Sau 4 ngày xử và nghị án, chiều 9/6, TAND cấp cao tại Tp.HCM đã tuyên án vụ án Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn –Sadeco (Sadeco là công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC) bán rẻ 9 triệu cổ phần cho công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá.
Trước đó, sau khi khi cấp sơ thẩm tuyên phạt án tù, nhóm 10 bị cáo có kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn diện bản án sơ thẩm và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong đó, bị cáo Tất Thành Cang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM kháng cáo không đồng tình với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí khi chấp thuận cho Sadeco bán rẻ 9 triệu cổ phần. Theo bị cáo Cang, hậu quả của vụ án là do việc làm, báo cáo không trung thực, gian dối của đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco làm ảnh hưởng đến chỉ đạo của bị cáo.
Các bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm: Tề Trí Dũng, cựu Tổng giám đốc, thành viên HĐTV IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco; Hồ Thị Thanh Phúc, cựu Tổng giám đốc Sadeco; Phạm Văn Thông, cựu Phó chánh văn phòng Thành ủy; Huỳnh Phước Long, cựu Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy; Trần Công Thiện; cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận; Trần Đăng Linh, cựu Phó tổng giám đốc IPC; Vũ Xuân Đức, cựu Phó tổng giám đốc IPC; Đỗ Công Hiệp, cựu Kế toán trưởng Sadeco.
Riêng 2 bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Trưởng ban kiểm soát Công ty Sadeco kháng cáo xin xem xét lại tội danh và mức án. Bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh, cựu thành viên HĐTV IPC xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo.
Ngoài ra, Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn – Sadeco (Sadeco là công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC) cũng có kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc các bị cáo Tề Trí Dũng’ Hồ Thị Thanh Phúc, cựu Tổng giám đốc Sadeco và các đồng phạm bồi thường 2,8 tỷ đồng, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 13 của Sadeco (đăng ký tăng vốn điều lệ từ 170 lên 260 tỷ đồng). Sadeco đề nghị Sở KH-ĐT Tp.HCM thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Sadeco với số vốn điều lệ đăng ký là 170 tỷ đồng.
Tại các phiên tòa xét xử phúc thẩm, bị cáo Cang cho rằng hành vi của mình không vi phạm điều 219 Bộ luật hình sự, không làm sai chủ trương và đề nghị HĐXX xem xét hành vi của bị cáo một cách khách quan, toàn diện.
Bị cáo Tất Thành Cang cũng nhiều lần bật khóc khi trình bày tại phiên phúc thẩm. Trong lời nói sau cùng, bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước và gia đình vì những việc làm của mình đã ảnh hưởng đến Đảng, ảnh hưởng đến truyền thống gia đình.
Trong khi đó, nhóm bị cáo có kháng cáo còn lại thừa nhận các sai phạm và mong HĐXX cân nhắc xem xét, giảm cho một phần hình phạt.
Sau thời gian dài nghỉ nghị án, HĐXX nhận định, bị cáo Tất Thành Cang với vai trò là phó bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM, phụ trách trực tiếp Văn phòng Thành ủy, có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế của Thành ủy.
Bị cáo có bút phê ký “Đồng ý” vào Tờ trình 1148-TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy Tp.HCM với giá phát hành cổ phần được xác định là 40.000 đồng/cổ phần cho một cổ đông chiến lược do Văn phòng Thành ủy Tp.HCM trình lên.
Từ bút phê “Đồng ý” trên, ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy có Thông báo 495-TB/VPTU do nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM Tất Thành Cang ký, truyền đạt ý kiến chỉ đạo “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.
Bút phê “Đồng ý” cũng là căn cứ để bị cáo Tề Trí Dũng phát hành 9 triệu cổ phần trái luật, gây thất thoát 669 tỷ đồng.
Theo HĐXX, bị cáo Tất Thành Cang cho rằng, tờ trình 1148-TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy được xây dựng dựa trên tờ trình 12A và không nêu tên nhà đầu tư. Bản thân bị cáo chỉ biết đến tờ trình số 13, trong đó có nêu tên nhà đầu tư là Công ty Nguyễn Kim khi bị cáo làm việc với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, về bản chất tờ trình 12A và 13 không khác nhau, đều xác định phương án chuyển nhượng 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho 1 cổ đông chiến lược mà không qua đấu giá nên hành vi của bị cáo Cang đủ yếu tố cầu thành thành vi phạm tội.
Quá trình lượng hình, HĐXX ghi nhận việc bị cáo Cang ăn năn hối hận, có nhân thân tốt, gia đình nhiều người có công với cách mạng, bản thân bị cáo trong quá trình công tác cũng đã được tặng nhiều bằng khen, huân chương cao quý. Ngoài ra, thiệt hại của việc phát hành cổ phần đã được ngăn chặn nên bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài ra, HĐCC cũng xem xét nhiều tình tiết làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc, Trần Đăng Linh, Vũ Xuân Đức, Đỗ Công Hiệp, Nguyễn Văn Minh.
Về kháng cáo của Công ty Sadeco, HĐXX cho rằng không có căn cứ chấp nhận nên đã bác kháng cáo.
Từ các nhận định nêu trên, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 8 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; cấm đảm nhiệm chức vụ 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
Tuyên phạt bị cáo Tề Trí Dũng 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 9 năm tù về tội Tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt 19 năm tù.
Cùng bị tuyên phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội Tham ô tài sản, bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc bị tuyên phạt tổng cộng 14 năm tù.
Các bị cáo Huỳnh Phước Long bị tuyên phạt tổng cộng 12 năm tù; Trần Công Thiện, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận bị tuyên phạt tổng cộng 13 năm tù; bị cáo Trần Đăng Linh, Đỗ Công Hiệp cùng bị tuyên phạt tổng cộng 8 năm tù về hai tội danh nêu trên.
Nhóm bị cáo còn lại gồm Phạm Văn Thông, nguyên phó chánh Văn phòng Thành ủy bị tuyên y án 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Y án 3 năm tù đối với bị cáo Vũ Xuân Đức và bị cáo Nguyễn Văn Minh về cùng tội Tham ô tài sản; bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh, nguyên thành viên HĐTV Công ty IPC bị tuyên 3 năm tù nhưng được hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.