Trung Quốc chiếm gần 70% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu và gần 85% công suất xử lý toàn cầu vào năm 2022, khoáng sản không thể thiếu trong sản xuất nam châm cho xe điện (EV) và trang trại gió, và sự độc quyền này đã cho phép Trung Quốc định giá và gây bất ổn cho người dùng cuối thông qua động thái kiểm soát xuất khẩu.
Hôm thứ Ba (7/11), Trung Quốc cho biết, sẽ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm nhằm đáp lại các hạn chế chặt chẽ hơn đối với xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ sang Trung Quốc.
Trung Quốc đã yêu cầu các nhà xuất khẩu báo cáo các giao dịch về kim loại đất hiếm và các sản phẩm oxit có tầm quan trọng chiến lược, vì an ninh kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách. Các hạn chế mới dự kiến sẽ có hiệu lực đến cuối tháng 10/2025.
Hiện tại, các công ty khai thác mỏ như Aclara Resources của Canada và Ionic Rare Earths của Australia đang thảo luận về các kế hoạch có thể làm giảm sự độc quyền của Trung Quốc đối với thị trường khoáng sản quan trọng, nhằm hướng tới mức giá do thị trường quyết định.
Theo Reuters, các công ty khai thác mỏ Neo Performance Materials của Canada và Vacuumschmelze của Đức cũng đang thảo luận về các kế hoạch tương tự.
Ramon Barua, Giám đốc điều hành của Aclara Resources - công ty đang phát triển một dự án đất hiếm nặng ở Chile - cho biết: “Việc kiểm soát các khoáng sản chiến lược của Trung Quốc tiếp tục leo thang, nên không có gì ngạc nhiên khi đất hiếm là nguyên liệu tiếp theo”.
Aclara Resources đang tìm cách khai thác kim loại đất hiếm nặng như dysprosium và đang đàm phán với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) để có được mức giá cao như một phần của thỏa thuận bao tiêu dài hạn. Nhưng đổi lại, những công ty khai thác này mong muốn người dùng cuối phải chịu mức giá cao đó.
Họ cho rằng căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Trung Quốc có nguy cơ gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm đáng tin cậy. Nếu Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu như đã làm với các mặt hàng như germani và than chì, nguồn cung có thể bị tổn hại hơn nữa.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong nhiều sản phẩm khác nhau bao gồm xe điện, tuabin gió và thiết bị điện tử tiêu dùng do đặc tính từ tính và điện tử của chúng, những công dụng này đã thu hút được sự chú ý sau khi Trung Quốc vào tháng trước công bố các yêu cầu về giấy phép xuất khẩu đối với một số sản phẩm than chì từ tháng 12 với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Ví dụ, giá neodymium - được sử dụng để chế tạo nam châm mạnh nhất thế giới – hiện đang dao động trong khoảng từ 73 - 520 USD/kg và các công ty cho biết giá xuất khẩu ở Trung Quốc có thể cao hơn 30% so với giá niêm yết hiện tại.
Nguồn cung đất hiếm của phương Tây sẽ không phát triển nếu phụ thuộc vào giá cả của Trung Quốc. “Phương Tây sẽ có thể cung cấp đất hiếm có trách nhiệm với môi trường và có thể truy xuất nguồn gốc, nhưng cơ cấu chi phí khác với Trung Quốc và do đó nó có giá cao hơn”, ông Ramon Barua cho biết.
Các công ty khai thác tin rằng các nhà sản xuất sẽ phải chịu thêm chi phí do các luật mới liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng như các ưu đãi về thuế như Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ và cho rằng mức giá cao được đảm bảo cho các loại đất hiếm có nguồn gốc bền vững và đáng tin cậy, là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.
Badrinath Veluri, chuyên gia trưởng tại Grundfos - một OEM có trụ sở tại Đan Mạch chuyên sản xuất máy bơm nước để sản xuất nam châm đất hiếm cho biết : “Với tư cách là OEM, điều chúng tôi mong muốn là một sân chơi bình đẳng toàn cầu và điều đó có nghĩa là có mức giá minh bạch, bền vững và đáng tin cậy”.
Ngoài ra, nếu bất kỳ nhà cung cấp nào tuyên bố rằng họ mang lại giá trị bằng cách tính giá cao hơn, thì ông ấy muốn xem giá trị cụ thể của tuyên bố đó.
Trong khi đó, việc phát triển các dự án khai thác đất hiếm có thể mất nhiều thập kỷ và tâm lý e ngại rủi ro của nhà đầu tư đã làm giảm khả năng tồn tại của một số dự án bên ngoài Trung Quốc. Trong khi Việt Nam, Malaysia và Myanmar đưa ra các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, sản phẩm cuối cùng của những quốc gia này vẫn còn là điều chưa chắc chắn.
Các công ty đã đề xuất các giải pháp thay thế về giá như bán tinh quặng đất hiếm với giá bằng một nửa chi phí sản xuất cộng với chi phí vốn, đảm bảo các mỏ vẫn có lãi. Một lựa chọn khác là đặt giá trần ở mức giá do các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc đưa ra, bảo vệ các OEM khỏi biến động giá mạnh.
Lựa chọn khác là tính đến mức giá mà các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc đưa ra và đặt mức trần cho nó, vì vậy ngay cả khi giá đất hiếm tăng 100%, các OEM cuối cùng cũng không phải trả tiền cho những biến động đó.
Tuy nhiên, những cơ chế này có thể làm tăng giá thành của một chiếc xe điện sử dụng nam châm đất hiếm trong động cơ ít nhất từ 30% đến 50%.
Tim Harrison, Giám đốc điều hành của Ionic Rare Earths cho biết: “Mọi thứ cuối cùng đều là sự đánh đổi… Nếu muốn một sản phẩm gắn liền với các chỉ số về tính bền vững, giảm thiểu lượng khí thải carbon…thì rõ ràng sản phẩm đó phải được phân phối kèm theo chi phí và điều đó cần được phản ánh trong mức giá mà chuỗi cung ứng sẵn sàng chi trả”.
Flavio Volpe, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô, nhóm vận động hành lang đại diện cho các nhà sản xuất phụ tùng và thiết bị OEM của Canada cho biết: “Các OEM có thể sẽ không trả giá cao hơn cho những thứ họ mua với số lượng lớn, chẳng hạn như lithium”.
“Nhưng đối với những khoáng sản như coban, đồng hoặc kim loại đất hiếm thì nên tìm một đối tác khai thác mỏ để tìm ra một chiến lược tốt”, ông cho biết thêm.