Ngày 9/6, giá xăng trung bình tại Mỹ là 4,97 USD mỗi gallon, tăng khoảng 26 cent so với tuần trước và cao hơn gần 2 USD so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hiệp hội ôtô Mỹ (AAA).
Tại một số bang như Nevada, Oregon, Arizona, Michigan, Illinois...giá xăng trung bình thậm chí vượt 5 USD mỗi gallon. Riêng California đắt đỏ nhất, với 6,4 USD mỗi gallon. Giá cả leo thang liên tục diễn ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi sau đại dịch. Điều này đã làm giảm nhu cầu đi lại bằng đường bộ lẫn hàng không, khiến nhiều người ngại quay lại văn phòng.
Giá xăng tăng đang gây sức ép lên nhiều ngành, từ thực phẩm, ôtô, vận tải đường bộ, đến các hãng hàng không, cửa hàng bán lẻ, trạm dịch vụ, và ngay cả bản thân ngành dầu khí. Chúng cũng có thể là nguy cơ chính trị với Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ - những người đang tìm cách duy trì quyền kiểm soát quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.
Tại ngành hàng không, giá nhiên liệu máy bay (đã điều chỉnh theo lạm phát) hiện cao nhất kể từ tháng 1/2009, theo đánh giá của tổ chức thương mại hàng không Airlines for America. Nhờ nhu cầu đặt vé nội địa tăng mạnh trong mùa hè, các hãng đã tăng giá vé để trang trải chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, họ vẫn thận trọng về nhu cầu đi lại vào mùa thu tới.
Giá vé máy bay tăng 18,6% trong khoảng thời gian tháng 3 - tháng 4, và tăng 33,3% so với năm ngoái, theo Bộ Lao động Mỹ. Scott Kirby, CEO United Airlines, cho biết chi phí nhiên liệu đã tăng gần gấp đôi so với năm 2019.
Trong khi đó, các nhà sản xuất thực phẩm cho biết chi phí vận chuyển nguyên liệu thô từ các trang trại, nhà máy đến các nhà phân phối và bán lẻ đang tăng lên, góp phần khiến giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng cao hơn. Mondelez International - sở hữu thương hiệu Oreo - cho biết chi phí đầu vào của họ sẽ tăng khoảng 10% đến 13% năm nay, do giá năng lượng làm ảnh hưởng khâu vận chuyển, nguyên liệu và đóng gói.
Ngành công nghiệp ôtô đặc biệt nhạy cảm với biến động giá xăng dầu vì chi phí nhiên liệu là một yếu tố quan trọng trong quyết định mua hàng. Hiện tại, sở thích của người tiêu dùng bắt đầu thay đổi. Nhiều người mua xe ưu tiên tiết kiệm nhiên liệu và tìm kiếm các tùy chọn có thể giúp họ kiểm soát chi phí năng lượng, như xe hybrid (xe chạy điện - xăng) hoặc xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Các tìm kiếm trực tuyến cho xe điện đã tăng 73% năm nay, theo dữ liệu từ Kelley Blue Book và Autotrader. Sự quan tâm đến xe hybrid của những người mua sắm trực tuyến cũng tăng 25%.
Một số thương hiệu như Toyota và Kia ghi nhận doanh số bán xe hybrid và plug-in hybrid tăng mạnh. Doanh số của một số mẫu xe nhỏ hơn, tiết kiệm hơn cũng bắt đầu tăng cao.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng làm dấy lên lo ngại khách hàng giảm nhu cầu với các công ty vận tải đường bộ. Theo đó, các dự án xây dựng sẽ chậm lại và các nhà bán lẻ cũng ít thuê xe tải để tích trữ hàng hóa hơn.
Dean Croke - nhà phân tích tại DAT Solutions cho rằng thị trường đang diễn biến chưa có tiền lệ. "Nó đang làm tổn thương rất nhiều hãng vận tải và tác động mạnh nhất đến các hãng nhỏ hơn", ông nhận định.
Khi nhu cầu lái xe tăng trong mùa hè và không có biện pháp khắc phục nhanh chóng để tăng cung, nhiều nhà phân tích dự đoán giá tại Mỹ có thể lên cao hơn. JPMorgan Chase ước tính giá xăng có thể đạt mức trung bình toàn quốc là 6,2 USD mỗi gallon vào tháng 8.
Giá xăng, cũng như dầu diesel và nhiên liệu máy bay, vẫn sẽ đối mặt với áp lực tăng vì các nguyên nhân khó được giải quyết sớm. Sản lượng dầu và nhiên liệu không tăng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trên toàn cầu, khi các nền kinh tế dỡ bỏ hạn chế chống dịch.
Năng lực sản xuất nhiên liệu của Mỹ thì đang giảm do một số nhà máy lọc dầu đóng cửa. Trong khi đó, xuất khẩu lại tăng mạnh. Cơn khát nhiên liệu ở nhiều nơi trên thế giới khiến các thương nhân tận dụng cơ hội chênh lệch giá để đưa hàng ra nước ngoài.
Các nhà máy lọc dầu và đại lý dầu thô của Mỹ đã đẩy mạnh đưa hàng đến Mỹ Latin, châu Âu và các nơi khác. Tổng cộng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô của Mỹ đạt 6,4 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 3, tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Lý do chủ yếu liên quan đến chi phí năng lượng và hiệu ứng lan tỏa của nó", Giám đốc tài chính Mondelez Luca Zaramella cho biết hôm 1/6. Công ty dự báo giá cả không thể giảm vào năm 2023.
Giá xăng đang trở thành trách nhiệm chính trị đối với ông Biden. Tuy nhiên, ông có rất ít công cụ để hạ nhiệt nó. Chính quyền đã bắt đầu giải phóng 180 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Dầu Chiến lược hồi tháng 4, nhưng giá xăng vẫn tiếp tục tăng.
Nhà Trắng sau đó kêu gọi Saudi Arabia tăng sản lượng, nhưng khả năng thành công cũng hạn chế. Trong nước, chính quyền cũng cố gắng khuyến khích các công ty dầu mỏ tăng sản xuất. Tuy nhiên, chỉ một số ít tiến hành vì sức ép giảm chi của các nhà đầu tư.
Một trong những điểm nghẽn chính khiến giá xăng dầu tăng cao là sự sụt giảm năng lực sản xuất nhiên liệu toàn cầu. Theo JPMorgan Chase, công suất lọc dầu toàn cầu đã giảm 3 triệu thùng mỗi ngày trong thời gian đại dịch. Riêng công suất tại Mỹ giảm một triệu thùng mỗi ngày.
Ngay cả đối với ngành dầu khí, vốn được hưởng lợi từ giá nhiên liệu cao, chi phí cũng khiến họ cân nhắc về các khoản đầu tư trong tương lai. Meg O’Neill, CEO Woodside Energy Group, lo ngại rằng áp lực lạm phát có thể đè nặng lên các dự án mà công ty đang cân nhắc trong 18 tháng tới. "Chúng tôi cần đảm bảo giá hàng hóa ngắn hạn không quá ảnh hưởng đến tính toán của mình", bà nói.
Phiên An (theo WSJ)