Chiều 9/6, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản và Che giấu tội phạm trong vụ án sai phạm liên quan Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SARGI) tiếp tục với phần tranh luận.
Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKSND Cấp cao tại Tp.HCM phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Theo đại diện VKS, SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND Tp.HCM thành lập và làm chủ sở hữu. Ông Lê Tấn Hùng làm tổng giám đốc, người đại diện pháp luật cho SAGRI, người quản lý vốn nhà nước tại SAGRI.
Năm 1993, UBND Tp.HCM giao khu đất thuộc sở hữu Nhà nước có diện tích 36.676,10 m2 tại địa chỉ khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay là Tp.Thủ Đức), Tp.HCM cho SARGI làm cơ sở chăn nuôi heo.
Sau đó, UBND Tp.HCM chấp thuận cho SARGI chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch đối với 9 cơ sở nhà đất, trong đó có khu đất trên.
Bị cáo Hùng với vai trò là Tổng Giám đốc SARGI biết việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B, Tp.Thủ Đức chỉ xây dựng được 80% công trình kỹ thuật hạ tầng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện thủ tục, đề nghị UBND Tp.HCM chấp thuận để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty CP Phong Phú.
Ngày 31/10/2008, SARGI ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty CP Phong Phú để hợp tác kinh doanh đầu tư dự án nhà ở trên khu đất này.
Quá trình thực hiện dự án, bị cáo Hùng và các bị cáo khác không thực hiện theo chỉ đạo của UBND Tp.HCM mà tự ý thỏa thuận giá trị dự án để chuyển nhượng cho Tổng Công ty CP Phong Phú, không tiến hành thẩm định giá và đấu giá dự án, trái với quy định của pháp luật.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, cựu Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM; bị cáo Trần Trọng Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM biết việc chuyển nhượng dự án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật; dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng,…
Tuy nhiên, bị can Tuyến ký Quyết định số 6077/QĐ-UBND, nội dung “chấp thuận chuyển nhượng dự án do SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng Công ty CP Phong Phú”. Quyết định chấp thuận cho SARGI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty CP Phong Phú chưa đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Đây là cơ sở để bị cáo Hùng và các đồng phạm tại SARGI tự ý quyết định giá trị dự án để chuyển nhượng trái pháp luật. Tổng Công ty CP Phong Phú sau đó đã hợp tác với các bên thứ ba bằng 79 hợp đồng, thu tổng trị giá hơn 115 tỷ đồng. Thiệt hại cho Nhà nước trên 672 tỷ đồng, chưa được thu hồi.
Ngoài ra, năm 2016, Hùng còn chỉ đạo nhân viên lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SARGI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài để chiếm đoạt hơn 13,3 tỷ đồng, chiếm hưởng chi tiêu chung gần 9 tỷ đồng và thu lời bất chính từ số tiền lãi ngân hàng của các khoản tiền đã tham ô hơn 200 triệu đồng.
Tại các phiên tòa trước đó, 5 bị cáo có kháng cáo (ban đầu có 7 bị cáo kháng cáo nhưng một trong số đó đã qua đời do bệnh nặng) xin giảm nhẹ hình phạt đã thừa nhận các sai phạm, nhưng cho rằng bản thân làm việc vô tư, không hề vụ lợi.
Riêng cựu Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM - Trần Trọng Tuấn kháng cáo kêu oan vì cho rằng hành vi của mình không đủ yếu tố cấu thành tội danh như cơ quan tố tụng quy kết.
Đối với các kháng cáo nói trên, địa diện VKSND Cấp cao tại phiên xử phúc thẩm cho rằng, các bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Lê Tấn Hùng đã thành khẩn khai báo, gia đình các bị cáo có công với cách mạng; quá trình công tác, các bị cáo có nhiều thành tích; bị cáo Hùng đã khắc phục hậu quả của vụ án nên đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, xem xét giảm cho các bị cáo này một phần hình phạt.
Cụ thể, đại diện VKS đề nghị tòa cùng cấp giảm án cho các bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Lê Tấn Hùng mỗi bị cáo từ 6 tháng đến 1 năm tù giam so với án sơ thẩm. Một bị cáo khác là Đoàn Quang Hồi (giám đốc Công ty lữ hành Hòa Bình Quốc Tế) cũng được đại diện VKS đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt từ 6 tháng đến 1 năm tù giam.
Đối với kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Trọng Tuấn, VKS cho rằng ông Tuấn là giám đốc Sở Xây dựng, chủ tịch Hội đồng thẩm định, ý thức được tầm quan trọng của bị cáo trong việc thẩm định hồ sơ, bị cáo buộc phải biết chuyển nhượng tài sản nhà nước phải được thực hiện theo quy định của Luật đất đai, Luật quản lý vốn… nhưng bị cáo chỉ thực hiện theo Luật kinh doanh bất động sản là thiếu sót.
Mặc dù bị cáo Tuấn có có nhiều thành tích, bằng khen, giấy khen trong quá trình công tác, song những tình tiết này đã được cấp tòa sơ thẩm xem xét; bản án sơ thẩm tuyên phạt đối với bị cáo Tuấn là đúng người, đúng tội, không oan sai nên không có căn cứ đề nghị giảm án với bị cáo Tuấn.
Đại diện VKS cũng không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của bị cáo Nguyễn Thị Thúy, kế toán trưởng SAGRI; bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Mai, trưởng phòng nhân sự hành chính SAGRI vì xét thấy bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo mức án tương xứng với hành vi phạm tội.
Về kháng nghị của viện trưởng VKSND Tp.HCM xác định thiệt hại là 672 tỷ đồng, đại diện VKSND cấp cao cho rằng Hội đồng định giá kết luận giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng là 544 tỷ đồng, giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 864 tỷ đồng. Như vậy thiệt hại cho Nhà nước tại thời điểm cơ quan điều tra phát hiện, ngăn chặn thiệt hại (ngày 5/7/2019) là 672 tỷ đồng.
Từ đó, đại diện VKSND Cấp cao đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của viện trưởng, xác định thiệt hại của vụ án là 672 tỷ đồng.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận…