vĐồng tin tức tài chính 365

Nghịch lý: GDP bình quân đầu người đạt gần 47.000 USD, Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn đau đầu tìm cách dẹp bỏ "nhà hộp diêm"

2022-06-09 16:53

Lời "tuyên chiến" hé lộ một kiểu sống "ám ảnh"

Người nghèo và những người thiếu thốn cùng cực ở Hồng Kông (Trung Quốc) từ lâu đã không thể mua bất cứ thứ gì ngoài những căn nhà bị chia năm xẻ bảy. Hiện tại, Bắc Kinh muốn chính quyền địa phương loại bỏ những căn "nhà lồng" vào năm 2049. Tân đặc khu trưởng Hồng Kông (Trung Quốc) Lý Gia Siêu đã cam kết giải quyết các vấn đề nhức nhối về nhà ở.

Phóng viên Fiona Sun của tờ SCMP đã có cơ hội tận mắt chứng kiến những ngôi nhà kinh khủng nhất trong thành phố và trò chuyện với những người sống ở đó.

Sau một ca làm việc dài thâu đêm, nhân viên bảo vệ Leung trở về với không gian sống nhỏ bé mà ông gọi là "nhà" trong một khu chung cư cũ ở Thâm Thuỷ Bộ.

Leung có khoảng 5m2 trong căn hộ được chia nhỏ thành 12 ngăn có cùng kích thước hoặc nhỏ hơn. Mỗi "căn nhà" vừa đủ cho một người.

Không gian chật hẹp đến nỗi Leung phải chất hộp đồ đạc cá nhân thành từng đống cao. Quần áo xếp trên gường khiến ông không thể duỗi thẳng chân khi ngủ. Ông có một bồn rửa, một phòng tắm không có cửa, nhưng không có bếp nấu ăn.

Không gian sống của Leung không có cửa sổ nên không khí rất ngột ngạt và còn kinh khủng hơn khi vào hè. Muỗi đốt khiến Leung phải thức trắng nhiều đêm. Đệm của ông cũng bị ố vàng bởi những con rệp bị đè bẹp.

Leung, người đàn ông 58 tuổi chỉ tiết lộ họ, cho biết: "Khi tôi kể với những người mới đến Hồng Kông về điều kiện sống của tôi, họ đều không thể tin điều đó".

Sau khi ly hôn và sống cùng con trai lớn, ông chuyển đến đây vào tháng 4 năm ngoái. Leung từng sống trong một căn hộ lớn hơn một chút ở cùng một toà nhà trong hơn 1 năm. Nhưng khi không còn đủ khả năng chi trả số tiền 3.900 đô là Hồng Kông – HKD (tương đương 500 USD), ông đã phải lựa chọn căn có diện tích nhỏ hơn. Hiện tại, Leung trả 2.800 HKD mỗi tháng.

Nghịch lý: GDP bình quân đầu người đạt gần 47.000 USD, Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn đau đầu tìm cách dẹp bỏ nhà hộp diêm  - Ảnh 1.

Có hơn 220.000 người giống như Leung đang sống trong những căn nhà nhỏ tồi tàn nhất Hồng Kông. Đặc khu hành chính có khoảng 110.000 căn hộ chia nhỏ, phần lớn nằm trong các toà nhà đổ nát ở bán đảo Cửu Long và Tân Giới.

Phần lớn những căn nhà như vậy thường do những người độc thân hoặc các cặp vợ chồng mới cưới thuê. Ngoài ra, cha/mẹ đơn thân cùng con cái họ, hoặc thậm chí cả gia đình 3 thế hệ cũng cư ngụ trong những căn hộ siêu chật hẹp như vậy.

Tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng tại Hồng Kông đã buộc người dân phải thuê những không gian bé xíu trong những căn hộ đông đúc đến 40 người thuê.

Nổi tiếng nhất chính là "nhà lồng" hoặc "nhà quan tài". Mỗi căn hình hộp xếp chồng lên nhau từ sàn cho đến trần và được ngăn vách bởi những tấm gỗ mỏng hoặc lưới thép.

Nghịch lý: GDP bình quân đầu người đạt gần 47.000 USD, Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn đau đầu tìm cách dẹp bỏ nhà hộp diêm  - Ảnh 2.

Leung tại căn hộ được chia nhỏ của mình ở Thâm Thuỷ Bộ. Ảnh: Xiaomei Chen

Chỗ ở hiện tại của Leung làm ông nhớ lại thời thơ ấu của mình, khi 3 anh em ông sống cùng cha mẹ trong một nhà hộp trước khi chuyển đến một căn nhà ở xã hội ở Thuỷ Thâm Bộ.

Leung rời gia đình và kết hôn, sau đó mua một căn hộ của riêng mình. Sau khi ly hôn, ông để lại tài sản cho vợ cũ và con trai. Ông từng điều hành một công ty logistic ở Trung Quốc đại lục nhưng bị phá sản năm 2019 nên trở về Hồng Kông sinh sống. Leung thất nghiệp từ đó cho đến khi tìm được công việc bảo vệ vào năm 2021.

Leung mong muốn một nơi ở tốt hơn, nhưng ông nhận ra rằng "đây là tất cả những gì ông có thể xoay xở vào lúc này".

Hầu hết người thuê không có sự lựa chọn

Nghịch lý: GDP bình quân đầu người đạt gần 47.000 USD, Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn đau đầu tìm cách dẹp bỏ nhà hộp diêm  - Ảnh 3.

Nhà lồng là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong những ngôi nhà tồi tàn dưới chuẩn ở Hồng Kông. Ảnh: Xiaomei Chen.

Những căn nhà chia nhỏ ở Hồng Kông bị chỉ trích vì điều kiện sống tồi tàn. Không gian chật hẹp không có cửa sổ, những mối nguy hiểm về vấn đề vệ sinh và hoả hoạn luôn chực chờ.

Mặc dù xảy ra tình trạng trên, chính quyền từ lâu chỉ áp dụng chính sách đơn thuần là đảm bảo an toàn cho người thuê, thay vì loại bỏ dần dần những căn hộ chia nhỏ. Nhiều người tin rằng những người khố rách áo ôm cần những căn nhà như vậy.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2021, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau của Trung Quốc, đã đặt ra mục tiêu loại bỏ các vấn đề nhức nhối của xã hội vào năm 2049. Cụ thể, ông yêu cầu các nhà lãnh đạo xoá bỏ các căn hộ chia nhỏ và nhà lồng.

Trong bài phát biểu cuối cùng về chính sách vào tháng 10/2021, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor) coi việc cung cấp nhà ở và đất đai là trọng tâm, đặt mục tiêu cung cấp chỗ ở tử tế cho người dân.

Người kế nhiệm của bà là đặc khu trưởng Lý Gia Siêu đã cam kết hành động về nhà ở. Ông đưa ra quan điểm trong chiến dịch tranh cử của mình là sẽ đến thăm những cư dân nghèo trong các căn hộ siêu nhỏ.

Một báo cáo của Cục Giao thông và Nhà ở vào tháng 3/2021 cho biết, ước tính có khoảng 110.008 căn hộ chia nhỏ với 226.340 người, tức khoảng 3% dân số, tương đương 7,5 triệu người Hồng Kông.

Báo cáo cho biết diện tích trung bình của các căn hộ chia nhỏ này là 11,5 m2. Nhưng các nhân viên xã hội ước tính rằng một số căn còn có diện tích nhỏ chỉ gần 2 m2. Hơn 60% các căn hộ chia nhỏ nằm ở Cửu Long và khoảng 24% ở Tân Giới, số còn lại nằm ở Đảo Hồng Kông.

Để bảo vệ những người thuê nhà, chính phủ đã ban hành dự luật kiểm soát việc thuê những căn hộ siêu nhỏ vào tháng 7/2021. Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đã thông qua và có hiệu lực vào tháng 1/2022. Một số các biện pháp khác bao gồm tăng tiền thuê nhà khi các hợp đồng được gia hạn.

Nghịch lý: GDP bình quân đầu người đạt gần 47.000 USD, Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn đau đầu tìm cách dẹp bỏ nhà hộp diêm  - Ảnh 4.

Chính trị gia Hồng Kông Wilson Or Chong-shing trong cuộc họp Chủ nhà và Người thuê. Ảnh: Dickson Lee.

Hầu hết những người thuê căn hộ chia nhỏ đều cho rằng với thu nhập ít ỏi của mình, họ không còn lựa chọn nào khác là thuê nhà trọ.

Không thể mua nhà ở một nơi mà giá bất động sản tăng chóng mặt, hy vọng tốt nhất của họ là tìm được một nhà ở xã hội cho thuê. Nhưng số người thuê xếp hàng dài đến nỗi có thể mất cả chục năm mới có một căn. Phần lớn mọi người sẽ buộc phải thuê tạm một căn hộ chật hẹp trong khi chờ đợi.

Một sự thật trớ trêu là đối với tình trạng nhà ở Hồng Kông, những người nghèo nhất trả tiền thuê nhà tính trên mỗi mét vuông tương đương hoặc thậm chí nhiều hơn giá thuê căn hộ riêng.

Thống kê tháng 4 cho thấy, giá thuê trung bình hàng tháng trên mỗi mét vuông của một căn hộ riêng rộng dưới 40 m2 là khoảng 37 HKD ở Đảo Hồng Kông, 35 HKD ở Cửu Long và 28 HKD ở Tân Giới. Còn đối với các căn chia nhỏ, giá thuê trung bình hàng tháng là 29 HKD trên mỗi mét vuông.

Nhưng mọi người vẫn chọn những căn hộ siêu nhỏ vì giá thuê hàng tháng nhìn chung vẫn thấp hơn vì diện tích không có là bao. Báo cáo cho thấy giá thuê trung bình hàng tháng cho một căn chia nhỏ là 4.800 HKD, thấp hơn nhiều so với một căn hộ riêng cỡ nhỏ nhất.

Đối với những người sống trong những căn nhà hộp, tiền thuê nhà đã chiếm 1/3 thu nhập hộ gia đình hàng tháng. Báo cáo của Cục Giao thông và Nhà ở cho thấy những hộ gia đình này có thu nhập trung bình hàng tháng là 15.000 HKD vào năm 2020, thấp hơn một nửa so với mức 33.000 HKD của tất cả các hộ gia đình trong quý 4 năm đó.

Khi Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng (SoCO) phỏng vấn 432 hộ gia đình sống trong những không gian nhỏ hẹp vào tháng 4/2021, họ phát hiện ra rằng giá thuê trung bình hàng tháng là từ 4.500 HKD đến 6.500 HKD cho các căn hộ chia nhỏ truyền thống. Trong đó, một căn hộ tiêu chuẩn được chia thành hai hoặc nhiều căn nhỏ hơn. Ngoài ra, không gian có giường nhỏ sẽ có giá 2.300 HKD và buồng nhỏ có giá thuê 2.800 HKD.

Lawrance Wong Dun-king, chủ tịch của Many Wells Property Agent, cho biết giá thuê các không gian chia nhỏ cao hơn trên mỗi đơn vị diện tích cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu ở Hồng Kông. Ông nói: "Căn hộ có diện tích càng nhỏ, giá thuê trên mỗi mét vuông càng cao. Kết quả là người nghèo nhất phải trả tiền thuê nhà cao nhất".

Chờ đợi cho đến chết

Nghịch lý: GDP bình quân đầu người đạt gần 47.000 USD, Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn đau đầu tìm cách dẹp bỏ nhà hộp diêm  - Ảnh 5.

Xing Aizhen trong căn hộ siêu nhỏ của cô ở Vượng Giác. Ảnh: Xiaomei Chen.

Trong 7 năm qua, Xing Aizhen, 46 tuổi và hai con trai của cô một 20 tuổi, một 15 tuổi, cùng nhau sống trong một không gian rộng 9,3 m2 của một căn hộ tại Vượng Giác.

Quê ở tỉnh Hải Nam, cô đến Hồng Kông cùng các con trai từ năm 2015 sau khi cuộc hôn nhân lần thứ hai đổ vỡ. Với thu nhập khoảng 10.000 HKD mỗi tháng từ công việc bồi bàn, cô cho biết mình không thể mua gì ngoài việc thuê một căn hộ chia nhỏ có giá 3.900 HKD một tháng.

Hai con trai của cô ngủ trên chiếc giường tầng, trong khi cô ngủ trên giường đơn. Trong cùng không gian đó là bếp ăn và nhà vệ sinh. Cô có thể ngửi thấy mùi hôi từ nhà vệ sinh trong khi đang nấu ăn.

Vì chỉ có hai ô cửa sổ rất nhỏ không đủ thông thoáng, đồ xào nấu sẽ để lại mùi dầu mỡ nồng nặc nên cô chỉ luộc hoặc hấp các món ăn. Cô nói: "Nơi này quá nhỏ đối với 3 người chúng tôi". Con trai lớn của cô cũng phàn nàn về cách bài trí đồ đạc.

Cô Xing cho biết không gian thậm chí còn bị thu hẹp trong đợt đại dịch Covid-19 vì cả 3 đều phải ở nhà. Con trai lớn học nấu ăn trực tuyến. Con trai thứ học cấp hai cũng phải học online. Cô cũng phải ở nhà nhiều hơn vì bị cắt giảm thời gian làm việc và thu nhập.

Sau 5 năm chờ đợi một căn nhà ở xã hội, Xing cho biết cô hy vọng sẽ tìm thấy một nơi ở lớn hơn với điều kiện sống tốt hơn cho các con trai của mình. Cô nói: "Một nơi ở tốt là điều quan trọng để chúng ta có một cuộc sống ổn định và an toàn".

Đối với những người như cô Xing, nhà ở xã hội là hy vọng duy nhất. Nhưng những căn nhà như vậy rất hiếm.

Nghịch lý: GDP bình quân đầu người đạt gần 47.000 USD, Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn đau đầu tìm cách dẹp bỏ nhà hộp diêm  - Ảnh 6.

Một người đàn ông cao tuổi đăng ký chương trình nhà cho thuê của Housing Society. Ảnh: Xiaomei Chen.

Tính đến tháng 3/2021, khoảng 147.500 đơn đăng ký thuê nhà ở xã hội từ các gia đình và người già neo đơn được ưu tiên. Thời gian chờ đợi trung bình là 6,1 năm.

Với hàng dài khoảng 97.700 người nộp đơn không phải người cao tuổi, nhiều người đã phải chờ đợi hàng thập kỷ.

Phó giám đốc SoCO Sze Lai-shan nói rằng khi nhắc đến chỗ ở thiếu thốn ở Hồng Kông thì "những ngôi nhà quan tài" là kinh khủng nhất. Bà cho biết một số người cao tuổi mô tả cuộc sống trong những căn nhà lồng không khác gì "chờ đợi cái chết".

Người đàn ông Hồng Kông 51 tuổi Tsang Shiu-tung cho biết ông đã chờ thuê nhà ở xã hội 16 năm ròng và dường như không còn thấy chút ánh sáng hy vọng nào.

Ông sống trong một không gian gồm 18 gian giường giống như quan tài được ngăn bởi vách gỗ trong một toà chung cư cũ nát ở Du Ma Địa.

Ông mô tả: "Tôi sống như một con vật bị nhốt trong lồng". Đã ly hôn và không có con cái, ông Tsang chuyển đến nơi này vào tháng 5/2021 và trả tiền thuê hàng tháng là 1.500 HKD. Đại dịch khiến công việc khuân vác bán thời gian ở siêu thị của ông bị hạn chế. Thu nhập của ông giảm còn chưa đến 10.000 HKD một tháng.

Nghịch lý: GDP bình quân đầu người đạt gần 47.000 USD, Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn đau đầu tìm cách dẹp bỏ nhà hộp diêm  - Ảnh 7.

Tsang Shiu-tung sống trong căn nhà hộp ở Du Ma Địa. Ảnh: Xiaomei Chen.

Các căn hộp nhỏ, ngỗi ngăn được đánh số và xếp chồng lên nhau thành 2 tầng. Trong số người thuê có 18 người đàn ông tuổi từ 40-80. Tất cả họ dùng chung hai nhà tắm và không hề có bếp.

Tsang nói rằng không gian sống chẳng khác nào địa ngục. Căn giường tầng trên của ông hẹp đến mức ông khó có thể duỗi thẳng hoàn toàn hoặc ngồi thẳng người mà không va đầu vào vách ngăn bằng gỗ. Người đàn ông ở tầng dưới thường đá chân vào vách thể hiện sự bức bối.

Một số người đàn ông thức khuya, những người khác hút thuốc trong nhà khiến mùi thuốc lá nồng nặc. Tsang kéo cửa ngăn phòng mình cũng không ngăn được tiếng ồn và mùi khói thuốc. Điều đó chỉ khiến ông thêm ngột ngạt hơn.

Đã có lúc ông phải ngủ trong công viên để không phải trở về "nhà". Ông nói: "Tôi muốn trốn khỏi nơi này, nơi mà tôi cảm thấy vô cùng bất lực. Tất cả những gì tôi muốn là một nơi an toàn để sống".

Nguồn: SCMP

http://tintuc.vdong.vn/06/1381173.htm

Xem thêm: nhc.84064501190602202-meid-poh-ahn-ob-ped-hcac-mit-uad-uad-nav-couq-gnurt-gnok-gnoh-dsu-00074-nag-tad-iougn-uad-nauq-hnib-pdg-yl-hcihgn/nv.fefac

Comments:0 | Tags: vay

“Nghịch lý: GDP bình quân đầu người đạt gần 47.000 USD, Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn đau đầu tìm cách dẹp bỏ "nhà hộp diêm"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools