Ông Lâm và những chú cá Nemo được nhân giống trong dự án của Viện Hải dương học
Theo ông Hồ Sơn Lâm - phó trưởng phòng kỹ thuật nuôi sinh vật biển của Viện Hải dương học, cá khoang cổ Nemo hay còn gọi là cá hề (tên khoa học là Amphiprion ocellaris) được viện này nhân giống đầu tiên tại Việt Nam.
Những chú cá này nằm trong dự án phát triển thương mại cá khoang cổ Nemo của Viện Hải dương học được Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam phê duyệt dự án, với kinh phí 1,8 tỉ đồng. Dự án được thực hiện trong vòng 2 năm (2021 - 2022).
Mục đích của dự án là thay thế nguồn cá khoang cổ Nemo đánh bắt từ tự nhiên gây suy giảm hệ sinh thái, đồng thời hướng đến việc xuất khẩu qua các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, và châu Âu.
"Mỗi năm, nguồn cá Nemo được đánh bắt từ quần đảo Trường Sa khoảng từ 3.000 - 5.000 con và tập trung vào tháng 3 đến tháng 5. Cá tự nhiên có màu sắc đẹp, kích thước lớn nhưng khả năng thích nghi với nuôi nhốt trong các bể cá kém, dễ bị bệnh và tỉ lệ chết cao do đánh bắt bằng cyanua.
Trong khi đó, cá Nemo được sản xuất nhân tạo có tỉ lệ sống, khả năng thích nghi cao, dễ nuôi do thích ứng với các dạng thức ăn công nghiệp. Nguồn giống được cung cấp chủ động quanh năm với số lượng, chất lượng và giá cả ổn định", ông Lâm chia sẻ.
Những chiếc chậu đất thay thế rạn san hô làm nơi cho cá Nemo đẻ trứng
Một chú cá Nemo đột biến với màu sắc đặc biệt
Cũng theo ông Lâm, cá Nemo sống ở các dải đá ngầm và rạn san hô, thường có màu vàng, cam, đỏ nhạt xen bởi các sọc trắng. Tuy nhiên, những con cá đột biến lại có màu trắng, đen xen bởi các sọc đen hoặc sọc vàng... Với mỗi màu sắc khác nhau, cá Nemo sẽ được gọi với nhiều tên khác nhau.
"Cá Nemo được bán ra thị trường khi đạt kích thước từ 3 - 5cm. Từ 6cm trở lên cá có thể sinh sản. Dự án được tiến hành từ tháng 3-2021, chúng tôi đã lai tạo thành công 3 dòng cá Nemo đột biến là: mocha storm, frostbite và snowflake. Trong đó, dòng cá Nemo đột biến mocha storm nhập khẩu hiện nay có giá bán trên thị trường lên đến 1,7 triệu đồng/con", ông Lâm nói.
Các nghiên cứu viên tại Viện Hải dương học cho biết cá Nemo nếu muốn sinh sản phải nuôi từ 1,5 - 2 năm. Đặc biệt, trong sinh sản nhân tạo cá Nemo thường được cho đẻ trứng dính trên những chiếc chậu đất nung được khoét phần đáy, thay thế gành đá rạn san hô. Phần đáy được khoét để dễ dàng đặt sục khí cho quá trình ấp.
Ông Lâm cũng cho hay, số lượng cá Nemo một đợt sản xuất khoảng 6.000 con. Trong đó, cá Nemo đột biến hiện nay đã được bán cho một số doanh nghiệp và những người chơi cá cảnh, giá dao động từ 300.000 - 1 triệu đồng (tùy theo dòng đột biến), cao hơn 20 lần so với giống cá Nemo thường, khoảng 40.000 đồng.
Cá Nemo có thể xuất bán được khi đạt kích cỡ từ 3 - 5cm
Sự khác biệt về màu sắc của cá Nemo thường (phải) và cá Nemo đột biến
TTO - Bảo tàng Hải dương học - Viện Hải dương học (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết vừa tiếp nhận một con tôm hùm có màu xanh ngọc bích do một công ty hải sản từ TP.HCM gửi tặng. Hiện tôm đang được trưng bày thu hút nhiều du khách đến xem.
Xem thêm: mth.58362800270602202-coud-oat-ial-ad-gnart-ahn-o-omen-gnidnif-nac-gnahc/nv.ertiout