Start-up Thông Hiệp, nhà sáng lập và điều hành thương hiệu giày Shondo (giữa) trình bày kế hoạch kinh doanh tại Shark Tank mùa 5 tập 2
Điều thú vị trong tập này là có dự án Shark Hùng Anh là người được chọn bởi thích nhân sinh quan của ông, người lại được ông chọn bởi thích ý chí nghị lực của start-up.
Start-up chọn nhà đầu tư vì nhân sinh quan của Shark
Người xuất hiện đầu tiên là Thông Hiệp - nhà sáng lập và điều hành Shondo - thương hiệu giày sandal dành cho giới trẻ.
Đến chương trình để kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần, start-up của Shondo đưa ra lý do thuyết phục các Shark là: mẫu mã đẹp, tự sản xuất và thiết kế, thị trường giày dép ở Việt Nam tiềm năng và Shondo đã bán được hơn 1 triệu đôi giày và hiện đang có 20 cửa hàng, 2 nhà máy sản xuất và hàng trăm đại lý bán hàng trên toàn quốc.
Thông Hiệp muốn mở thêm nhiều cửa hàng khắp cả nước. Còn về tài chính, anh đã đầu tư khoảng 3 tỉ vào Shondo, tổng tài sản hiện khoảng 30 - 40 tỉ đồng. Năm 2021 dù chỉ bán được 4 tháng nhưng doanh thu vẫn đạt khoảng 60 tỉ đồng.
Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 23 tỉ đồng cho 45% Shondo.
Shark Phú đề nghị đầu tư 23 tỉ đồng với giá trị công ty là lợi nhuận bình quân 2 năm gần đây nhân với 15 lần. Ông cho biết có thể giúp cho Shondo nền tảng cơ bản để quản trị doanh nghiệp và đưa doanh nghiệp lên nghìn tỉ đồng.
Còn Shark Bình cho rằng ông có thể giúp start-up chiến lược kinh doanh và tổ chức bán hàng online với hệ thống thương mại điện tử có sẵn ở khắp Đông Nam Á. Shark Bình đề nghị đầu tư 23 tỉ đồng đổi lấy 35% cổ phần của Shondo.
Trước sự cạnh tranh với Shark Phú và Shark Bình, Shark Hùng Anh thay đổi đề nghị đầu tư, ông đưa ra con số 23 tỉ đồng để sở hữu 30% cổ phần của Shondo và thuyết phục: "Anh kinh doanh quốc tế, anh sẽ đưa sản phẩm của em ra thị trường nước ngoài. Anh có nhiều chi nhánh ở Mỹ, Âu, Singapore và Hong Kong rồi".
Trước những lời mời hấp dẫn, Thông Hiệp bảo mình muốn lắng nghe nhân sinh quan của các Shark trước khi chọn nhà đầu tư.
Lần lượt các Shark đã có những chia sẻ hết sức chân tình với start-up 9X.
Và cuối cùng, Thông Hiệp quyết định chốt deal 23 tỉ đồng cho 30% cổ phần với chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation bởi nhân sinh quan của ông: "Anh nhìn vào doanh nghiệp anh không nhìn hoàn toàn vào sản phẩm đâu mà nhìn vào lãnh đạo, con người. Anh nhìn em anh thấy có vị trí đó. Mình phải có niềm tin vào những điều mình đã làm.
Anh quyết định đầu tư để cho em làm chứ không phải can thiệp quá sâu vào công việc của em. Anh sẽ là người đồng hành với em để trao đổi những gì khó khăn và sẽ hỗ trợ mức tối đa cho em".
Shark Quảng Nam Lê Hùng Anh bắt tay chốt deal 23 tỉ cho 30% cổ phần với Shondo của start-up Trần Phạm Thông Hiệp
Được đầu tư bởi vì "Thích ý chí của bạn"
Trong khi đó, start-up 9X Đoàn Hồng Trung - nhà sáng lập, điều hành Công ty cổ phần công nghệ IMWI, chuyên về robot và trí tuệ nhân tạo - là start-up cuối trong tập 2. Anh đến Shark Tank để kêu gọi đầu tư với hai phương án là 300.000 USD cho 5% cổ phần và 1,5 triệu USD cho 20% cổ phần.
Hồng Trung giới thiệu sản phẩm đầu tiên của công ty là cánh tay robot Delta X. Đây là cánh tay robot ứng dụng trong dây chuyền sản xuất công nghiệp, thường được ứng dụng gắp thả sản phẩm.
Nói về bức tranh tài chính, doanh thu năm 2021 của IMWI là 4,1 tỉ đồng với lợi nhuận gộp khoảng 3,2 tỉ, lợi nhuận ròng 1,5 tỉ. Start-up tự tin rằng khi gọi được vốn, có khả năng sản xuất hàng loạt, đưa chứng chỉ vào robot thì sản phẩm có thể bán được 3.000 đơn vị trong 1 - 2 năm sau.
Shark Quảng Nam Hùng Anh rất đồng cảm với tấm lòng của start-up Hồng Trung dành cho quê hương Đà Nẵng
Trong 2 năm qua, Delta X Robot có khách hàng đến từ nhiều nước trên thế giới.
"Suốt 2 năm qua, bọn em nhận được rất nhiều lời đề nghị xây dựng nhà máy ở châu Âu, Ấn Độ và Canada nhưng bọn em từ chối vì muốn làm điều đó ở Việt Nam", Hồng Trung cho biết.
Shark Phú đưa ra đề nghị ông sẽ lo toàn bộ nguyên liệu, vật tư, nhà máy, còn Hồng Trung lo thiết kế, chế tạo, bán hàng. Lợi nhuận sẽ chia theo tỉ lệ nhất định.
Tuy nhiên, Hồng Trung từ chối đề nghị của Shark Phú. Anh cho biết muốn đặt nhà máy ở Đà Nẵng bởi: "Mục đích em làm là để tạo công ăn việc làm chứ không phải chỉ để tạo lợi nhuận cho riêng mình".
Cuối cùng cả Shark Bình, Shark Liên, Shark Hưng, Shark Phú từ chối đầu tư.
Riêng Shark Hùng Anh dù khẳng định đây là "phi vụ đầu tư mạo hiểm" nhưng đồng ý đầu tư bởi lý do đơn giản là: "Thích ý chí của bạn".
Shark Hùng Anh chia sẻ với Hồng Trung: "Mình muốn hỗ trợ bạn trong vấn đề về điều hành. Mình thấy bạn chỉ đam mê về kỹ thuật chứ chưa có khả năng về điều hành, chưa có khả năng ra mắt một business doanh nghiệp hoàn chỉnh quy mô bán ra được nước ngoài".
Và ông đề nghị đầu tư cho Hồng Trung 10 tỉ đồng đổi lấy 35% cổ phần và 35 % lợi nhuận.
Sau một thời gian thỏa thuận thì cuối cùng cả hai đồng ý Shark Hùng Anh giữ 35% cổ phần và 35% lợi nhuận cho đến khi Hồng Trung có thể nâng vốn để Shark giảm tỉ lệ xuống còn 15% cổ phần.
Shark Tank mùa 5 tập 2 còn có deal VMeta - sàn phát hành NFT (Non-fungible token - tài sản không thể thay thế) để bảo vệ bản quyền và lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới của hai nhà đồng sáng lập Nguyễn Lê Vương và Trương Thành Đạt được Shark Liên đầu tư 50.000 USD cho 5% giá trị công ty.
Riêng Denise Sandquist (tên tiếng Việt là Trần Thanh Hương) - nhà điều hành và đồng sáng lập FIKA một trí tuệ nhân tạo (AI), mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò. Khi định giá doanh nghiệp lên đến 147 triệu USD nhưng chưa có doanh thu, Founder ứng dụng FIKA đành ra về tay trắng.
Tập mở đầu cho Shark Tank mùa 5 khá sôi nổi với màn 'đấu giá' giữa Shark Quảng Nam Lê Hùng Anh và Shark Phạm Thành Hưng giành quyền thương lượng deal Jungle Boss - gọi vốn cho dự án du lịch mạo hiểm khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Xem thêm: mth.24814939121602202-rt-tahc-mad-na-ud-2-ac-gnaht-hna-gnuh-krahs-2-pat-5-knat-krahs/nv.ertiout