Khoảng thời gian đầy sóng gió của cổ phiếu công nghệ
Lĩnh vực công nghệ thông tin trong S&P 500 đã giảm 20% kể từ năm 2022, tính đến ngày 8/6, đây là cột mốc khởi đầu quý tệ nhất trong năm nay. Sự chênh lệch của lĩnh vực này với S&P 500 đã ghi nhận mức lớn nhất kể từ năm 2004. Sự sụt giảm này khiến nhà đầu tư không khỏi lo lắng và rút 7,6 tỷ USD khỏi các quỹ ETF, tương hỗ tập trung vào công nghệ tính đến tháng 4. Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ khi Morningstar Direct theo dõi dữ liệu từ năm 1993.
Trong nhiều năm, cổ phiếu công nghệ đã làm "bệ phóng" cho thị trường, giúp các chỉ số chính liên tục đạt đỉnh. Sự hào hứng của nhà đầu tư với mọi thứ, từ điện toán đám mây cho đến phần mềm, mạng xã hội đã khiến những ngóc ngách khác của thị trường cũng thăng hoa. Các chính sách hỗ trợ của Fed khi đại dịch bắt đầu cũng thúc đẩy khẩu vị rủi ro của giới đầu tư.
Còn năm nay, nhà đầu tư phải đối mặt với một môi trường hoàn toàn khác. Lợi suất trái phiếu đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2018. Nhiều xu hướng được ưa chuộng trong 2 năm qua - bao gồm các giao dịch quyền chọn tăng giá, SPAC hay tiền số, đã trải qua bước ngoặt lớn. Chỉ các ngành năng lượng và tiện ích trong S&P 500 tăng điểm.
Một số nhà đầu tư cho rằng kỷ nguyên thống trị kéo dài hàng thập kỷ của công nghệ sắp kết thúc. Các nhà đầu tư giá trị đang giành chiến thắng khi cổ phiếu của các công ty như ExxonMobil, Coca-Cola và Altria hồi phục sau 1 thời gian dài. Chỉ số S&P 500 Value đang giao dịch cao hơn S&P 500 Growth 17 điểm phần trăm - mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 2000. Trong khi đó các quỹ theo dõi cổ phiếu tăng trưởng đã bị rút ròng 48 tỷ USD và nhà đầu tư rót hơn 13 tỷ USD vào các quỹ theo dõi cổ phiếu giá trị.
Diễn biến của S&P 500 và lĩnh vực công nghệ trong chỉ số này.
Đối với nhiều nhà đầu tư, xu hướng rời bỏ ngành công nghệ và sự biến động kéo dài hàng tháng ở hiện tại giống như bong bóng dotcom năm 2000. Khi đó, cổ phiếu các công ty internet đã tăng giá điên cuồng nhờ sức hấp dẫn của những đổi mới về công nghệ cùng lãi suất thấp. Sau đó, sự sụp đổ hàng loạt khiến nhà đầu tư thiệt hại nặng nề. Khi bong bóng vỡ, Nasdaq Composite đã giảm gần 80% từ tháng 3/2000 đến tháng 10/2002.
Trong năm nay, một số cổ phiếu công nghệ cũng ghi nhận đà trượt dốc mạnh chưa từng có, khiến hàng trăm tỷ USD vốn hóa bốc hơi, đôi khi chỉ trong vài giờ. Cuối tháng 5, cổ phiếu Snap mất 43% chỉ trong 1 phiên duy nhất và 16 tỷ USD vốn hóa bị "cuốn bay". Những khoản đặt cược "hot" vào năm ngoái như Affirm hay Coinbase cũng mất 1 nửa giá trị vào năm 2022.
Các công ty lớn nhất ngành cũng không nằm ngoài xu hướng này. Cổ phiếu nhóm FAANG - gồm Meta, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet, đều ghi nhận mức giảm 2 con số, lớn hơn nhiều so với đà giảm của S&P 500.
Theo các chiến lược gia của Bank of America, ngay cả sau đợt bán tháo, cổ phiếu công nghệ vẫn chiếm tỷ trọng gần như kỷ lục là 27% trong S&P 500, vẫn ở gần mức cao nhất kể từ bong bóng dotcom. Ngân hàng này cảnh báo rằng hiện vẫn còn quá sớm để bắt đáy nhiều trong số các cổ phiếu này.
Tia sáng nào cho lĩnh vực từng thúc đẩy cả thị trường?
Dĩ nhiên, một số nhà đầu tư đã chỉ ra sự khác biệt quan trọng giữa diễn biến ở hiện tại và sự sụp đổ của các công ty dotcom. Dù định giá cổ phiếu công nghệ tăng vọt trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đáng lo ngại như năm 3/2000 khi P/E dự phóng của S&P 500 chạm mức 26,2. Ở thời kỳ đỉnh điểm vào tháng 9/2000, P/E dự phóng đạt 24,08.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng trong những tháng gần đây nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với quá khứ. Hôm 8/6, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động quanh mức 3%, còn ở năm 2000 là khoảng 5%.
Trong thời gian sắp tới, nhà đầu tư vẫn dự đoán Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất và đây sẽ là yếu tố tạo thêm áp lực cho cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác. Mối lo ngại về tốc độ điều chỉnh lãi suất của Fed đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu kinh tế Mỹ có sắp rơi vào suy thoái hay không, dù số liệu kinh tế không thực sự đáng lo ngại.
Nhiều nhà đầu tư đã đặt cược ngược lại với cổ phiếu công nghệ hoặc đóng vị thế bán. Theo S3 Partners, trong số 11 lĩnh vực của S&P 500, công nghệ đang có xu hướng chứng kiến tỷ lệ bán khống giảm mạnh nhất trong quý II, dù vẫn là lĩnh vực bị bán khống mạnh nhất trên thị trường. Nhà đầu tư vẫn đặt cược ngược lại với các cổ phiếu Tesla, Apple, Microsoft và Amazon, khiến đây trở thành các cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất, tương tự như 2 năm trước.
P/E của S&P 500.
Song, một số nhà đầu tư và nhà phân tích vẫn tự tin rằng thời kỳ thống trị của công nghệ vẫn chưa kết thúc.
Theo Jay Kaeppel - nhà phân tích tại Sundial Capital Research, tỷ lệ quyền chọn bán so với quyền chọn mua đối với quỹ Technology Select Sector SPDR đã tăng lên. Đây là một tín hiệu cho thấy điều tồi tệ với ngành này có thể đã qua.
David Eiswert - giám đốc danh mục đầu tư tại T.Rowe Price, cho rằng một số cổ phiếu công nghệ, chẳng hạn như Amazon, có giá hấp dẫn hơn sau đà sụt giảm gần đây. Bởi vậy, ông có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với nhóm cổ phiếu này.
Tham khảo WSJ
http://tintuc.vdong.vn/06/1381174.htm