Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021.
Theo đó, tổng doanh thu của VEC đạt 7.176, vượt 71% so với kế hoạch. Giá trị nộp ngân sách của VEC là 747 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với kế hoạch 381 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế năm 2021 lên tới 156 tỷ đồng, trong khi kế hoạch chỉ là 3,6 tỷ đồng. Lợi nhuận năm nay của VEC vượt xa so với các năm trước, chỉ đạt vài tỷ đồng mỗi năm.
Theo VEC, trong năm 2021, công tác thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về nguồn vốn, vướng mắc về thẩm quyền xử lý công việc, và việc xử lý vụ án xảy ra tại dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, VEC tiếp tục thực hiện các gói thầu đoạn phía Đông của dự án Bến Lức - Long Thành, đồng thời cũng xem xét việc tiếp tục tạm ứng từ nguồn tạm thời nhàn rỗi của VEC để thúc đẩy thi công hoàn thành nhánh phía Tây của dự án này.
Nói về những khó khăn trong năm 2021, VEC cho biết, một trong những khó khăn là việc thực hiện tái cơ cấu tài chính các dự án đường cao tốc vẫn chưa được hoàn thành, dẫn đến hiện nay VEC chưa được giao kế hoạch vốn đầu tư công cho các phần vốn vay ODA. Kết quả là các dự án của VEC, đặc biệt là dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành bị đình trệ.
Bên cạnh đó, do không có kế hoạch vốn để giải ngân dẫn đến một số nhà thầu tại dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành đã dừng thi công trên công trường và khởi kiện lên trọng tài quốc tế.
Vướng mắc trên cũng dẫn đến việc chuyển phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án chưa được tính thành vốn của VEC, nên tính chất tài sản các dự án của VEC hiện nay chưa nằm trong khuôn khổ các quy định hiện hành của pháp luật. Hiện VEC vẫn đang phải tạm hạch toán ghi tăng tài sản, tạm trích khấu hao, tạm hạch toán các chi phí lãi phí vay lại... Công tác quyết toán vốn đầu tư, quyết toán O&M bị chậm.
Tháng 5/2021, Chính phủ đã ban hành nghị quyết xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban quản lý vốn Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT và Ủy ban đã có ý kiến khác nhau vè cơ quan chủ trì thẩm định, phê duyệt phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án của VEC để làm cơ sở đề xuất Bộ Tài chính thẩm định lại việc cho vay lại khoản vay ADB lần 2, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng vốn của khoản vay ADB lần 2 cho các hạng mục chưa hoàn thành của khoản vay lần 1 (đoạn phía Tây).
Đến ngày 31/12/2021, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt phương án hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC là chủ đầu tư.
Hiện nay, VEC đang tích cực thực hiện công tác khắc phục, xử lý những tồn tại đã được các cơ quan chức năng chỉ ra. Tuy nhiên, công tác khắc phục này đòi hỏi phải có thời gian xử lý nhất định, chưa thể sớm hoàn thành. Bên cạnh đó, VEC cũng phải sử dụng một lực lượng nhân sự đáng kể để cung cấp tài liệu, làm rõ các nội dung theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Các dấu mốc phát triển đường cao tốc của VEC
Hà My
Theo Nhịp Sống Kinh Tế