Với mục tiêu thu hút phần lớn sinh viên vừa tốt nghiệp đại học quay trở về quê làm việc, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vừa tuyên bố tung ra gói trợ cấp trị giá hàng nghìn USD. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên và sinh viên vừa lấy bằng tại quốc gia này ở mức cao kỷ lục.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu quan chức các địa phương đi đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm cho người lao động nhằm đạt mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,5% trong năm nay.
Chính quyền tỉnh Vân Nam theo đó cho biết sẽ trợ cấp 50.000 nhân dân tệ (7.500 USD - gần 180 triệu đồng) mỗi năm cho bất kỳ ai quay về làm việc tại các vùng nông thôn. Điều kiện kèm theo là họ phải đầu quân cho lĩnh vực giáo dục, y học, nông nghiệp hoặc xóa đói giảm nghèo. Theo SCMP, đây không phải số tiền nhỏ, khi hầu hết người dân khu vực nông thôn tỉnh Vân Nam chỉ kiếm được chưa đến 10.000 nhân dân tệ/tháng.
Không rõ ngân sách cụ thể cho sáng kiến này là bao nhiêu, cũng chưa xác định được số lượng việc làm sẽ được lấp đầy, song chính sách trên được cho là khá phù hợp với Bắc Kinh trong thời điểm hiện tại.
Trung Quốc đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,5% trong năm nay
Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, còn các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp phong tỏa, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị đã tăng lên 6,1% vào tháng 4, mức thấp nhất trong vòng 2 năm. Đây cũng là tỷ lệ cao thứ hai kể từ năm 2018, khi giới chức đại lục bắt đầu công bố dữ liệu hàng tháng.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 đến 24 cũng đạt mức cao kỷ lục 18,2% trong tháng 4. Tình hình này được cho là sẽ ngày càng tệ hơn, nhất là khi thị trường lao động sắp đón 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học.
Tháng trước, sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo về triển vọng việc làm ảm đạm, giới chức Trung Quốc cũng đưa ra chính sách trợ cấp đối với các công ty thuê sinh viên mới ra trường, đồng thời hỗ trợ một phần phí bảo hiểm để những doanh nghiệp này hạn chế sa thải nhân viên.
Ngoài Vân Nam, tỉnh Liêu Ninh cũng đang mở các lớp đào tạo nghề miễn phí trong 6 tháng cho sinh viên và lao động thất nghiệp trong vòng 3 năm trở lại đây. Tỉnh Hà Nam cũng đẩy mạnh áp dụng nhiều nền tảng kỹ thuật số để tìm kiếm việc làm và đơn giản hóa quy trình tuyển dụng. Bên thứ 3 hỗ trợ tuyển dụng cũng được thưởng 300 nhân dân tệ cho mỗi vị trí mà họ mang về. Một số trường đại học còn trợ cấp cho những sinh viên muốn khởi nghiệp.
Trung Quốc cần tái khởi động nền kinh tế vốn đang bị tê liệt để tạo điều kiện cho thị trường lao động
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chừng nào các lệnh hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch vẫn còn được áp dụng trên khắp cả nước, tỷ lệ thất nghiệp sẽ khó lòng cải thiện.
“Các chính sách của chính phủ đang được thực hiện để nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Thế nhưng, nếu các yếu tố cơ bản không được cải thiện, thị trường việc làm sẽ khó có thể phục hồi”, Peng Peng, Chủ tịch điều hành của Hội cải cách Quảng Đông nhận định.
Mới đây, báo cáo do Moody’s Analytics thực hiện cũng chỉ ra rằng việc đà tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong năm 2022 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp trên khắp đại lục. Tỷ lệ này dự đoán đạt 4,2%, tương đương con số hồi năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.
“Trung Quốc cần tái khởi động nền kinh tế vốn đang bị tê liệt để tạo điều kiện cho thị trường lao động. Cùng với các gói hỗ trợ, chính sách tài khóa và tiền tệ, nền kinh tế cũng phải xoay chuyển để doanh nghiệp thực hiện các chương trình tuyển dụng của mình”, Tommy Wu, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics cho biết.
Theo: SCMP
http://tintuc.vdong.vn/06/1379555.htmVũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế