Theo Bloomberg, thị trường tín dụng trong nước trị giá 12,3 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đang chứng kiến đà phục hồi đáng kể so với thị trường nước ngoài, sau khi lĩnh vực bất động sản đối mặt với một cuộc đàn áp lớn nhất trong lịch sử.
Theo công cụ theo dõi tín dụng của Bloomberg, căng thẳng trên thị trường vay nợ đã giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 5. Khoảng cách trung bình giữa trái phiếu địa phương được xếp hạng tín nhiệm AA với trái phiếu chính phủ cũng thu hẹp xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Điều này trái ngược hoàn toàn với thị trường trái phiếu nước ngoài vốn có quy mô nhỏ hơn. Đây chính là nơi các nhà hoạch định chứng kiến làn sóng vỡ nợ trị giá 18 tỷ USD, gấp 5 lần so với con số được ghi nhận tại đại lục.
Hiện tại, duy trì sự ổn định trong thị trường tín dụng là ưu tiên hàng đầu của giới chức Trung Quốc trong nỗ lực triển khai một chiến dịch đầy tham vọng: giảm thiểu rủi ro tài chính và rủi ro đạo đức. Phía các nhà hoạch định cũng đang cân bằng lại chính sách đi vay, cho phép người dân chậm thanh toán song vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính chung.
Trước nay, Trung Quốc vẫn dựa vào trái phiếu chính phủ để huy động nguồn vốn công cần thiết. Theo Citic Securities, giới chức đại lục có thể tung ra ít nhất 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (225 tỷ USD) trái phiếu trong tháng này nhằm hỗ trợ nền kinh tế thông qua các gói kích thích bổ sung. Các ngân hàng Trung Quốc là bên mua trái phiếu chính phủ.
Cho đến nay, căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản phần lớn đã được kiềm chế, đặc biệt đối với thị trường nước ngoài. Màn vỡ nợ kỷ lục tại tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande và Kaisa Group, rất may, đã không phá vỡ hoàn toàn thành tựu trên của giới chức đại lục.
Điều này giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước luôn duy trì số liệu tích cực trong vòng 24 tháng qua, ngay cả khi trái phiếu “rác” biến động 9 tháng liên tiếp, tính đến tháng 5. Sau hơn 1 năm khó khăn, giới hoạch định đã nỗ lực hạ nhiệt thị trường tín dụng bằng cách cắt giảm lãi suất và triển khai các công cụ giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Mới đây nhất, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin nước này đã thiết lập hạn mức tín dụng 120 tỷ USD cho các dự án hạ tầng, nhằm vực dậy nền kinh tế vốn đang chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng dịch. Tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý II, trong đó, việc hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng được xem là công cụ chủ chốt giúp Trung Quốc tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc đã thiết lập hạn mức tín dụng 120 tỷ USD cho các dự án hạ tầng, nhằm vực dậy nền kinh tế
Theo các chuyên gia của S&P Global Ratings, dù chính sách chống vỡ nợ của Trung Quốc chỉ mang tính biểu tượng bởi chúng chỉ giúp đảm bảo một phần tiền gốc, song đây vẫn được coi là nỗ lực thiết yếu giúp đại lục lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Đà phục hồi của thị trường trái phiếu Trung Quốc trong suốt 2 năm qua chính là một trong những động lực giúp quốc gia này đạt được điều đó.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nhu cầu tín dụng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu, ngay cả khi dịch COVID-19 bắt đầu hạ nhiệt, trong đó, sự sụt giảm trong niềm tin người tiêu dùng là một trong những nguyên nhân.
“Các khoản tín dụng ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản đã sụt giảm xuống mức 9% trong quý I năm nay, trong khi mức cao kỷ lục hồi năm 2016 là 45%. Đà giảm này có thể kéo dài sang quý II, bất chấp các cam kết của giới chức trong nỗ lực hỗ trợ tài chính”, ông Kristy Hung, chuyên gia phân tích ngân hàng và bất động sản cho biết.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế