Theo TS Đặng Kim Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, ngành nông nghiệp đang phải giải quyết nhiều vấn đề khó để có thể đương đầu với những thách thức cũng như cơ hội mới.
+ Phóng viên: Thưa ông, qua nhiều năm theo dõi ngành nông nghiệp, xin ông cho biết những vấn đề lớn của ngành hiện nay là gì?
- TS Đặng Kim Sơn: Theo tôi, ngành nông nghiệp hiện có 3 vấn đề lớn, bao gồm cả vấn đề cũ chưa giải quyết được và những vấn đề mới.
Thứ nhất, là giải quyết thị trường cho nông sản. Đối với bà con nông dân, thị trường tiêu thụ (cả xuất khẩu và trong nước) vẫn là khó khăn nhất.
Đặc biệt, mấy năm nay do diễn biến phức tạp của dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến tình hình thị trường càng gay go hơn.
Do đó, câu chuyện thông tin thị trường, tổ chức hệ thống vận chuyển, phát triển thị trường, vẫn là điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Thứ hai, là vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ. Trước đây, chúng ta phát triển nông nghiệp rất tốt dựa trên khai thác tài nguyên: đất, nước, lao động, rừng, biển nhưng các tài nguyên đó hiện đã đến giới hạn, gây mất cân bằng rồi.
Do đó, từ giờ trở đi, động lực quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp phải là trí tuệ con người, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Muốn phát triển tài nguyên này, chúng ta phải xây dựng cả hệ thống nghiên cứu, đào tạo cán bộ, chuyển giao công nghệ, rồi ngân hàng phải có chính sách tốt để doanh nghiệp, người nông dân vay được vốn để đầu tư máy móc thiết bị.
Cơ sở hạ tầng yếu kém tại 2 vùng nông nghiệp lớn là Tây Nguyên và ĐBSCL khiến nông sản Việt kém cạnh tranh
Thứ ba, là vấn đề hoàn toàn mới vừa phát sinh sau Covid-19. Đó là, chúng ta phải đối mặt với nhiều biến động bất thường từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cho đến sự bất ổn an ninh, chính trị, chính sách trên toàn cầu.
Để đối phó với tình hình bất ổn, dự trù các rủi ro cần chú trọng những vấn đề như: bảo hiểm trong nông nghiệp, xây dựng kho tàng lưu trữ,… Nói chung, những giải pháp phòng chống thiên tai, ngăn chặn những nguy cơ tiềm tàng, bất định trong tương lai là nhiệm vụ lâu dài mà ngành nông nghiệp phải đương đầu quyết liệt trong thời gian tới.
+ Theo TS, đâu là những chính sách đột phá để giúp ngành nông nghiệp Việt Nam cải thiện và phát triển trong thời gian tới?
- Để khắc phục những khó khăn trên cũng như đương đầu với cơ hội và thách thức mới, có 2 giải pháp đột phá phải xử lý.
Thứ nhất, làm thế nào đưa ra các chính sách, thể chế tạo được cơ chế thị trường vận hành trong ngành nông nghiệp.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã làm tốt cơ chế thị trường về hàng hóa, tương đối tốt với lưu thông, dịch vụ nhưng trong quản lý và phân bổ tài nguyên (đất, nước, vốn, lao động, khoa học công nghệ,…) còn rất nhiều việc phải làm.
Mô hình dân góp đất trồng cao su tại Công ty CP cao su Sơn La, người dân được tuyển dụng vào làm việc chính thức tại công ty và được chia sản phẩm
Hiện nay, chúng ta đang bàn sửa Luật Đất đai, chỉnh sửa Luật Lao động, cố gắng xây dựng nền kinh tế khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.
Theo tôi, những vấn đề này phải được giải quyết một cách hiệu quả bằng cơ chế thị trường.
Mà để cơ chế thị trường vận hành được thì các tài nguyên đó phải được xác lập bằng quyền sở hữu hoặc sử dụng một cách rõ ràng bằng giấy tờ pháp lý.
Từ đó, những giấy tờ này có thể đưa vào ngân hàng để thế chấp, đưa ra sàn giao dịch để buôn bán hay đưa vào thị trường chứng khoán để đầu tư.
Còn hiện nay, mỗi loại đất đai là một loại thủ tục, 1 giá cả khác nhau nên thị trường rất khó vận hành.
Thị trường lao động còn phức tạp hơn khi không bảo đảm tính đồng nhất khi có lao động chính thức và phi chính thức. Trong đó, phần lớn lao động nông thôn là phi chính thức với nhiều thiệt thòi khi không có bảo hiểm xã hội, không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản hay lương hưu.
Thị trường vốn ở nông thôn rất thiếu minh bạch khi phụ thuộc vào thương lái và tín dụng đen.
Thị trường về khoa học công nghệ còn nhiều việc phải làm khi tình trạng vi phạm bản quyền phổ biến. Như trường hợp giống lúa ST25 được nhiều nơi buôn bán nhưng không trả tiền bản quyền giống cho tác giả - kỹ sư Hồ Quang Cua. Tình trạng này khiến các nhà khoa học không có động lực để nghiên cứu, sáng tạo.
Thứ hai, là giải pháp đột phá về đổi mới thể chế tổ chức
Nền nông nghiệp của chúng ta trước giờ cơ bản vẫn dựa vào các hộ tiểu nông nhỏ lẻ với cả chục triệu hộ. Như thế không thể nào sản xuất lớn được, không thể kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu một cách ổn định, không thể áp dụng tiêu chuẩn chất lượng với giá trị cao, khối lượng lớn.
Do đó, nông dân nhỏ phải được tập hợp trong các HTX, cộng đồng ở nông thôn phải tham gia vào Hội Nông dân; các doanh nghiệp nhỏ phải liên kết với nhau trong các hiệp hội. Trên cơ sở đó, HTX, các hiệp hội doanh nghiệp gắn kết với nhau thành chuỗi giá trị.
Tóm lại, cần tổ chức lại sản xuất, kinh doanh là giải pháp đột phá biến nhỏ thành lớn, biến yếu thành mạnh.
Tất nhiên khi người dân, doanh nghiệp đổi mới thì các tổ chức nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng phải đổi mới hình thức quản lý từ việc bao quát mọi mặt, mọi khâu sang việc đưa HTX, hiệp hội,… vào cùng quản lý. Nhà nước chỉ tập trung vào các hoạt động cơ bản nhất như: chiến lược, chính sách, quy hoạch, quy chuẩn còn vấn đề quản lý kỹ thuật, tiêu chuẩn, cung cấp dịch vụ công nên để các thành phần kinh tế khác tham gia dưới hình thức tổ chức của người sản xuất và kinh doanh.
+ Những năm qua có làn sóng các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp nhưng có vẻ hiệu quả vẫn chưa rõ. Xin ông lý giải nguyên nhân và cần thêm những chính sách gì thu hút doanh nghiệp đầu tư vào mảng này, để đem lại sự phát triển cho khu vực nông thôn và cải thiện đời sống nông dân?
- Dù đã có những chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nhưng chưa đủ mạnh để tạo động lực cho nhà đầu tư. Nhìn vào thực tế hiện nay, cũng doanh nghiệp đó, khi đầu tư vào khu công nghiệp, đô thị thì lợi nhuận cao hơn và rủi ro thấp hơn nông nghiệp. Một khi nhà nước chưa có ngân sách mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trực tiếp thì theo tôi cần làm 2 việc.
Thứ nhất, giải quyết vấn đề đất đai cho doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề này, khi cần quỹ đất 100 ha phải làm việc với cả 1.000 nông dân trong khi chính quyền lúng túng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.
Cần phải có quỹ đất sạch để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp và nông dân vẫn là thách thức.
Thứ hai, là cơ sở hạ tầng. Hai vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước là ĐBSCL và Tây Nguyên đang có cơ sở hạ tầng yếu nhất cả nước khi không có đường sắt, cao tốc rất ít; không tiếp cận được cảng biển nước sâu.
Tất cả hàng hóa phải chuyển về TP HCM trước khi đưa ra biển quốc tế. Nếu như có cao tốc nối thẳng Tây Nguyên xuống các cảng nước sâu dọc miền Trung thì cà phê, hồ tiêu,… từ vùng này xuất khẩu sẽ có giá cạnh tranh hơn rất nhiều.
Nếu như chúng ta có cảng nước sâu ngay tại ĐBSCL thì lúa gạo, trái cây, thủy sản cũng sẽ có lợi thế rất nhiều, không phải oằn mình gánh phí logistics như hiện nay.
Mới đây, Trung Quốc đã xây đường sắt cao tốc chạy sang Lào, sắp tới sẽ nối với Campuchia và Thái Lan và sẽ mở đường cho nông sản Lào, Campuchia, Thái Lan ào ạt sang Trung Quốc. Còn Việt Nam vẫn chưa có đột phá nào tương tự.
Ngoài cảng biển và đường nối cảng biển, chúng ta chưa có đội tàu chở container nên phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài trong tình hình giá vận tải biển lên rất cao như hiện nay. Đây là điểm yếu về chiến lược an ninh vận tải cần phải chú đến.
Tóm lại, 2 việc lớn cần làm là giải quyết tốt được đất đai và cơ sở hạ tầng thì chắc chắn không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà doanh nghiệp quốc tế cũng đổ vào Việt Nam. Ngành nông nghiệp sẽ thoát cảnh 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như hiện nay.
+ Qua 2 năm thế giới biến động bởi dịch bệnh, xung đột Nga – Ukraine,… đã làm cho vấn đề an ninh lương thực toàn cầu được đẩy lên cao. Là nước có lợi thế trong việc xuất khẩu lương thực, nông sản-thực phẩm, ngành nông nghiệp cần làm gì để tận dụng được lợi thế trong bối cảnh hiện nay?
- Xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng đến nguồn cung lúa mì và ngô (bắp) nhưng có tác động làm giá cả nhiều loại lương thực tăng lên, trong đó có lúa gạo, là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Châu Âu bị ảnh hưởng lớn bởi cuộc xung đột, nhu cầu nhập lương thực tăng, dù không nhiều (chỉ khoảng 80.000 – 100.000 tấn/năm, so với sản lượng xuất khẩu từ 6-6,5 triệu tấn/năm) nhưng vẫn là triển vọng tốt của ngành lúa gạo.
Đến hiện tại, xuất khẩu gạo đang có những tín hiệu tốt. Là cơ hội để bà con nông dân không chỉ trồng lúa gạo mà các mặt hàng khác xây dựng các vùng chuyên canh, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng để khai thác tối đa các ưu đãi về thuế quan của các hiệp định thương mại tự do đem lại, đưa nông sản Việt Nam đến các thị trường thế giới. Nhất là các thị trường đang bị ảnh hưởng thiếu lương thực, thực phẩm như: châu Âu, châu Phi.
Khi đại dịch được kiểm soát, xung đột Nga – Ukraine lắng xuống thì nhu cầu về nông sản thực phẩm vẫn tăng lên do tác động của biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội của Việt Nam khi có lợi thế về sản xuất nông sản, thực phẩm nhưng có chớp được cơ hội hay không sẽ phụ thuộc vào hành động của chúng ta.
Xem thêm: mth.21260329070602202-peihgn-gnon-hnagn-auc-iaig-nac-ohk-naot-iab-gnuhn-enizagame/et-hnik/nv.moc.dln