Dữ liệu của CoinMarketCap cho biết, tính đến 11h30, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới giao dịch quanh ngưỡng 22.000 USD/đồng, giảm 15,73% so với 24 giờ trước đó.
Trong vòng một ngày qua, giá Bitcoin có thời điểm mất mốc 21.000 USD/đồng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2020. Bitcoin mất gần 70% thị giá so với vùng đỉnh đã từng thiết lập 8 tháng trước.
Trong vòng một ngày qua, giá Bitcoin có thời điểm mất mốc 21.000 USD/đồng. (Ảnh: Getty Images)
Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 417 tỷ USD. Đà bán tháo lan rộng khiến khối lượng giao dịch tăng gần 60% lên 70 tỷ USD trong 24 giờ.
Từ ngày 8/6, giá Bitcoin bắt đầu đi xuống, nhưng đến hôm 12/6, đà giảm mới trở nên mạnh mẽ. Giá rơi thẳng đứng từ gần 28.000 USD/đồng tối ngày 12/6 xuống còn dưới 21.000 USD/đồng sáng hôm 14/6.
Bitcoin lao dốc khiến nhiều đồng tiền mã hóa khác đồng loạt suy giảm mạnh. Ether, đồng tiền mã hóa lớn thứ 2, giảm hơn 34% sau một tuần xuống còn 1.156 USD/đồng. Giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường giảm gần 11% so với 24 giờ trước đó và chính thức mất mốc 1.000 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, hơn 200 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường tiền mã hóa.
Từ hôm qua (13/6) đến nay, thị trường liên tục ghi nhận tình trạng bán tháo khi nhiều sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động.
Celsius Network, một trong những nhà cho vay tiền số lớn nhất thế giới, cho biết họ đang dừng tất cả các hoạt động rút tiền, hoán đổi giữa các loại tiền số và chuyển tiền giữa các tài khoản. Nguyên nhân được đưa ra là "điều kiện thị trường khắc nghiệt". Tính đến tháng 5, đơn vị này đang quản lý 11 tỷ USD tài sản của người dùng.
Trong khi đó, Binance - sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới, đã dừng việc rút Bitcoin vào tối qua. Công ty thông báo đây là một vấn đề kỹ thuật và dự kiến được khắc phục sau 30 phút. Tuy nhiên, đến khuya cùng ngày, sàn này mới dần hoạt động trở lại.
Theo giới chuyên gia, thị trường tiền mã hóa bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thông tin tiêu cực liên quan tới tình hình kinh tế vĩ mô. Lạm phát tăng kỷ lục có khả năng thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay nâng lãi suất hơn nữa.
Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London, cho biết giá Bitcoin đã lao dốc vào đầu tuần xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Đáng chú ý, tình hình vẫn có thể còn xấu đi hơn. Các điều kiện thị trường đã xấu đi đáng kể. Giới đầu tư né tránh rủi ro và tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ mạnh tay nâng lãi suất hơn nữa.
Vị chuyên gia cũng đề cập tới việc ông Changpeng Zhao - CEO Binance, nền tảng giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, tạm ngừng hỗ trợ rút Bitcoin bởi tình trạng quá tải giao dịch trong ngày 13/6. "Mọi lực cản đã kết hợp với nhau tạo thành "siêu bão", kéo Bitcoin sụp đổ", ông Erlam nói.
Số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981. Lạm phát ở Mỹ được thúc đẩy bởi giá xăng, hàng hóa và dịch vụ tăng vọt.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Đại học Michigan, chỉ số đo lường mức độ lạc quan của người tiêu dùng đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978.
Các dữ liệu được công bố trước cuộc họp quan trọng của FED. Giới quan sát dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất ít nhất 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp hôm 15/6.
Trước đó, FED đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay, bao gồm một đợt nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 5.
Việc FED mạnh tay nâng lãi suất sẽ tác động xấu tới các thị trường rủi ro, bao gồm tiền mã hóa và cổ phiếu. Trong 2 năm qua, Bitcoin và những loại tiền thuật toán khác đã hưởng lợi nhờ chi phí rủi ro giảm đi khi lãi suất thấp kỷ lục.
Xu hướng giá giảm xuống dưới 20.000 USD/đồng
Thay vì hoạt động như một hàng rào chống lại rủi ro lạm phát, thời gian qua, Bitcoin thường biến động cùng chiều với cổ phiếu, nhất là cổ phiếu công nghệ.
Theo ông Erlam, kể từ đầu năm, niềm tin trên thị trường tiền mã hóa đã bị xói mòn bởi cú rơi của đồng Terra. "Giá có thể trượt xuống dưới ngưỡng 20.000 USD/đồng", ông cảnh báo.
Leah Wald, nhà đồng sáng lập và CEO tại công ty quản lý tài sản Valkyrie Investments, cho rằng các sự cố như Celsius Network ngừng rút tiền và sự sụp đổ trước đó của stablecoin TerraUSD, có xu hướng gây ra nỗi sợ hãi và tạo ra sự thiếu tự tin trên thị trường.
Tuy nhiên, theo bà Leah Wald, không có gì đáng ngạc nhiên khi tiền số đang đi theo "chính xác con đường mà các cổ phiếu công nghệ thời kỳ dot-com từng trải nghiệm".
Từ đầu năm đến nay, tiền số bị cuốn vào cơn hoảng loạn thị trường do lạm phát gia tăng và lãi suất cao hơn. Điều này thôi thúc nhiều nhà đầu tư cơ cấu các tài sản có rủi ro cao hơn.
Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường và đầu tư cao cấp tại nền tảng đầu tư Hargreaves Lansdown, cho biết: "Khi lạm phát đang là một đối thủ khó đánh bại hơn dự kiến, Bitcoin và Ether tiếp tục bị tổn thương nghiêm trọng. Hai tiền số trên là nạn nhân hàng đầu của cuộc chạy trốn khỏi các tài sản rủi ro khi các nhà đầu tư lo lắng giá tiêu dùng đang tăng lên".
Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Americas Oanda (có trụ sở ở Mỹ), nhận định, các nhà đầu tư tiền mã hóa đã hoảng loạn, sự lạc quan bốc hơi nhanh chóng. Giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa rơi xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD. Theo ông, nếu giá Bitcoin giảm xuống dưới ngưỡng 20.000 USD/đồng, tình hình có thể xấu đi hơn nữa.
Trong khi đó, nhà phân tích thị trường Francis Hunt dự báo, giá Bitcoin thậm chí có thể giảm xuống mức thấp nhất là 8.000 USD/đồng trước khi tăng trở lại.
VTV.vn - Giá Bitcoin lao dốc không phanh, xuống gần mốc 25.000 USD, sau khi báo cáo lạm phát mới nhất của Mỹ được công bố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.14704554141602202-maht-aig-tor-nioctib/et-hnik/nv.vtv