Sau phiên giao dịch tích cực ngày 8/6, khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch ngày 9/6, các chỉ số biến động trong biên độ hẹp trước sự phân hóa mạnh ở hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu.
Nhiều mã trụ như GVR, STB, SHB, MWG… tiếp tục diễn biến tích cực và giúp nâng đỡ các chỉ số. Tuy nhiên, nhiều mã trụ khác như VCB, SAB, VNM… lại giảm tạo áp lực lên chỉ số. Thị trường diễn biến giằng co và không xác định rõ đà tăng, giảm. Kết phiên sáng ngày 9/6, VN-Index giảm nhẹ.
Phiên chiều mở cửa diễn ra theo chiều hướng giằng co với những nhịp giảm và hồi phục đan xen nhau. Nhóm cổ phiếu trụ cột tiếp tục có sự phân hóa mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/6, VN-Index giảm 0,11 điểm, tương ứng 0,01%)xuống 1.307,8 điểm. Toàn sàn có 219 mã tăng, 214 mã giảm và 66 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,81 điểm, tương ứng 0,58% lên 312,74 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 100 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,11 điểm, tương ứng 0,12% xuống 94,89 điểm.
Nhóm cổ phiếu trụ VN30 ghi nhận 14 mã giảm giá, 14 mã tăng giá và 2 mã đứng giá. Chỉ số đại diện nhóm này tăng nhẹ 0,8 điểm với 136 triệu cổ phiếu được sang tay trong phiên.
3 mã thuộc nhóm Vingroup ghi nhận 3 sắc thái khác nhau. Trong đó, VRE tăng giá, VHM giảm giá còn VIC đứng giá.
YEG sau 9 phiên tăng lên tiếp và nhiều phiên trong đó tăng chạm trần thì phiên ngày 9/6 đã "cắm đầu" phiên chiều khi giảm 5% sau khi tăng trần vào phiên sáng. Những ai kịp mua YEG tại vùng giá hơn 15.000 đồng/cổ phiếu cách đây 9 phiên mà kịp chốt lời vào sáng nay thì đã ghi nhận mức lãi 70%.
Sau khi Phó Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát - cổ đông lớn nhất và Chủ tịch Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tổng thoái vốn, một cá nhân là ông Nguyễn Hữu Thanh đã mua thêm hơn 500.000 cổ phiếu YEG và nâng tỉ lệ sở hữu từ 4,2% lên 5,8%, trở thành cổ đông lớn. Ông Thanh đã chi khoảng 10 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn nhất của Yeah1.
VCB 2 phiên liên tiếp trở thành mã có tác động tiêu cực nhất tới chỉ số chứng khoán. VCB tiếp tục giảm xuống 77.800 đồng/cổ phiếu. Nhóm ngân hàng cũng phân hóa khi một số mã phủ bóng sắc đỏ như OCB, TPB, VCB, VIB, VPB… Ngược lại, một vài mã khác tăng điểm và đóng góp tích cực vào chỉ số chung như TCB, VBB, STB, ACB, BID…
HPG là mã tác động tích cực nhất tới thị trường ngày 9/6 khi tăng 2,7% lên 33.800 đồng/cổ phiếu. Trong phiên, có thời điểm mã này tăng tới 5%. Tại nhóm thép, HSG tăng 6,1%, NKG, TLH tăng kịch trần, POM tăng hơn 3%...
Hai mã đại diện nhóm hàng không là HVN và VJC đều tăng điểm tuy nhiên biên độ tăng không lớn. Nhóm bán lẻ của DGW và PNJ tăng nhẹ trong khi FRT, MWG giảm điểm.
Sau phiên tím trần hôm 8/6, các mã đầu cơ vẫn tiếp tục "nổi sóng". Nhóm cổ phiếu FLC tuy không tăng kịch trần song mức tăng vẫn tốt. FLC tăng tới 5,4%, HAI tăng 0,78%, ART tăng 3,7%, AMD tăng 3,7% và KLF tăng hơn 3% song kết phiên quay về tham chiếu. Một vài mã đầu cơ khác như LDG, JVC… cũng kết phiên trong sắc xanh.
Một vài mã vốn hóa cao như VGC, DXG… tăng kịch trần. AAA cũng tăng trần hay NT2 kết phiên trong sắc tím.
Khối ngoại mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp. Phiên ngày 9/6, khối ngoại giải ngân 1.237 tỷ đồng và bán ra 1.058 tỷ đồng. Tính chung, khối ngoại đã mua ròng 180 tỷ đồng. STB được mua mạnh nhất với 82 tỷ đồng, theo sau là DXG 68 tỷ đồng, DPM 66 tỷ đồng, DCM 45 tỷ đồng… Một số mã bị bán mạnh là VCB 51 tỷ đồng, VHM 44,7 tỷ đồng, VNM 32,1 tỷ đồng…
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 14.086 tỷ đồng, giảm 24%, trong đó, giá trị khớp lệnh ở sàn HoSE giảm 24% xuống 11.876 tỷ đồng.