Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch 8/6 trong bối cảnh nhà đầu tư hoài nghi về triển vọng nền kinh tế toàn cầu và chờ đợi dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ.
Chỉ số S&P 500 giảm 44,91 điểm, tương đương 1,1%, xuống 4.115,77 điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 269,24 điểm, tương đương 0,8%, xuống 32.910,90 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 88,96 điểm, tương đương 0,7%, còn 12.086,27 điểm.
Đây chính là phiên giao dịch giảm điểm đầu tiên trong tuần, phản ánh xu hướng biến động trên thị trường thời gian gần đây.
Diễn biến các chỉ số chứng khoán Mỹ trong ngày 8/6. Ảnh: WSJ.
Chứng khoán Mỹ xuất hiện nhiều phiên tăng điểm sau một thời gian dài liên tục giảm. Trước đó, chỉ số S&P 500 đã có thời điểm rơi vào thị trường giá xuống. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhận định đà tăng điểm này chưa bền vững và phần nhiều trong số họ không cảm thấy thuyết phục trước sự phục hồi của thị trường. Họ quan tâm liệu nền kinh tế có thể tránh khỏi một cuộc suy thoái hay không trong bối cảnh lãi suất tăng và lạm phát cao.
Những yếu tố trên đã ảnh hưởng tiêu cực lên các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ trong năm nay. Hiện tại, chỉ số S&P 500 giảm khoảng 14% từ đầu năm 2022.
Gần đây, nhiều nhà đầu tư còn quan ngại về rủi ro lạm phát đình đốn (đình lạm). Ngân hàng Thế giới trong ngày 7/6 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo thế giới có thể rơi vào một giai đoạn đình lạm giống như những năm 70 của thế kỷ trước. Ở một diễn biến khác, dữ liệu mới được công bố cho thấy số lượng hồ sơ thế chấp mua nhà tại Mỹ giảm xuống ngưỡng thấp nhất 22 năm, báo hiệu thị trường bất động sản đang dần hạ nhiệt.
“Ban đầu, người tiêu dùng không hài lòng với lạm phát nhưng vẫn chi tiêu”, Tim Murray, Chiến lược gia thị trường vốn tại Rowe Price, chia sẻ. “Hiện tại, họ đang có xu hướng dừng tiêu dùng”.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ, dự kiến công bố trong ngày 10/6, sẽ có sức ảnh hưởng lớn, theo Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư tại State Street Global Advisors. Lạm phát tại Mỹ được dự báo ở ngưỡng 8,3%, đồng nhất với tháng trước đó.
“Cơn bão giá” gây ra bởi đại dịch vẫn tồn tại ngay cả khi nền kinh tế bình thường hóa trở lại. “Và liệu lạm phát sẽ hạ nhiệt?”, ông Arone chia sẻ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Janet Yellen vừa kết thúc phiên điều trần kéo dài 2 ngày trước Thượng viện nhằm thảo luận dự thảo ngân sách hàng năm của chính phủ. Trong ngày 8/6, bà cho biết Nhà Trắng đang cân nhắc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa tại Trung Quốc nhằm kéo giảm lạm phát.
Phần lớn các doanh nghiệp tại Mỹ đã công bố báo cáo lợi nhuận quý I trong 2 tháng vừa qua. Nhìn chung, lợi nhuận vẫn được giữ ổn định nhưng không ít doanh nghiệp lên tiếng cảnh báo về triển vọng kinh doanh thời gian tới, theo Lisa Erickson, Trưởng bộ phận thị trường đại chúng tại U.S. Bank. Trong bối cảnh chi phí đầu vào và chi phí lao động tăng cao, nhiều doanh nghiệp nhận định lợi nhuận có thể sẽ sụt giảm trong quý II/2022.
Sự ổn định trên thị trường trái phiếu chính phủ sau giai đoạn bán tháo hồi đầu năm khiến lợi suất tăng cao đã giúp thị trường chứng khoán kết thúc đà giảm điểm kéo dài hồi cuối tháng trước. Lợi suất trái phiếu chính phủ cao sẽ làm giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.
Trong ngày 8/6, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên ngưỡng 3,028%, cao hơn so với ngày giao dịch trước đó, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức đỉnh 3,124% đạt được hồi đầu tháng 5.
Xem thêm: nhc.29190058090602202-maig-ym-naohk-gnuhc-gnourt-gnat-gnov-neirt-ev-iagn-ol-ut-uad-ahn/nv.fefac