Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Kon Tum) nêu thực trạng bất cập trong thủ tục cho các lô hàng tài trợ, hỗ trợ phòng chống dịch ngày 25-5 - Ảnh: N.AN
Những vụ việc xe tặng cho, hàng cứu trợ bị ách tắc, vướng mắc về cơ chế phải nằm kho nhiều tháng liền trong mùa dịch khẩn cấp, mãi cho đến khi các đại biểu ta thán tại kỳ họp Quốc hội mới được giải quyết cho thấy sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan quản lý hành chính, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân, xã hội.
Mới đây trong phiên chất vấn bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) nêu vừa qua trong đại dịch COVID-19, TP.HCM tiếp nhận rất nhiều xe cứu thương nhập từ nước ngoài.
Thời điểm đó TP.HCM có đề xuất các bộ, ngành liên quan về việc miễn, giảm thuế đối với xe cấp cứu, tuy nhiên vẫn không được đồng ý.
Có doanh nghiệp tặng xe cứu thương gần 5 tỉ đồng, phải nộp thuế hơn 600 triệu đồng. Ngay sau đó Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận quy định này chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là trong điều kiện cấp bách chống dịch COVID-19 và sẽ tiếp thu để sửa đổi các quy định cho phù hợp.
Cũng mới kỳ họp trước, chính bà Châu cũng bức xúc đưa ra trước Quốc hội chuyện một lô hàng với 22.000 lon sữa, do bà con ở Úc ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch tại TP.HCM, về nước đã một tháng nhưng không lấy ra được do các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm. Sau những phản ứng mạnh mẽ, những lô sữa mới được rời kho.
Rồi mới đây, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Kon Tum) tiếp tục phản ảnh việc một lô hàng tài trợ chống dịch mắc kẹt 6 tháng vì thủ tục, đến nay vẫn nằm trong kho. Nguyên nhân cũng chính bởi sự đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các cơ quan. Liên hệ với vụ việc của bà Châu trước đó, bà Ánh phải than thở: "Tưởng sự việc xong, các bộ ngành liên quan rút kinh nghiệm, ai ngờ...".
Những vụ việc ách tắc, chậm trễ do sự đùn đẩy trách nhiệm, cứng nhắc trong áp dụng quy định pháp luật của cơ quan chức năng như bà Châu và bà Ánh đưa ra không hiếm. Chỉ khác là hai đại biểu có kênh Quốc hội để lên tiếng, rất có thể còn nhiều doanh nghiệp, người dân khó có kênh để "kêu cứu", không biết kêu ở đâu.
Vấn đề đặt ra là tại sao hành lang pháp lý, quy định đầy đủ nhưng cứ đụng chuyện là rất nhiều cơ quan nói thiếu quy định, đùn đẩy trách nhiệm qua nơi khác, việc giải quyết cũng rối rắm, nhiêu khê? Đây chỉ có thể là sự phản ứng cứng nhắc, sợ trách nhiệm của những cơ quan, cá nhân có quyền thực thi công vụ.
Và điều đáng nói nữa là sau những sự vụ được phản ảnh, cũng không thấy cá nhân hay cơ quan nào bị xem xét trách nhiệm. Do đó cũng không loại trừ khả năng còn những lô hàng khác vẫn có thể nằm kho hàng tháng vì "thiếu thủ tục".
Hôm qua 10-6, thảo luận về các dự án cao tốc, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) có phát biểu: "Chúng ta cần những con đường cao tốc trong giao thông vận tải, nhưng chúng ta cũng rất cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính để có thể khơi thông những điểm nghẽn, không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn về thể chế, về chính sách, về thủ tục hành chính cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước".
Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu cần sự đổi mới trong tư duy, cách tiếp cận, cách làm để có sự đột phá về hạ tầng trong nhiệm kỳ này.
Sự đổi mới tư duy, linh hoạt cách giải quyết, khơi thông tắc nghẽn về thủ tục hành chính cần phải lan rộng trong tất cả các lĩnh vực, chứ không riêng ngành giao thông vận tải. Chúng ta cần những "cao tốc" trong tư duy và khơi thông sự trì trệ thì mới có thể có những đường cao tốc nói riêng hay sự phát triển nói chung.
TTO - Liên quan tới lô khẩu trang viện trợ 6 tháng chưa được thông quan, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 26-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã yêu cầu Tổng cục Hải quan cứ xuất hàng, giấy tờ tính sau.
Xem thêm: mth.76324723201602202-hnihc-hnah-cut-uht-cot-oac-gnuhn-nac/nv.ertiout