Bạn đã từng đặt những kiểu câu hỏi này với các con: "Nếu con đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra cuối kỳ, cha/mẹ sẽ thưởng tiền", "Nếu đỗ kỳ thi tới, con sẽ được thưởng chiếc váy mới",… Nhiều bậc cha mẹ thường dùng phần thưởng vật chất để tạo động lực học tập cho trẻ.
Họ hy vọng với phương pháp này, con sẽ cảm thấy hứng thú, từ đó nỗ lực phấn đấu hơn. Nhưng thật ra đây chẳng khác nào "liều thuốc độc" huỷ hoại con.
Ông Edward L. Deci – Giáo sư Tâm lý học
Ông Edward L. Deci – Giáo sư Tâm lý học về Khoa học xã hội, đồng thời là Giám đốc chương trình động lực con người của trường Đại học Rochester (Mỹ) đã chia sẻ một câu chuyện vô cùng thấm thía như sau:
Nhóm trẻ nọ thường chơi đùa gây ồn ào trước cửa nhà một cụ già. Điều này khiến cụ cảm thấy bực bội, khó chịu. Cụ liền nói với nhóm trẻ: "Ông cảm thấy bị làm phiền, ông cho mỗi cháu 10 xu với một điều kiện là hãy để ông nghỉ ngơi". Đám trẻ sung sướng nhận tiền và hôm sau lại tới trước cửa nhà nô đùa. Ông cụ bực tức nhưng vẫn rút tiền ra: "Thu nhập của ông thấp, lần này ông chỉ có thể cho các cháu 5 xu, mong các cháy đừng làm phiền ông nữa".
Lũ trẻ không nghe lời, mấy ngày sau lại kéo nhau tới và lần này chỉ nhận được 1 xu. Lũ trẻ cáu kỉnh nói: "Một xu ít quá, ông là người hẹp hòi" rồi bỏ đi. Ông cụ quả là người tinh tế, đã dùng biện pháp "giao dịch" để khiến những đứa trẻ quấy rối cảm thấy thất vọng khi không còn nhận được số tiền như ban đầu.
Các bậc cha mẹ thường giao điều kiện với con giống như ông cụ trong câu chuyện. Những đứa trẻ bị thao túng bởi phần thưởng thường khó có động lực. Khi phần thưởng không còn, trẻ sẽ mất đi hứng thú, cảm thấy chán nản và thất vọng. Không thể phủ nhận rằng khuyến khích bằng phần thưởng vật chất sẽ khiến trẻ thay đổi trong thời gian ngắn và đem lại kết quả ngay lập tức. Nhưng nếu quan sát kỹ, cha mẹ sẽ nhận ra đây là cách nuôi dạy con không khoa học.
"Phần thưởng chỉ mang lại sự bùng nổ ngắn hạn nhưng tác dụng của nó sẽ nhanh chóng mất đi. Tệ hại hơn, nó làm giảm động lực dài hạn trong những kế hoạch mà chúng ta đang thực hiện", ông Edward L. Deci nhấn mạnh.
Nuôi dạy con cái theo kiểu "giao dịch" là cách nhiều phụ huynh đang áp dụng. Đừng ảo tưởng việc sử dụng phần thưởng sẽ khiến trẻ đạt mục tiêu cao. Đến một thời điểm nào đó, phương pháp này sẽ bộc lộ hạn chế, huỷ hoại tương lai trẻ. Khi không thể thương lượng bằng vật chất, trẻ sẽ trượt dài trong thất bại, khó đứng lên để tiếp tục chinh phục thử thách. Bên cạnh đó, trẻ còn hình thành tâm lý chống đối, thường cãi lời cha mẹ.
Cha mẹ cần nắm rõ nguyên tắc khen thưởng để việc nuôi dạy con trở nên hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Hãy khen thưởng đúng cách, khoa học để giúp con phát triển lợi thế bản thân. Tránh khen thưởng "kiểu giao dịch" gây phản tác dụng. Dưới đây là những lưu ý khi cha mẹ khen thưởng cho con:
- Khi làm được việc tốt, trẻ muốn được công nhận. Hãy khen ngợi và động viên con dù là hành động nhỏ nhất như: Con biết nói lời cảm ơn và xin lỗi, biết làm việc nhà, biết vệ sinh cá nhân, hoàn thành bài tập,…
- Lời khen được thực hiện ngay tại chỗ và cha mẹ cần khuyến khích những người xung quanh (nếu có) dành lời động viên tới trẻ. Lúc này, trẻ sẽ cảm thấy tự hào và vui giống như việc nhận được món quà. Không cần thổi phồng quá mức thành tích của con, làm như vậy sẽ khiến lời khen của cha mẹ sau này mất đi tác dụng. Hậu quả là trẻ trở nên tự cao, kiêu căng.
- Phần thưởng cho những cố gắng của con nên là cái mà trẻ muốn, chứ không phải cái trẻ cần. Không thưởng cho con dựa trên hành động mà dựa trên kết quả như: "Con làm xong bài tập sẽ được chơi thêm nửa giờ nữa", "Con thi tốt thì hè sẽ được đi du lịch",…
- Không nên thưởng con vô tội vạ. Nếu làm việc gì cũng được khen tấm tắc và tặng quà, trẻ sẽ nhàm chán và tỏ ra thờ ơ. Đồng thời trẻ sẽ có xu hướng "leo thang" đòi mua thêm những thứ mà trẻ thích.
- Tuyệt đối không "mua chuộc" con bằng tiền. Việc "thưởng nóng" ngầm tác động đến mục tiêu học tập của trẻ là vì tiền thưởng. Trẻ có nguy cơ mất dần động cơ phấn đấu khi không nhận được món tiền như ý muốn, hoặc tiến tới ra điều kiện với cha mẹ: "Nếu không mua cho con cái này, con sẽ không làm cái kia".
theo Ứng Hà Chi
Phụ nữ Việt Nam