Trong nhiều năm, câu nói "Đừng chống lại Fed" chỉ mang một ý nghĩa đó là mua cổ phiếu. Giờ đây, nhiều nhà đầu tư "tay mơ" - vốn chưa từng đối mặt với lạm phát tăng nóng, đang nhận ra rằng câu nói trên cũng có một ý nghĩa khác.
Chao đảo trong nhiều tháng bởi những động thái mạnh tay của ông Jerome Powell - người đàn ông từng được nhà đầu tư coi là đồng minh trung thành nhất của họ, chỉ số S&P 500 đã kết thúc phiên 13/6 giảm 20% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 1. Theo đó, đà tăng giá kéo dài 2 năm được ghi nhận là mạnh mẽ chưa từng có nay đã kết thúc.
Việc Fed cuối cùng biến thành "kẻ phản diện" trong bộ phim mang tên "bán tháo" chính là liều thuốc đắng dành cho những nhà đầu tư cho rằng họ đã có thể nắm bắt được diễn biến thị trường. Một nền kinh tế tăng trưởng bùng nổ, dự báo lợi nhuận doanh nghiệp đầy khả quan và người tiêu dùng vẫn hào phóng vẫn không đủ để các nhà đầu tư giá lên vượt qua "cơn bão" lạm phát tăng nóng và những động thái kiểm soát của Fed.
Sự sụt giảm diễn ra trong thời gian qua cực kỳ căng thẳng đối với những nhà đầu tư từng được hỗ trợ bởi những đợt tung gói kích thích của chính phủ và nhóm nhà đầu tư online hô hào "mua vào". Đến cuối cùng, họ nhận ra rằng, đầu tư vẫn là một hoạt động rủi ro, đặc biệt là khi các NHTW thay đổi hướng đi.
Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần này, S&P 500 đã giảm 3,9% sau khi trải qua 9/10 tuần giao dịch tiêu cực liên tiếp. Russell 2000 theo dõi các chỉ số vốn hóa nhỏ cũng rơi vào thị trường giá xuống vào tháng 1, trong khi Nasdaq 100 có diễn biến tương tự vào 2 tháng sau đó.
Đà sụt giảm khiến ngày 3/1 là thời điểm chấm dứt quãng thời gian tăng giá chưa từng có đối với S&P 500. Trong khoảng thời gian này, chỉ số gồm 500 thành viên tăng 53% mỗi năm và là mức lớn nhất từ trước đến nay.
Bởi vậy, sự giàu có mà đà tăng này mang lại cho đến nay vẫn không bị lu mờ. Theo Bloomberg, nhà đầu tư nào may mắn "bắt đáy" ở thời kỳ đại dịch, vẫn ghi nhận tỷ suất sinh lời gần 30% mỗi năm, trong khi 3 và 5 năm qua là hơn 11%, dù trải qua đà bán tháo hôm 13/6.
Phần lớn đà tăng trong thời gian qua được thúc đẩy bởi Fed. NHTW Mỹ đã gấp rút "giải cứu" thị trường vào thời điểm tháng 3/2020, khi đại dịch khiến nền kinh tế chịu tác động lớn. Ngay sau đó, chính phủ cũng tung ra những đợt kích thích quy mô lớn, hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình, giúp thị trường tràn ngập tiền mặt cùng các chính sách tiền tệ được nới lỏng chưa từng thấy.
Với "tiền rẻ" và tâm lý "rảnh rỗi sinh nông nổi", nhiều người Mỹ đã chú ý đến thị trường chứng khoán và được cổ vũ bởi những người nổi tiếng trên mạng xã hội như Dave Portnoy - người khẳng định rằng cổ phiếu chỉ tăng giá. Cơn sốt đầu cơ của nhà đầu tư nhỏ lẻ lên đến đỉnh điểm vào tháng 1/2021, khi cổ phiếu vô danh GameStop bỗng tăng giá phi mã. Các day trader sau đó tiếp tục điên cuồng đổ tiền vào những cổ phiếu kỳ lạ khác và tạo ra một trong những giai đoạn đặc biệt nhất trong lịch sử thị trường.
Quincy Krosby - giám đốc chiến lược đầu tư cổ phiếu tại LPL Financial, cho biết: "Những nhà đầu tư bước chân vào thị trường ở thời kỳ đỉnh cao đã kiếm tiền rất dễ dàng vì thanh khoản tốt. Nhưng điều này sẽ trở thành cơn ác mộng với họ khi ‘mẹ thiên nhiên’ nổi giận."
Khi lạm phát bắt đầu tăng nóng, Fed buộc phải đưa ra những động thái thắt chặt chính sách, dốc toàn lực để chế ngự. Vai phản diện của NHTW là một điều xa lạ với một thế hệ nhà đầu tư mới chứng kiến 1 đợt giảm giá ngắn hạn.
Giờ đây, khi lãi suất tăng, định giá của một số cổ phiếu đã tiệm cận với thời kỳ dotcom - tức là gần như không còn gì. Tỷ lệ P/E của S&P giảm từ 25 ở tháng 1 xuống 19 trong tháng 2 khi nhiều cổ phiếu chứng kiến giá lao dốc mạnh.
Những công ty như Bed Bath & Beyond và AMC Entertainment có lợi nhuận ít hoặc gần như bằng 0 hầu như không hề gặp khó khăn trong thời kỳ "cổ phiếu meme" thống trị thị trường. Còn bây giờ, nhóm này đang "rơi tự do". Ở nhiều ngóc ngách khác của thị trường, từ các công ty công nghệ không có lợi nhuận cho đến những doanh nghiệp mới niêm yết, mức giảm đã vượt quá 60% so với đỉnh thiết lập năm 2021.
Quỹ ETF ARK Innovation của nữ nhà đầu tư nổi tiếng Cathie Wood là một trong những nhân vật đáng chú ý. Quỹ này tăng 149% chỉ riêng trong năm 2020, nhưng nay thấp hơn 75% so với mức cao của năm ngoái và gần như toàn bộ lợi nhuận trong thời kỳ đại dịch đã mất sạch.
CEO của Marketfield Asset Management - Michael Shaoul, nhận định: "Nếu Fed bị coi là nguyên nhân tạo ra ‘thị trường con gấu’ này, thì họ là yếu tố kích thích thị trường tăng giá mạnh vào năm 2021. Điều quan trọng nhất là một số nhà đầu tư không có danh mục được tạo dựng để chống chọi với diễn biến từng có từ năm 2011 đến 2021."
"Đội quân" day trader khá chậm chạp trong việc chú ý đến những thay đổi của Fed. Họ thậm chí còn "bắt đáy" thị trường giảm giá trong vài tháng qua, dù đã lỗ chồng chất. Đối với một số chuyên gia theo dõi thị trường, đáy sẽ xuất hiện khi nhóm này chịu đầu hàng.
Liệu đà bán tháo này sẽ kéo dài bao lâu? Theo những gì từng diễn ra, có thể, những biến động lớn hơn nữa sẽ còn xảy ra trong tương lai. Kể từ năm 1927, thị trường giá xuống trung bình kéo dài 1,5 năm, khi S&P 500 giảm 34% trong khoảng thời gian đó. Trong tất cả 14 đợt giảm giá trước đó, chỉ có 3 chu kỳ kết thúc trong chưa đầy 4 tháng. Bloomberg ước tính, với mức giảm trung bình này, S&P 500 sẽ còn giảm xuống 3.179 điểm, tức là 15% so với mức gần đây cho đến khi chạm đáy.
Tham khảo Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/06/1387102.htm