. Phóng viên: Vì sao TP HCM chọn tổ chức chương trình khuyến mại tập trung quy mô lớn ngay thời điểm giữa năm thay vì cuối năm như thông lệ, thưa ông?
Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG
- Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM: Đây là lần đầu tiên TP HCM tổ chức chương trình khuyến mại tập trung kéo dài 1 tháng vào giữa năm. Cuối năm sẽ có thêm 1 đợt khuyến mại tương tự được triển khai trên toàn thành phố.
Nhiều năm nay, TP HCM đã tổ chức chương trình khuyến mại tập trung như sự kiện định kỳ hằng năm nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Do đó, Sở Công Thương đã xây dựng và tham mưu UBND TP HCM ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình Khuyến mại tập trung giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu lâu dài, quyết tâm xây dựng thành công sự kiện lễ hội mua sắm, trở thành một thương hiệu về kích cầu mua sắm riêng có của TP.
Theo đó, mỗi năm TP sẽ tổ chức 2 đợt khuyến mại tập trung vào 15-6 đến 15-7 và 15-11 đến 15-12. Năm 2021, do vướng dịch Covid-19 nên không thể tổ chức chương trình đợt 1 mà chỉ tổ chức 1 đợt vào cuối năm. Năm nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, Sở Công Thương triển khai và các doanh nghiệp (DN) rất nhiệt tình tham gia với mong muốn kích thích sức mua của người dân; tạo cơ hội mua sắm với giá tốt cho người tiêu dùng.
. Theo ông, chương trình lần này đã đủ hấp dẫn để người tiêu dùng mở hầu bao trong bối cảnh giá cả nhiều loại hàng hóa đang tăng cao?
- Năm nay, TP không đứng ra tổ chức toàn bộ chương trình, vận động DN tham gia cùng TP mà xác định đây là cơ hội TP tạo ra nhằm tạo sự cộng hưởng, lan tỏa để hoạt động khuyến mại đạt hiệu quả cao nhất có thể. Nếu đăng ký khuyến mại riêng lẻ, DN chỉ có thể giảm giá đến 50% nhưng trong chương trình khuyến mại tập trung, DN có thể khuyến mại tối đa đến 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ. Đến thời điểm này, ban tổ chức ghi nhận nhiều DN lớn đã đăng ký tham gia chương trình, giảm giá đến 70%-80%, giá trị hàng hóa khuyến mại lên đến 100% (mua 1 tặng 1) với tổng giá trị hàng hóa khuyến mại từ vài tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng.
Với cách tiếp cận mới này, các DN đã có sự chuyển biến đáng kể so với những chương trình trước. Họ nhận thức là đang làm cho chính mình nên có sự chăm chút hơn, trách nhiệm hơn và đầu tư nguồn lực nhiều hơn. Đặc biệt, đối tượng tham gia chương trình lần này cũng đa dạng hơn vì ngoài các trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ còn có các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee, các DN sản xuất và tiểu thương hơn 200 chợ truyền thống tham gia khuyến mại. Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách… cũng sẽ góp mặt với các hoạt động khuyến mại đặc sắc.
Chương trình Khuyến mại tập trung đợt 1-2022 sẽ đồng loạt diễn ra tại nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống… tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
. Trong những lần khuyến mại trước, vẫn có hiện tượng khuyến mại hàng dỏm, hàng giả... ảnh hưởng xấu đến chương trình và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Lần này, ban tổ chức sẽ kiểm soát vấn đề đó như thế nào?
- Quan trọng nhất là sự tự giác của DN. Họ phải tự ý thức đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh, mở rộng thị phần cũng là điều kiện để DN xây dựng chiến lược lâu dài trong kinh doanh và được nhà nước hỗ trợ. Nếu trước đây với danh nghĩa TP tổ chức và kêu gọi DN hưởng ứng, tâm thế của một số DN là tranh thủ khai thác cơ hội, lợi ích ngắn hạn, nên họ thường bán hàng lỗi mốt, tồn kho…
Đặc biệt là những sản phẩm giá trị nhỏ, người tiêu dùng mua về có thể không vừa ý nhưng cũng bỏ qua, không muốn mất thời gian, công sức khiếu nại khiếu kiện nhưng vô tình lại làm mất lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng tới chương trình. Chưa kể là có tình trạng DN khuyến mại không đúng thực chất, nâng giá cao sau đó giảm giá xuống…
Với cách tiếp cận mới, các DN thấy rằng đây là công việc của chính họ, tự làm và tự chịu trách nhiệm với kết quả. DN sẽ tính toán lại và cân đối giữa lợi ích ngắn hạn với dài hạn để điều chỉnh hành vi. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng làm việc với từng chuỗi bán lẻ, từng hội ngành hàng - những đối tượng này hiểu rất rõ từng thành viên của mình để có hướng dẫn, cảnh báo, chấn chỉnh kịp thời, từ đó giúp việc kiểm tra, kiểm soát thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, công tác giám sát, kiểm soát lần này còn có sự tham gia tích cực của chính quyền các quận, huyện, TP Thủ Đức. Ngoài ra, sở cũng đề xuất có những bình chọn, chấm điểm của người tiêu dùng và có giải thưởng cho những đơn vị làm tốt.
. Liệu bấy nhiêu giải pháp đã đủ để xây dựng chương trình khuyến mại tập trung trở thành một "đặc sản" của TP HCM chưa?
- Để chương trình trở thành thương hiệu của TP HCM thì quan trọng nhất là khuyến mại phải thực chất: hàng hóa phải chất lượng, phong phú, đa dạng, mức khuyến mại đủ hấp dẫn, điều kiện mua sắm dễ dàng, thuận tiện... TP làm nhiệm vụ tạo sân chơi chung và triển khai các hoạt động hỗ trợ như cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh kết nối DN TP với vùng nguyên liệu, kết nối DN với ngân hàng, hỗ trợ DN liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị… nhằm giúp DN xây dựng thương hiệu và chinh phục người tiêu dùng.
Khi có hàng hóa tốt để tổ chức khuyến mại sâu sẽ kích thích được sức mua. Vấn đề còn lại là DN tận dụng như thế nào; tổ chức sản xuất hiệu quả, cắt giảm chi phí để giảm giá thành nhiều hơn, từ đó có thêm dư địa tăng tỉ lệ khuyến mại cao hơn. Nếu làm được như vậy, người tiêu dùng chắc chắn sẽ đón nhận nhiệt tình và các đợt mua sắm tập trung sẽ thật sự trở thành một lễ hội mua sắm thu hút khách hàng trong và ngoài nước.
Xem thêm: mth.98834341231602202-cos-maig-aig-iov-mas-aum-ioh-oc/et-hnik/nv.moc.dln