Bên cạnh các nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh cần quan tâm đặc biệt đến các vấn đề lao động, việc làm, y tế, giáo dục của đô thị hơn 13 triệu dân.
Sở Y tế cần rà soát lại
Ông Mãi dẫn chứng những thông tin trên các mặt báo về tình trạng thiếu trang thiết bị y tế tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP.HCM khiến người dân hoang mang, chứ không còn là lo lắng nữa. Do đó, Sở Y tế TP.HCM cần rà soát nguồn lực thực tế, cam kết với nhân dân thành phố, người có nhu cầu điều trị một cách rõ ràng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, vật tư y tế được đại diện Sở Y tế lý giải do vướng mắc về đấu thầu, nhất là xác định giá dự toán gói thầu. Khoảng 10% mặt hàng mang tính đặc thù, riêng biệt chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất nên cơ sở y tế không thể có đủ báo giá. Còn việc thẩm định giá cũng tắc vì các tổ chức thẩm định giá hiện không nhận thực hiện thẩm định đối với trang thiết bị y tế…
Hỗ trợ người lao động
Do thiếu đơn hàng nên Công ty TNHH PouYuen Việt Nam dự kiến cắt giảm hơn 2.300 lao động. Lao động bị cắt giảm được hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc, mức cao nhất nhận 379 triệu đồng, thấp nhất 12 triệu đồng.
Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu Sở LĐ-TB-XH lên phương án hỗ trợ, giới thiệu việc làm, đào tạo, nâng cao tay nghề. Đối với khoản thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tính theo mức hỗ trợ ngoài quy định, Cục Thuế TP.HCM cần thông tin nhanh chóng, rõ ràng. "Khoản thu này thực hiện theo quy định, nhưng nếu đánh giá lại thấy cần thiết thì chúng ta kiến nghị không thu", ông Mãi nói thêm.
Về vấn đề này, Cục Thuế TP.HCM cho biết đây là số thuế tạm thu cho nghĩa vụ thuế đối với thu nhập cả năm của người lao động, không phải là số thuế trực tiếp đối với khoản thu nhập đó. Đến cuối năm, nếu phần thuế TNCN phải nộp trong năm 2023 của người lao động thấp hơn khoản đã tạm khấu trừ thì người lao động được hoàn thuế.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM cho biết sau khi Công ty TNHH PouYuen cắt giảm lao động khiến nhiều người không có việc làm, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế xã hội, an ninh trật tự. Chưa kể, công nhân các vùng phụ cận mất việc đều dồn về thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm.
Thiếu tướng Nam đề xuất Sở LĐ-TB-XH phối hợp chính quyền địa phương đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đối với lao động mất việc trên địa bàn, phối hợp giải quyết chế độ bảo hiểm, thu đủ nợ bảo hiểm xã hội từ các doanh nghiệp đang nợ.
Liên quan đến chỉ tiêu xây dựng phòng học, ông Mãi yêu cầu Sở GD-ĐT rà soát lại, tính toán khả năng thực hiện theo hình thức xã hội hóa; đồng thời các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho giáo dục.
"TP.HCM khó khăn đến đâu cũng phải đầu tư đầy đủ cho giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Sự phát triển của thành phố không chỉ đo bằng GDP, tiền, nhà cao mà là bằng phúc lợi, tiến bộ xã hội", Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.