Từ Tựu, 36 tuổi, và vợ Đàm Kim, 35 tuổi, sống ở thôn Song Trại, thành phố Anh Đức, tỉnh Quảng Đông. Ngày 27/2/2011, Kim đến nhà hàng xóm họ Trương nhờ xới hộ thửa ruộng để sang tuần trồng lạc. Nhưng khi việc xong xuôi, Trương không thể liên lạc được với Kim. Suốt hai tuần sau đó, anh ta không gặp lại Kim. Trương đến nhà hỏi thăm, được Tựu cho biết vợ đã quay lại nhà máy, phải tăng ca nên không về được.
Kim làm việc và sinh hoạt trong một nhà máy trên huyện, đến cuối tuần mới về lo việc gia đình và việc đồng áng.
Hai ngày sau, Trương vô tình gặp em họ của Tựu, sống cùng làng. Trương kể đã không gặp Kim hai tuần qua. Em họ lập tức đến nhà hỏi thăm. Tựu vẫn trả lời rằng vợ đi làm ở nhà máy, nhưng lời nói ấp úng và không thể nêu lý do cụ thể vì sao Kim không về.
Lo lắng có chuyện xảy ra, em họ gọi điện cho đồng nghiệp của chị dâu thì được biết hơn hai tuần nay Kim không đến làm. Liên lạc với một số người thân và bạn bè của Kim, không ai từng gặp cô hai tuần qua. Lần cuối Kim được trông thấy là vào 27/2 khi cô đến gặp Trương.
Nghe lời đồn Kim gặp nạn trên đường đến nhà máy, em họ đến đồn cảnh sát trình báo vào 15/3/2011.
Trước sự tra hỏi của cảnh sát, Tựu nói vợ đang làm việc ở nhà máy, trái ngược với tiết lộ từ các đồng nghiệp của Kim.
Kiểm tra nhà Tựu, cảnh sát thấy một đống thóc đổ trên sàn phòng ngủ. Lúc đó đang là mùa thu hoạch lúa, các hộ gia đình sẽ phơi thóc rồi chứa vào bao tải để tránh ẩm mốc. Việc tùy tiện đổ thóc ra sàn như nhà Tựu khiến cảnh sát thấy lạ. Họ nghi ngờ chiếc bao tải vốn đựng thóc đã bị đổ ra để dùng vào việc khác.
Trong phòng ngủ của vợ chồng, cảnh sát phát hiện có tới 21 vết máu giống như bị bắn ra thành tia.
Lúc này, Tựu đã không còn vẻ bình tĩnh ban đầu, cả người run lên, nhưng vẫn một mực giữ im lặng. Bị coi là nghi phạm trong vụ án, Tựu lập tức bị cảnh sát khống chế.
Đến phòng chứa đồ lặt vặt, nghi ngờ của cảnh sát càng tăng khi thấy nơi đây được trang bị đến ba ổ khóa, hai cái trong đó mới được lắp cách đây không lâu. Ngay khi mở cửa, một mùi hôi nồng nặc xộc ra.
Trong căn phòng nhỏ, cửa sổ duy nhất bị ván gỗ đóng lại, hầu như không có ánh sáng. Ngoài một số nông cụ bình thường, cảnh sát phát hiện giữa phòng có một gò đất nhỏ, đất trên đó rất tơi xốp và hơi ẩm, có vẻ như vừa được đào lên rồi lấp lại.
Tựu hiện rõ vẻ bồn chồn, run rẩy dữ dội. Ngay khi cảnh sát chuẩn bị đào đất, Tựu bất ngờ lên tiếng: "Tôi đã giết vợ". Bên dưới lớp đất là một bao tải nhét thi thể của Kim. Qua khám nghiệm, nạn nhân tử vong do bị đâm vào ngực, lưng khiến gan bị vỡ.
Tựu và Kim đã chung sống hơn 20 năm, có hai con, một trai một gái. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, hai đứa trẻ bỏ học từ sớm để đi làm thuê ở địa phương khác. Trong mắt dân làng, Tựu và Kim sống hạnh phúc, đôi khi cãi vã nhưng không có xung đột lớn. Biết chuyện Tựu giết vợ, người xung quanh đều thấy khó tin.
Sau khi nhận tội, Tựu khai khoảng 23h ngày 27/2, Kim tan làm về nhà và muốn gần gũi với chồng. Tựu từ chối với lý do đang bực bội, không có tâm trạng. Kim tiếp tục quấn lấy, bị Tựu gắt lên: "Cô còn như thế thì tôi giết cô luôn". Nghĩ chồng chỉ nói đùa, Kim vẫn đòi thân mật, không ngờ Tựu đứng dậy đi lấy dao mổ lợn - vật gia truyền được bố Tựu, từng là đồ tể, để lại.
Tựu nói cảm thấy số phận bất công, bản thân là kẻ thất bại nghèo khổ, bị vợ bắt nạt. Hắn tức giận đổ hết lỗi lên đầu vợ qua những nhát dao.
Tựu định tự sát luôn. Nhưng sau khi vô tình bị dao cắt vào tay, hắn thấy đau quá nên không dám.
Tựu giấu dao vào tủ, nghĩ ra cách chôn xác ngay trong nhà vì hắn chỉ sống một mình, bình thường không có ai đến chơi. Sau khi dọn dẹp hiện trường, phi tang xác, hắn mang bộ quần áo và chăn đệm dính máu ra ngoài nhà đốt.
Theo lời khai, hắn nhất thời tức giận sát hại khi cô liên tục đòi thân mật. Nhưng cảnh sát cho rằng động cơ giết người thực sự của hắn không đơn giản như vậy.
Tựu và Kim kết hôn năm 1991, khi mới 15 tuổi và 14 tuổi. Kim sinh con gái vào năm 1993 và có thêm con trai một năm sau đó. Mới 17 tuổi, Tựu phải chăm sóc hai đứa trẻ, đủ loại chi phí khiến cuộc sống gia đình vốn không giàu có lại càng thêm khó khăn.
Muốn kiếm tiền nhanh, Tựu bắt đầu đánh bạc và mắc nợ rất nhiều. Năm 2007, Tựu đi tù vì thông đồng với người khác bán tiền giả. Sau khi mãn hạn tù, Tựu trở về, không đi làm nữa, ngày ngày sang nhà hàng xóm tán gẫu, uống trà, hoàn toàn dựa vào vợ nuôi.
Ngoài chi tiêu trong gia đình, Kim còn phải gánh khoản nợ cờ bạc trước đó nhưng vẫn không bỏ rơi Tựu. Ngày thường, Kim đi làm trong nhà máy, cuối tuần lại về nhà làm ruộng. Dân làng đều khen ngợi Kim đảm đang, tháo vát, cho rằng lấy được một người vợ như Kim là phúc của Tựu.
Nhưng trong mắt Tựu, sự tháo vát của vợ là một sự châm biếm, làm tổn thương lòng tự trọng của người đàn ông như hắn. Tựu cảm thấy mình là kẻ vô dụng, ăn bám vợ, nhưng hắn lại không có bản lĩnh thay đổi nên dần trở nên đa nghi, tự ti.
Sau khi vào tù, Tựu nói: "Tôi không làm được việc gì, phải dựa vào vợ nuôi. Theo lẽ thường phải là tôi nuôi vợ mới đúng, ngược lại khiến tôi khó chịu trong lòng".
Cả ngày không có việc gì làm, Tựu bắt đầu suy nghĩ lung tung, càng nghĩ càng thấy áp lực, muốn thể hiện "quyền lực" bằng cách đánh đập, mắng mỏ vợ để trút bực dọc, không muốn thân mật với vợ.
Ngoài ra, thời gian đó, nhà máy của Kim phải tăng ca vì số lượng đơn hàng lớn nên cuối tuần không về nhà được, Tựu hoài nghi vợ có tình nhân, coi thường chồng. Vì vậy, khi vợ đòi quan hệ, cảm xúc kìm nén bấy lâu của Tựu bùng phát, không muốn tiếp tục sống như vậy nữa.
Sau án mạng, hai con của Tựu và Kim vội vàng chạy về nhưng bị người xung quanh chỉ trỏ, không dám ra ngoài. Cả hai đều hận bố vì đã hủy hoại cả gia đình, phá hủy tương lai của họ, mong Tựu không bao giờ được thả tự do.
Tuệ Anh (Theo Sina, 163)
Xem thêm: lmth.6424744-ov-mab-na-gnohc-ag-auc-ca-iot/ten.sserpxenv