Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan chiều 7-6, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đã hỏi Bộ trưởng về bài học kinh nghiệm rút ra sau hơn 7 năm triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT - Ảnh: Quochoi.vn
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Nghị định 67 hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi bám biển, vừa mang tính chất hỗ trợ về kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, sau quá trình triển khai Nghị định 67, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có những ngư dân giỏi sau này lại khó khăn, phải nợ ngân hàng. "Vấn đề này liên quan đến các thiết chế tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Với sự chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ NN-PTNT đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Đề cập đến bài học kinh nghiệm như câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định có nhiều bài học được rút ra. Trước hết, đây là một chương trình lớn về một số chính sách phát triển ngành thuỷ sản, nhưng do nguyên nhân khách quan nên đề án được xây dựng trong thời gian ngắn.
Chính vì vậy, có nhiều vấn đề không lường hết được, trong đó Bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận có phần trách nhiệm của Bộ NN-PTNT. Vấn đề khó khăn về ngư trường cũng được Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc đến. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 khiến tàu của ngư dân không thể ra khơi, khó khăn càng thêm chồng chất.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết từ thực tế triển khai Nghị định 67, không phải có tiền là giải quyết được vấn đề, dù giải ngân của chúng ta không gặp vấn đề. Theo ông Lê Minh Hoan, nhiều vấn đề khác cần quan tâm giải quyết như tổ chức ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, tăng cường hệ thống quản lý thuỷ sản ở các địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng NN-PTNT cũng nhấn mạnh đến khâu triển khai cần chặt chẽ hơn khi lựa chọn ngư dân để cho vay vốn đóng tàu vỏ sắt. "Có nhóm khoảng 300 tàu được xây dựng, có chức năng chuyên cung cấp hậu cần cho tàu khác để ngư dân sống dài ngày trên biển hơn. Nhưng chúng ta không biết rằng những tàu cá đã có đối tác chuyên cung cấp hậu cần rồi. Vì vậy, những nhóm tàu được kỳ vọng làm hậu cần thì lại không phát triển được"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu thực trạng.
Người đứng đầu Bộ NN-PTNT thừa nhận khi tổ chức đánh giá, rà soát để xây dựng chính sách này chưa được toàn diện.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về các giải pháp hỗ trợ ngư dân bám biển trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao. Theo bà Tâm, một số ngư dân miền Trung buộc phải cho tàu nằm tại bờ vì giá nhiên liệu tăng "phi mã", một số ngư dân khác vẫn cố gắng vươn khơi bám biển, đối đầu với thua lỗ.
Về câu hỏi của đại biểu Tâm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ NN-PTNT đã làm hết sức cùng hiệp hội ngành hàng để giảm thiểu rủi ro cho ngư dân trong điều kiện có thể. Ngành thủy sản không chỉ khó khăn ở xăng dầu mà còn đối mặt với nhiều khó khăn khác.
Theo ông Lê Minh Hoan, 800.000 ngư dân trên biển, gần 4 triệu người làm dịch vụ hậu cần ven biển, nhưng không ngư dân nào tham gia tổ chức mà tồn tại manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản bền vững với định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng.
Suy giảm tài nguyên thủy sản là câu chuyện toàn cầu do trữ lượng và ngư trường đang dần thu hẹp, cơ sở hạ tầng nghề cá còn chưa được đầu tư xứng đáng. Bộ đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp để nâng cao hiệu quả trong việc phát triển ngành này"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.