Bà Nguyễn Thị Bích Hậu (thứ 2 từ phải) đang nêu ý kiến về khuyến đọc cho trẻ - Ảnh: L. ĐIỀN
Khách mời gồm các chuyên gia gặp nhau ở tâm huyết và từng có nhiều hoạt động để xây dựng thói quen đọc, từ gia đình ra đến cộng đồng: Ông Lê Hoàng; các tác giả Nguyễn Thị Bích Hậu, Nguyễn Quốc Vương, Hoàng Anh Đức; và chuyên gia Khiêm Nguyễn kiêm vai trò MC.
Để có cộng đồng đọc sâu hơn
Từ phía NXB Phụ Nữ, bà Khúc Thị Hoa Phượng - giám đốc NXB - cho biết một trong những theo đuổi xuyên suốt của Nhà xuất bản là công tác khuyến đọc. "Chúng tôi muốn xây dựng các đầu sách thành các gói combo khuyến đọc, vừa hướng dẫn đọc vừa xây dựng tủ sách gia đình và xây dựng cộng đồng đọc. Hy vọng sẽ có những cộng đồng đọc sâu hơn chứ không chỉ là những không gian đọc chung chung", bà Hoa Phượng chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Vương, từ thực tế các năm du học Nhật Bản, chia sẻ sự "nhận ra" của mình khi nhìn thấy sinh viên Nhật đọc nhiều, viết nhiều, còn người Việt Nam thì mơ ước nhiều. "Mơ ước nhiều nhưng không đọc sách, không học để thực hiện ước mơ", đó là cái dở của người Việt mà ông Vương thẳng thắn chỉ ra tại tọa đàm.
Còn tác giả Nguyễn Thị Bích Hậu cho rằng ngay cả với những gia đình có thói quen đọc từ cha mẹ đến con cái như gia đình bà, việc nâng chất lượng đọc trong gia đình lên vẫn là do giáo dục.
Bà Hậu nêu trường hợp hai người con bà sang học ở Úc và Mỹ, chính vì yêu cầu của thầy giáo ở trường, bằng các chuyên đề cụ thể như "tại sao Mỹ thua ở chiến tranh Việt Nam" buộc một học sinh 14-15 tuổi phải đọc sách giấy ở thư viện để hoàn thành bài tập.
Ông Hoàng Anh Đức lưu ý việc đọc phải được diễn ra tự nhiên, do vậy cần thiết lập môi trường, trong nhà phải có không gian sách xung quanh trẻ.
Đọc sách trong giáo dục nên như "Khoán 10"
Ông Lê Hoàng đang nêu ý kiến cần có chính sách như Khoán 10 trong nông nghiệp để cải thiện thói quen đọc - Ảnh: L. ĐIỀN
Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM - dẫn lại con số 1,4 bản sách/ người/ năm của Việt Nam kéo dài suốt 10 năm nay để nói lên thực tại dân ta còn đọc ít quá.
Ông Lê Hoàng cho rằng thực trạng này có lý do từ việc người Việt chưa có thói quen đọc sách - điều cần phải được xây dựng từ tuổi nhỏ, lặp đi lặp lại trong một thời gian đủ dài.
Từ suy nghĩ đó, ông giới thiệu "Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học" theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục ban hành.
"Đây là một kênh giúp các phụ huynh chọn sách cho con và xây dựng tủ sách gia đình. Trước mắt là các sách giúp trẻ phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực như chương trình của Bộ Giáo dục, cũng chính là kỳ vọng của các phụ huynh: phát triển tri thức và hoàn thiện nhân cách cho con em", ông Lê Hoàng khẳng định.
Dù vậy, ông Lê Hoàng dẫn chứng trường hợp từ Malaysia đã cải thiện tình trạng đọc mỗi năm từ 2 bản sách/ người hồi năm 2002 và đến năm 2019 đã đạt 15 bản sách/ người. "Giải pháp vẫn là thay đổi từ trong trường học", ông Lê Hoàng cho biết đã tìm hiểu về thực tế này.
Ông nêu thêm một trường hợp từ Hàn Quốc - quốc gia có quy định cha mẹ phải đọc sách cùng con mỗi tuần tối thiểu ba ngày, mỗi ngày tối thiểu 30 phút. "Họ đã luật hóa việc này. Tôi nghĩ Việt Nam mình cũng phải luật hoá việc đó, vì sự tốt đẹp cho người dân", ông Lê Hoàng nêu ý kiến.
Từ phía khán giả, kỹ sư Đỗ Thái Bình góp ý rằng chúng ta nên nêu cao tinh thần khuyến khích con trẻ "đọc sách để làm người tử tế, để làm nghề và sống tốt".
TTO - Trong một chương trình tọa đàm diễn ra tại Đại học Hoa Sen hôm 13-5, nhiều câu hỏi được đặt ra về chuyện tại sao học sinh chưa có thói quen đọc sách. Những lời hỏi - đáp dần xoáy sâu vào chuyện dạy văn, học văn trong nhà trường.
Xem thêm: mth.6783143111602202-om-cou-tad-ed-coh-gnohk-cod-gnohk-am-cou-om-ihc-ert-teiv-iougn/nv.ertiout