Sau khi giảm gần 2%, giá dầu WTI của Mỹ giao dịch trên ngưỡng 118 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu dưới ngưỡng 120 USD/thùng.
(Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Giá dầu giảm còn do nhu cầu giảm từ Trung Quốc bởi những diễn biến mới của COVID-19. Thành phố Thượng Hải với 26 triệu dân và thủ đô Bắc Kinh lại rơi vào tình trạng báo động về các ca COVID-19 sau khi mới mở cửa trở lại.
Tại Thượng Hải, hàng triệu cư dân thành phố được xét nghiệm COVID-19; các hạn chế phong tỏa mới được áp đặt tại nhiều nơi trong thành phố.
Đà “mất giá” của dầu thô Brent và WTI còn được hỗ trợ bởi thông tin lạm phát của Mỹ trong tháng 5 đạt mức cao nhất hằng năm hơn 4 thập kỷ qua do giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên 8,6% vào tháng trước, cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.
Theo hãng tin Reuters, các công ty dầu mỏ và người lao động ở Na Uy đã thống nhất về nguyên tắc một thỏa thuận tiền lương mới, tránh để xảy ra một cuộc đình công tại 9 mỏ ảnh hưởng đến sản lượng dầu khai thác.
Tuần trước, dầu thô WTI tăng 1,5% lên 120,7 USD/thùng, còn dầu Brent tăng gần 2% lên 122 USD/thùng. Dù đà tăng của cả hai mặt hàng được duy trì tuần thứ 3 liên tiếp, nhưng diễn biến giá vẫn cho thấy sự giằng co trước những tác động của nhiều tin tức trái chiều và lập tức lao dốc mạnh ngay đầu tuần này.
Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của Nga sẽ giảm mạnh từ mức 11,3 triệu thùng/ngày còn 9,3 triệu thùng/ngày trong cuối năm nay, do ảnh hưởng của các lệnh cấm vận.
Vì vậy, việc có thêm có thêm hơn 200.000 thùng từ OPEC+ trong hai tháng 7 và 8 sắp tới khó có thể bù đắp khoảng trống 2 triệu thùng mà Nga để lại.
Mỹ, nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, hiện nay cũng phải đối mặt với vấn đề tồn kho dầu đang thấp hơn 11% so với mức trung bình 5 năm gần nhất.
Trong khi đó, theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ chỉ tăng thêm 6 giàn lên mức 733 giàn trong tuần vừa qua, phản ánh rõ sự khó khăn trong việc gia tăng sản lượng.
Ngoài ra, nguồn cung dầu bổ sung từ Iran cũng khó có thể quay lại trong năm nay, bởi việc nước này dỡ bỏ các thiết bị giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã trực tiếp khiến cho xác suất đàm phán thành công với Mỹ ngày một giảm.
VTV.vn - Giá dầu thế giới tăng hơn 2% lên mức cao nhất 13 tuần qua trong phiên 8/6.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.21805703131602202-hnam-maig-ioig-eht-uad-aig/et-hnik/nv.vtv