Ông Tất Thành Cang khóc khi tự bào chữa - Ảnh: ĐAN THUẦN
Đề nghị giảm án cho nhiều bị cáo
Cụ thể, trong phần xét hỏi, ông Cang thừa nhận mình có bút phê đồng ý vào tờ trình 1148 của Văn phòng Thành ủy, tuy nhiên ông cho rằng nội dung tờ trình 1148 dựa trên tờ trình 12a nhưng nội dung tờ trình này đã bị thay đổi sau đó.
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nói bản án sơ thẩm cáo buộc các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Đại diện cơ quan công tố cho rằng có đủ căn cứ xác định SADECO là công ty con của IPC, với tỉ lệ góp vốn của IPC là 74,8%.
Ngày 26-3-2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO. Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO), với giá 26.100 đồng/cổ phần.
Tháng 9-2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần. Vốn điều lệ của SADECO tại thời điểm tháng 10-2016 là 170 tỉ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.
Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO phải đấu giá. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và SADECO đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát 669 tỉ đồng cho nhóm cổ đông Nhà nước.
Ông Tất Thành Cang với vai trò phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, người đứng đầu được giao quản lý tài sản của Đảng bộ thành phố, phụ trách Văn phòng Thành ủy đã bút phê "đồng ý" vào tờ trình số 1148 của Văn phòng Thành ủy với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho một cổ đông chiến lược mà không thông qua đấu giá công khai, không do tổ chức có chức năng về thẩm định giá thẩm định. Từ ý kiến đồng ý của ông Tất Thành Cang, các bị cáo khác đã biểu quyết đồng ý bán 9 triệu cổ phần.
Tuy nhiên, quá trình xét xử, đại diện viện kiểm sát ghi nhận ông Cang có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho ông Cang từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù (sơ thẩm phạt 10 năm tù).
Đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM cũng đề nghị giảm nhẹ cho ông Tề Trí Dũng (cựu tổng giám đốc IPC) từ 6 tháng đến 1 năm tù (sơ thẩm 20 năm tù), bà Hồ Thị Thanh Phúc (cựu tổng giám đốc SADECO) 1 đến 2 năm tù (sơ thẩm 16 năm tù) do thành khẩn khai báo, đã khắc phục một phần hậu quả của vụ án.
Các kháng cáo xin giảm nhẹ của các bị cáo còn lại trong vụ án cũng được đại diện viện kiểm sát đề nghị chấp nhận.
Được xác định là bị hại, SADECO kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc và các đồng phạm bồi thường 2,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, đại diện viện kiểm sát cho rằng không có căn cứ chấp thuận nên đề nghị HĐXX tuyên bác kháng cáo.
Ông Tất Thành Cang: "Bị cáo chưa một ngày được nghỉ"
Tự bào chữa, ông Tất Thành Cang cho rằng Thường trực Thành ủy không chủ trương đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Từ đó bị cáo chủ trương không tiếp tục đầu tư tăng vốn điều lệ vào SADECO. Việc phát hành tăng vốn điều lệ SADECO không phát sinh quyền mua. Tờ trình 1148 chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chứ không phải phát hành cho cổ đông duy nhất.
Ông Cang nhận trách nhiệm đã thiếu sót trong công tác kiểm tra do công việc của phó bí thư thường trực Thành ủy quá nhiều, nghe Văn phòng Thành ủy báo cáo mà không phát hiện tờ trình 12a giả mạo để ngăn chặn kịp thời, đã quá tin vào cơ quan chủ sở hữu, không hình dung ra việc cán bộ văn phòng cấp ủy tự ý thay đổi 1 tờ trình của tập thể đã được cho ý kiến.
Tuy nhiên, ông Cang khẳng định không hề có mục đích nào khác, không có mục đích vụ lợi cá nhân.
TTO - Chiều 6-6, phiên tòa phúc thẩm vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO tiếp tục phần xét hỏi. Tại tòa, ông Tất Thành Cang (cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) cho rằng bản thân bị oan, không phạm tội.