Một bị cáo gửi đơn đến Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội kêu oan
Ngày 13.6, TAND tỉnh Đắk Nông cho biết đã chuyển hồ sơ vụ án Trịnh Sướng và đồng phạm phạm tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” lên TAND cấp cao để xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của 13/39 bị cáo; đơn kháng cáo của người có quyền và nghĩa vụ liên quan đối với phần xử lý một số tài sản trong vụ án.
Bị cáo Trịnh Sướng (bìa trái) cùng các đồng phạm tại phiên tòa THANH QUÂN |
Trong 13 bị cáo kháng cáo, bị cáo Trịnh Sướng và đa số các bị cáo khác đều xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo.
Riêng bị cáo Nguyễn Thị Thu Hòa (41 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, bị TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù) kháng cáo kêu oan. Ngoài đơn kháng cáo kêu oan gửi TAND cấp cao tại TP.HCM, bị cáo Hòa cũng có đơn kêu cứu gửi bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, vì cho rằng bản thân "bị truy tố oan".
Theo đơn kháng cáo của bà Hòa, năm 2010, gia đình bà thành lập Công ty TNHH Một thành viên Phạm Sơn (gọi tắt Công ty Phạm Sơn) do chồng bà là ông Phạm Thu Ngàn đứng tên. Công ty hoạt động mua bán hóa chất theo danh mục được phép.
Công ty Phạm Sơn kinh doanh nhiều mặt hàng hoá chất, trong đó có dung môi. Dung môi là loại hoá chất phía tiêu dùng mua về sử dụng pha chế thành chất đốt trong công nghiệp, pha vào sơn nước để sơn nhà cửa trong xây dựng, dùng tẩy rửa trong công nghiệp…
Ngày 24.1.2019, cơ quan chức năng tại tỉnh Đắk Nông bắt quả tang Cửa hàng xăng dầu Lam Duyên tại xã Đắk N’Rung, H.Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đổ 3.000 lít dung môi vào bồn chứa xăng A95 chính hãng để pha loãng xăng nhằm tăng khối lượng xăng.
Chủ cây xăng là ông Nguyễn Văn Lam khai mua dung môi của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) xăng dầu Thu Trang do ông Nguyễn Văn Sơn và người làm công là Tiến giao và hướng dẫn pha xăng.
DNTN xăng dầu Thu Trang khai mua dung môi của DNTN Thương mại Tâm Đức Đắk Nông do ông Nguyễn Văn Hướng làm chủ. DNTN Thương mại Tâm Đức Đắk Nông khai mua dung môi từ Công ty Phạm Sơn do gia đình bà Hòa làm chủ.
Khởi tố cá nhân hay pháp nhân thương mại ?
Trong đơn kháng cáo, bà Hòa trình bày, từ đầu năm 2017 đến giữa năm 2019, Công ty Phạm Sơn đã bán hóa chất cho 291 doanh nghiệp và cá nhân. Các giao dịch bán hàng đều được Công ty Phạm Sơn ký hợp đồng, xuất hoá đơn VAT, báo cáo nộp thuế… theo đúng quy định pháp luật. Đơn kháng cáo cũng trình bày việc Công ty Phạm Sơn bán dung môi cho doanh nghiệp, rồi họ bán lại cho người khác, nhưng cơ quan điều tra cáo buộc bên bán ra ban đầu là hành vi phạm tội, là đang hình sự hóa quan hệ kinh doanh thương mại.
Ngoài ra, bà Hòa cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng có sự nhầm lẫn về chủ thể khi khởi tố bà. Bởi, nếu cáo buộc các giao dịch mua bán dung môi là hành vi tội phạm thì phải khởi tố pháp nhân thương mại là Công ty Phạm Sơn, chứ không phải là cá nhân bà và toàn bộ các hợp đồng bán hàng không phải do bà ký.
|
“Trùm” xăng giả Trịnh Sướng lãnh án 12 năm tù |
Trước đó, ngày 30.12.2021, TAND tỉnh Đắk Nông xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trịnh Sướng 12 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 2 năm 6 tháng (cho hưởng án treo) đến 8 năm 6 tháng tù.
Về hành vi phạm tội của bị cáo Hòa, HĐXX sơ thẩm nhận định, bị cáo Hòa biết rõ mục đích sử dụng dung môi của các bị cáo khác trong vụ án mua về là để pha trộn, sản xuất xăng giả bán ra thị trường. Đồng thời, bị cáo Hòa cũng hướng dẫn cách thức, tỷ lệ pha trộn. Do vậy, bị cáo Hòa phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức hành vi “sản xuất xăng giả” đối với hơn 3 triệu lít dung môi đã bán cho các bị cáo liên quan.
Hiện, TAND cấp cao tại TP.HCM đang thụ lý phúc thẩm vụ án Trịnh Sướng và đồng phạm.