đai 3 TP.HCM do tính cấp bách. Dự án sẽ được cơ bản bố trí đủ vốn để hoàn thành năm 2025; quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2026. Tuyến đường này không chỉ cho miền Đông Nam Bộ mà kết nối cả miền Tây Nam Bộ", ông Huệ nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ GTVT tập trung để thi công nhanh, khắc phục những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nút thắt để thi công, đưa vào sử dụng nhanh, hiệu quả sẽ lớn. Còn về nguồn kinh phí, ông Phớc cũng cho hay Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - đầu tư đã giải trình sẽ đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện.
Không dùng nguồn cải cách tiền lương làm cao tốc
Là một trong những địa phương có dự án đường vành đai 4 Hà Nội đi qua, đại biểu Đào Hồng Lan - bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh - cho hay việc đảm bảo cơ cấu nguồn đầu tư là khó khăn nhất, khi phần lớn các dự án đều sử dụng cơ cấu vốn hỗn hợp (trung ương, địa phương). Bà Lan đề nghị Quốc hội có cơ chế cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương, thể chế hóa trong nghị quyết của Quốc hội để các địa phương có căn cứ thực hiện.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng không nên đặt ra vấn đề này vì đụng chạm tới nghị quyết trung ương về cải cách tiền lương. Ông Huệ cho biết Quốc hội đã có nghị quyết, quy định tuyệt đối không dùng nguồn cải cách tiền lương cho việc khác với bất kỳ lý do gì. Phải dành nguồn này cho cải cách tiền lương.
Ông cũng bày tỏ băn khoăn khi các dự án đều chuyển sang hình thức đầu tư công, dù đã có Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhưng đến nay lại chuyển hết sang đầu tư công. "Đó là vấn đề cần phải đánh giá một cách căn cơ.
Thị trường vốn dài hạn kém phát triển. Phải lo xây dựng thị trường vốn dài hạn. Các nước có các dự án đầu tư kết nối hạ tầng chủ yếu là BOT, PPP. Giai đoạn phục hồi thì ta lấy vốn gói này nhưng lâu dài thì phải sử dụng vốn xã hội", ông yêu cầu.
Em Hồ Chí Luân, học sinh lớp 9 Trường THCS Bình Chánh (TP.HCM), hằng ngày đi xe đạp từ Bến Lức qua Bình Chánh đi học, hồ hởi nói: ”Có tuyến vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành sau này không còn đi chung với xe tải, xe container nữa tránh được nguy hiểm" - Ảnh: TỰ TRUNG
* Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau):
Lập ngay quy hoạch khai thác quỹ đất hai bên đường
Tờ trình của Chính phủ về các đường vành đai còn bỏ lọt đi một yếu tố quan trọng khi các dự án giao thông được quy hoạch đồng thời với các dự án khác hai bên đường như đô thị, khu công nghiệp, thuê mặt bằng...
Nguồn tiền thu được từ sử dụng đất, đặc biệt là địa tô chênh lệch sẽ không ít, thậm chí thừa tiền làm đường, nhất là các dự án đường vành đai đô thị.
Ví dụ với dự án đường vành đai 4 Hà Nội chủ yếu đi qua đất nông nghiệp, do đó cùng với việc phê chuẩn các dự án giao thông này phải song song với nhiệm vụ quy hoạch hai bên đường sẽ tạo ra quy hoạch dẫn đường và còn tạo ra địa tô chênh lệch.
Nếu sau khi dự án hoàn thành mới lập các quy hoạch thì việc thu hồi đất, xác định giá đất sẽ rất phức tạp và khi ấy, người thiệt hại sẽ không chỉ là người dân mà còn là cả Nhà nước nữa. Do đó chúng ta phải đi trước, lập quy hoạch song song mới giải quyết về vấn đề kinh tế - xã hội và thu hồi nhanh nguồn vốn.
* Đại biểu Trần Anh Tuấn (phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM):
Trung ương cần có trách nhiệm hỗ trợ địa phương
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM với chiều dài khoảng 100km thì việc xây dựng sẽ rất nhanh nếu mặt bằng sớm được bàn giao. Trong một dự án giao thông, giải phóng mặt bằng thường là vướng mắc lớn nhất, ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án.
Đối với dự án đường vành đai 3, dù có sự phân vai trách nhiệm giữa ngân sách trung ương và địa phương trong việc giải phóng mặt bằng nhưng tôi nghĩ trách nhiệm phải đặt lên vai cả hai phía.
Trong bối cảnh giá đất đai biến động như hiện nay, việc xây dựng khung chính sách thỏa được mong muốn của người dân sẽ rất khó, nếu không có sự tính toán kỹ có thể dẫn đến tắc nghẽn việc giải phóng mặt bằng.
Do vậy ngoài việc địa phương làm đúng theo quy định, khi có những ách tắc thì trung ương cũng phải nhảy vào để cùng với địa phương xây dựng cơ chế, chính sách và tháo gỡ nhanh nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ đề ra.
* Đại biểu Đỗ Đức Hiển (vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp):
Nên kéo dài hơn thời gian áp dụng cơ chế chỉ định thầu
Trong dự thảo nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 Hà Nội do Chính phủ trình Quốc hội có quy định cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, áp dụng trong 2 năm 2022 và 2023.
Tuy nhiên cũng trong dự thảo có quy định trong thời gian thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian thực hiện cơ chế này. Đây là quy định mở, nhưng trong trường hợp cần kéo dài việc thực hiện cơ chế đặc thù sẽ làm phát sinh thêm thủ tục. Theo tôi, ngay từ đầu nên tính toán kéo dài luôn thời gian thực hiện cơ chế 3, 4 năm hoặc suốt cả thời gian làm dự án sẽ thuận lợi cho việc triển khai sau này.
* Đại biểu Tô Thị Bích Châu (chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM):
Tính toán kỹ vấn đề lạm phát
Hiện nay tình trạng lạm phát trong giai đoạn cầm cự, nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ bị đuối hơi. Việc này khiến tôi băn khoăn về ảnh hưởng của lạm phát đến việc tính toán giá nguyên vật liệu và giá thi công được tính toán hiện nay. Thực tế nhiều dự án giao thông hiện nay bị chậm tiến độ là do giá cả nguyên vật liệu leo thang. Mặt khác lạm phát cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chỉ định, đấu thầu thực hiện các dự án thành phần sau này.
Do đó tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt trong việc kiềm chế lạm phát, hạn chế tối đa ảnh hưởng của việc giá cả leo thang tới tiến độ thi công các dự án.
TTO - Sáng 6-6, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng, trong đó có đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 thủ đô Hà Nội.