Bệnh nhân được tiêm thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sáng 9-6, TS.BS Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết những bệnh nhân ung thư đầu tiên vừa được chụp PET/CT (phương pháp chẩn đoán, xác định giai đoạn, theo dõi sau điều trị một số bệnh ung thư) tại bệnh viện sau khoảng 1 năm ngưng trệ do thiếu thuốc phóng xạ 18F-FDG.
Để có được tín hiệu tích cực này là sự nỗ lực đàm phán, "san sẻ" rất lớn từ Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Chợ Rẫy sau hai bài viết: "Máy chẩn đoán ung thư triệu đô trùm mền, vì sao?"; "Bộ Y tế chậm trễ cấp phép thuốc phóng xạ" - đăng trên Tuổi Trẻ ngày 19-5 và 25-5.
Khu vực dành cho người nhà và bệnh nhân ngồi chờ tiêm và chụp PET/CT
Ghi nhận tại khoa y học hạt nhân (Bệnh viện Ung bướu) sáng 9-6, nhiều bệnh nhân (đa phần lớn tuổi) đang chờ làm thủ tục và tiêm thuốc phóng xạ, trước khi chuyển vào hệ thống máy PET/CT để chụp.
Đây là hình ảnh đặc biệt, bởi trước đó khi hệ thống chụp PET/CT có giá triệu đô của các bệnh viện gồm: Ung bướu, Quân y 175 hay Nhân dân 115 đồng loạt "trùm mền", hoặc hoạt động cầm chừng.
Các bệnh nhân hoặc chờ đợi, hoặc bay ra tận Đà Nẵng, Hà Nội, thậm chí sang tận Singapore để chụp. Có người không chờ kịp đến ngày chụp PET/CT...
Trước khi vào tiêm, bệnh nhân sẽ được đo sinh hiệu và đặt ven (đặt catheter)
Bác sĩ Võ Khắc Nam - trưởng khoa y học hạt nhân (Bệnh viện Ung bướu) - cho biết anh cùng các đồng nghiệp "rất vui" bởi máy tái hoạt động giúp việc chẩn đoán chính xác giai đoạn ung thư nhằm đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, xác định ung thư còn sót hoặc tái phát và đánh giá sớm hiệu quả đáp ứng điều trị cho người bệnh rất nhiều...
"Về giá cả khi chụp lại, mỗi ca vẫn khoảng 25 triệu đồng, không khác so với trước đây" - bác sĩ Nam cho hay.
Nhân viên y tế chụp PET/CT cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sáng 9-6
Tuy vậy, theo tìm hiểu, việc duy trì hoạt động hệ thống máy PET/CT tại các bệnh viện cũng mới chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa bền vững và chưa đáp ứng đủ công suất vốn có của hệ thống máy hiện đại này.
Như công suất máy tối đa có thể ghi hình của hệ thống máy PET/CT tại Bệnh viện Ung bướu hiện lên đến 30 ca/ngày, nhưng thực tế số thuốc phóng xạ được cung ứng chỉ đủ chụp cho 7 ca/ngày. Một tuần Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ cung ứng 3 đợt và chụp được cho khoảng 21 ca.
Các y bác sĩ theo dõi quá trình chụp PET/CT cho bệnh nhân
Trong khi đó, đến nay Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vẫn chưa đưa ra quyết định việc có hay không cấp số đăng ký lưu hành cho thuốc phóng xạ của Công ty cổ phần y học Rạng Đông (chi nhánh TP.HCM), dù doanh nghiệp nhiều lần nộp hồ sơ và điều chỉnh, bổ sung.
Doanh nghiệp này có hệ thống sản xuất đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) và được cho là hệ thống "hiện đại nhất Đông Nam Á", có thể cung ứng thuốc phóng xạ cùng lúc cho 10 bệnh viện hiện nay.
"Thuốc phóng xạ chụp PET/CT là mặt hàng đặc biệt quan trọng, do đó với một thành phố lớn như TP.HCM cần phải có giải pháp lâu dài, bền vững để việc điều trị bệnh được thông suốt, tránh việc người dân phải chờ đợi hoặc thậm chí ra nước ngoài chụp tốn kém thời gian, tiền bạc" - một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nói.
Bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu có thể chụp PET/CT ngay tại bệnh viện thay vì chạy “lòng vòng” như những ngày qua
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trang bị hệ thống máy PET/CT hiệu Discovery MI DR cao cấp với sự linh hoạt của CT chẩn đoán độc lập, có thể chụp được 32 bệnh nhân/ngày
Bệnh nhân được tiêm thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bác sĩ và bệnh nhân phải tiếp xúc nhau qua vách ngăn kính chì
Bác sĩ Nguyễn Quang Cường và bác sĩ Vũ Hoàng Minh Châu đọc kết quả chụp của bệnh nhân
Bệnh nhân mất bao nhiêu thời gian để chụp PET/CT?
Bác sĩ Võ Khắc Nam cho biết sau khi tiếp nhận một bệnh nhân được chỉ định chụp PET/CT, các bác sĩ tại khoa sẽ tư vấn quy trình chụp, quy trình chuẩn bị và chế độ ăn uống, vận động... trước khi ghi hình.
Toàn bộ quy trình chụp PET/CT có thể kéo dài 1,5 - 2 giờ. Trước tiên để bước vào ca ghi hình, bệnh nhân phải nhịn đói, nếu có bệnh tiểu đường sẽ được kiểm tra đường huyết và cuối cùng được đặt catheter (ven) tiêm thuốc.
Sau tiêm bệnh nhân chờ khoảng 45 phút đến 1 tiếng sẽ được ghi hình (chụp PET/CT) trong khoảng 15 phút và đọc trả kết quả khoảng 30 phút, tùy vào ca khó hay dễ.
TTO - Trong khi thuốc phóng xạ để chụp PET/CT đang thiếu trầm trọng, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vẫn yêu cầu các bệnh viện lẫn đơn vị sản xuất thuốc bổ sung hồ sơ.