Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn ngày 9-6 - Ảnh: TTXVN
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ngày 9-6, nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến giải pháp nâng cao năng lực quản lý các dự án và đảm bảo việc giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật tư để đảm bảo tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm.
Thừa nhận việc xây dựng 2.000km cao tốc áp lực khá lớn, song Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tin tưởng ngành giao thông sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo bộ trưởng, đến nay các dự án chậm tiến độ vì nhiều lý do như không bố trí đủ nguồn vốn, song ông cho rằng theo Luật đầu tư công, các dự án được bố trí đủ tiền nên không lo về vốn mà chỉ tập trung làm. Về giải phóng mặt bằng, ông nói nếu các địa phương quyết liệt sẽ làm rất nhanh, nên đề nghị các địa phương phải thay đổi tư duy, hỗ trợ những dự án trọng điểm quốc gia.
Về yếu kém của các ban quản lý dự án, ông Thể nói đã làm nghiêm túc như điều chuyển một số lãnh đạo ban sang công việc khác, thậm chí giám đốc ban chuyển xuống làm phó; kiên quyết cắt thầu đối với các nhà thầu yếu kém, nhất là dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1.
Để giám sát, bộ họp giao ban hằng tháng, phó thủ tướng đều có họp kiểm điểm tiến độ, để "xem một tháng làm được gì, chậm ở đâu, lý do". Hằng tuần, các thứ trưởng đều phải đi công trường, nửa tháng họp một lần để kiểm tra, giám sát tiến độ để kịp thời giải quyết khó khăn.
Trong buổi chất vấn này, bộ trưởng Bộ GTVT đã trả lời đại biểu Quốc hội một số vấn đề như sau:
* Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM): Giải pháp nào để khắc phục hạn chế về việc phân bổ không đồng đều các tuyến cao tốc giữa các vùng miền, nhất là "trắng" cao tốc tại các vùng kinh tế như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên...
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: trung ương và Chính phủ đã nhận diện được vấn đề phân bổ cao tốc không đồng đều. Hy vọng với tổng thể kế hoạch phát triển các tuyến đường cao tốc hiện nay, và với các dự án đang trình Quốc hội thông qua sẽ khắc phục được sự mất cấn đối giữa các vùng miền trong nhiệm kỳ này.
* Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội): Tình trạng tư duy nhiệm kỳ có tồn tại trong lĩnh vực giao thông không?
- Tôi khẳng định ngành GTVT không tồn tại tư duy nhiệm kỳ.
* Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau): Chất lượng đường cao tốc được xây dựng vừa qua bộc lộ nhiều vấn đề, mặt đường gồ ghề, sụt lún. Đề nghị bộ trưởng làm rõ nguyên nhân, giải pháp...
- Tôi khẳng định ngành giao thông bây giờ không ai dám làm sai, thậm chí ký tá phải rất cân đo đong đếm để đúng quy định pháp luật.
* Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang): Có hiện tượng các nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ có sự điều chỉnh giá nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình...
- Với nhà thầu, nếu không đảm bảo chúng tôi sẽ cắt hợp đồng, tịch thu, bỏ luôn hợp đồng và cấm tham gia thầu ở ngành giao thông cũng như trong cả nước.
Sửa đổi nhiều quy định để thúc đẩy giải ngân vốn
Trình bày trước Quóc hội, theo Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, việc triển khai gói phục hồi tình hình kinh tế và giải ngân vốn đầu tư công chậm có báo cáo tổng hợp khoảng 2.000 vấn đề, trong đó khoảng 60-70% là do vấn đề hiểu chưa hết các quy định thủ tục. Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, ngành và 63 tỉnh thành về giải thích, hiểu các quy định trong thủ tục giải ngân vốn đầu tư công.
Thời gian tới Chính phủ chỉ đạo rà soát lại và hoàn thiện cơ sở pháp lý. Hiện nay, Chính phủ đang sửa đổi nghị định 56, nghị định 114 cũng mới ra vào cuối năm 2021 nhưng thấy rằng vẫn tiếp tục phải sửa đổi để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tăng cường, khẩn trương rà soát lại các thủ tục, hài hòa hóa các thủ tục với nhà tài trợ, thủ tục giải ngân nguồn vốn ODA.
Trong thời gian tới sẽ cương quyết vấn đề xem xét điều chuyển nguồn vốn hoặc hủy nguồn vốn nếu sử dụng không hiệu quả.
TTO - Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho hay Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc và tới năm 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc.
Xem thêm: mth.63621358001602202-cot-oac-mk000-2-hnaht-naoh-gnag-oc-gnuhn-cul-pa-ud/nv.ertiout