4 phiên họp toàn thể nổi bật tại Đối thoại Shangri-La - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: T.ĐẠT
Giữa bức tranh địa chính trị nhiều biến động, Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á Shangri-La được kỳ vọng giới thiệu phương án hợp tác mới và tạo đà cho tương lai trong khu vực.
Hướng hợp tác tiếp theo của Mỹ
Trọng tâm trong bài phát biểu của ông Austin xoay quanh những bước đi tiếp theo của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - tài liệu đã được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hồi tháng 2 năm nay.
Theo lời một quan chức cấp cao trong Lầu Năm Góc, một trong các thông điệp quan trọng ở Đối thoại Shangri-La năm nay là cam kết của Mỹ về việc cùng các đối tác thúc đẩy tầm nhìn chung cho khu vực, trong đó có Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước trong đối thoại "bộ tứ" QUAD (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc), và các nước khác trong Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đây là lần thứ tư ông Austin đến châu Á trên cương vị bộ trưởng quốc phòng. Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị an ninh tầm cỡ như Đối thoại Shangri-La vào thời điểm này nhận được sự quan tâm lớn trong bối cảnh địa chính trị quốc tế đang có nhiều biến động.
Tại Biển Đông, Trung Quốc có dấu hiệu quyết đoán hơn, mới nhất là sự kiện chặn máy bay Úc tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong khi đó, các nước châu Âu có nhiều lý do để tập trung vào hướng hợp tác mới của Mỹ trong bối cảnh họ vừa thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vừa lo lắng tình hình Nga - Ukraine.
Vấn đề khác cũng nhận sự quan tâm đặc biệt từ giới quan sát là quan điểm của Mỹ và Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan hiện nay. Ngoài ra, một chi tiết ngày càng thu hút sự chú ý là câu chuyện tầm ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng ở Nam Thái Bình Dương.
TS Satoru Nagao (Viện Hudson, Mỹ) cho biết những diễn biến mới hiện nay khiến Mỹ cần phải giải thích về các nước đi tiếp theo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Greg Poling - giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở Washington, Mỹ) - cho rằng một trong những điểm chính Bộ trưởng Austin muốn thảo luận là khái niệm răn đe tích hợp.
Ngoài đa dạng hóa lĩnh vực và công cụ răn đe, khái niệm này bao gồm sự hợp tác gần gũi hơn với mạng lưới các đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng như các nhóm đa phương như QUAD hay thỏa thuận quốc phòng AUKUS (Mỹ, Anh, Úc).
"Các nỗ lực này đều nhằm tăng cường răn đe, cung cấp hàng hóa công và định hình môi trường khu vực xung quanh Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc", ông Poling nói.
Hình thức hợp tác mới
Với áp lực kinh tế từ COVID-19, sự gián đoạn của Đối thoại Shangri-La sau hai năm, các chính quyền mới sau bầu cử (Nhật, Úc, Hàn Quốc...), cùng những biến động địa chính trị, có nhiều lý do để các nước thảo luận về những thay đổi trong hình thức hợp tác để ứng phó. Đây cũng là nội dung chính trong buổi làm việc chiều 11-6.
Hợp tác kinh tế vẫn đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện quân sự. Điều này giải thích vì sao các sáng kiến mới như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) nhận được sự quan tâm.
"Không có ngân sách lớn, Trung Quốc không thể hiện đại hóa quân sự. Đó là lý do vấn đề quân sự liên quan chặt chẽ tới kinh tế. Mỹ cần tạo ra những thị trường thay thế Trung Quốc. Để làm điều này, IPEF là giải pháp mới. Sáng kiến này không có Trung Quốc, nhưng bao gồm QUAD. Đặc biệt, điểm then chốt là nó bao gồm Mỹ và Ấn Độ. Mỹ sẽ thể hiện sự lãnh đạo, còn Ấn Độ cung cấp một thị trường lớn. Đây là dạng kết hợp giữa quân sự và kinh tế" - TS Nagao, chuyên gia về hợp tác Mỹ, Nhật và Ấn Độ, nói với Tuổi Trẻ.
Cũng theo ông Nagao, một điểm "mới" khác có thể kỳ vọng là cách thức hỗ trợ quân sự, trong đó ba bước hỗ trợ Mỹ dành cho Ukraine thời gian qua có thể là ví dụ.
Giới quan sát tuy vậy đa phần nhận xét các bên sẽ tập trung cho hợp tác, tránh đối đầu. Thực tế Bộ trưởng Austin dự kiến cũng có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
"Bộ trưởng Austin đã nhất quán về tầm quan trọng trong cơ chế quản lý xung đột nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột Mỹ - Trung. Ông sẽ có những thông điệp mạnh mẽ về cam kết giúp Đài Loan tự vệ và giúp khu vực bảo vệ tự do trên biển... Nhưng ông ấy cũng nhiều khả năng thúc giục ông Ngụy cam kết những nỗ lực tránh đưa cạnh tranh thành xung đột", chuyên gia Greg Poling nhận định.
Nhật Bản "sẽ chủ động hơn bao giờ hết"
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 10-6 - Ảnh: EPA-EFE
Trong bài phát biểu chính tại Đối thoại Shangri-La tối 10-6, Thủ tướng Kishida Fumio trình bày quan điểm của Nhật Bản về các diễn biến quốc tế cũng như tầm nhìn về giải pháp tìm kiếm hòa bình.
Ông Kishida khẳng định Nhật Bản sẽ chủ động hơn bao giờ hết đối với các vấn đề an ninh trong khu vực, bao gồm thúc đẩy hợp tác và năng lực thực thi pháp luật trên biển, ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đây cũng là những điểm quan trọng trong kế hoạch "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở vì hòa bình" mà ông sẽ công bố vào đầu năm 2023.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Kishida nhiều lần nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, mối quan hệ hợp tác ASEAN - Nhật Bản và khẳng định ủng hộ tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. "Nhật Bản ủng hộ sự phát triển của Đông Nam Á... và tôi muốn tiếp tục tay trong tay với lãnh đạo các nước ASEAN để thảo luận sâu hơn nữa về việc đảm bảo thịnh vượng trong khu vực", ông nói.
TTO - Trước thềm Đối thoại Shangri-La lần 19, khai mạc tối nay 10-6 tại Singapore, cả phía Mỹ lẫn Trung Quốc đều có những phát ngôn đáng chú ý. Bên cạnh đó, Tổng thống Ukraine Zelensky dự kiến sẽ phát biểu trực tuyến.
Xem thêm: mth.18563547011602202-iom-irt-hnihc-aid-hnac-iob-gnort-al-irgnahs-iaoht-iod/nv.ertiout