Một mô hình "bình mới rượu cũ"
Đầu tiên, chỉ với một thao tác trên điện thoại, các tài xế giao hàng sẽ có mặt ở trước cửa nhà và mang đến đồ ăn mà người dùng yêu cầu.
Rất dễ dàng để có thể nhận thấy sức hấp dẫn của hàng loạt ứng dụng giao hàng cực nhanh mới, tiện ích hứa hẹn mang hàng hóa đến cho khách hàng chỉ chưa đầy 10 phút. Một doanh nghiệp đã thành công vang dội sau khi tài xế của công ty giao thành công một ít hạt dẻ và nước ngọt đến tay khách hàng trong vòng 7 phút.
Mô hình có người chờ sẵn và thực hiện yêu cầu không phải là ý tưởng mới. Trong quá khứ, ở các quốc gia như nước Anh, các hộ gia đình giàu có thường sẽ có người giúp việc. Trong cuốn sách Household Management (tạm dịch: Quản lý Gia đình) của nhà văn Beeton xuất bản năm 1907 cho biết, một hộ gia đình thu nhập 1.000 bảng một năm sẽ có khoảng 2-3 người theo hầu.
Thậm chí chỉ với thu nhập 200 bảng một năm ở giai đoạn đó, một gia đình cũng có thể thuê được một cô gái làm những công việc vất vả. Ở một quốc gia có chênh lệch giàu nghèo như Ấn Độ, các hộ gia đình giàu có hiện vẫn có người giúp việc.
Các ứng dụng "theo yêu cầu" đã tạo ra một phiên bản thị trường đại chúng từ hình thức thuê người hầu xa xưa. Mặc dù rất nhiều người sẽ chỉ gặp khách hàng của mình một lần duy nhất mà không biết họ và không hẹn ngày gặp lại.
Các công ty gig (công ty mà nhân viên làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, làm việc độc lập hoặc tự do) đã ứng dụng chủ đề này một cách rõ ràng. Một trong những khẩu hiệu ban đầu của Uber là "tài xế riêng của mọi người". Getir, một trong những ứng dụng giao hàng cực nhanh, cho biết họ đang "dân chủ hóa quyền lười biếng".
Đối với một số nhà phê bình, sự tăng trưởng của "nền kinh tế đầy tớ" mới là một dấu hiệu của sự bất bình đẳng kinh tế đang trỗi dậy. Khi ấy, một tầng lớp thấp không còn lựa chọn nào khác tốt hơn.
Nhưng có một yếu tố khác đã thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ này. Đó chính là các nhà đầu tư trợ cấp người tiêu dùng bằng cách tài trợ cho các công ty mà thường cung cấp dịch vụ ít hơn so với số tiền người dùng bỏ ra.
Thách thức đối với "nền kinh tế lười biếng"
Nhưng bây giờ mô hình đó đang gặp thách thức. Vấn đề lớn ở đây là tiền đang cạn kiệt. Một thập kỷ tiền rẻ nhường chỗ cho lạm phát cao, dự báo tăng trưởng ảm đạm và lãi suất tăng. Các nhà đầu tư đang bắt đầu lo lắng về việc đổ tiền vào các công ty thua lỗ. Cổ phiếu của các công ty niêm yết như Uber, Lyft và Deliveroo đã giảm mạnh.
Nhiều ứng dụng giao hàng nhanh cũng đang cắt giảm việc làm nhằm cố gắng thể hiện cho các nhà đầu tư thấy rằng họ nghiêm túc về lợi nhuận.
Nhưng để tạo ra lợi nhuận, công ty sẽ phải trả lương cho người lao động thấp hơn hoặc tính phí khách hàng cao hơn. Đây là thời điểm không tốt để thử cả một trong hai.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp và tình trạng thừa cơ hội việc làm đang diễn ra khắp từ Mỹ, Anh, châu Âu và Australia. Người lao động hiện có nhiều lựa chọn hơn trước. Ngoài ra, giá xăng cao khiến việc lái xe cả ngày trở nên cực kỳ đắt đỏ.
Trên hết, các tòa án, cơ quan quản lý và các nhà lập pháp đang trở nên nghiêm khắc hơn về quyền được làm việc và được bảo vệ của các công nhân trong những công ty gig.
Năm ngoái, Tòa án tối cao Vương quốc Anh đã phán quyết rằng Uber thực sự thuê tài xế cho công ty. Điều đó có nghĩa là công ty nợ tài xế mức lương tối thiểu, tiền trợ cấp trong ngày nghỉ lễ và các khoản lương hưu.
EU hiện cũng đang đặt ra kế hoạch trao quyền hợp pháp cho nhân viên của các công ty gig, những người vốn bị coi là lao động tự do. Một số ứng dụng giao hàng siêu nhanh mới bao gồm Getir và Gorilla đã thuê công nhân cho công ty.
Việc tính phí cao hơn cho khách hàng cũng rất khó. Tỷ lệ thất nghiệp có thể thấp nhưng lạm phát đang ăn sâu vào thu thập của mọi người. Tại Anh, NHTW đã dự đoán mức thu nhập khả dụng bị siết chặt trong ít nhất 30 năm.
Đã có những dấu hiệu cho thấy mọi người đang cắt giảm chi tiêu tùy tiện. Và không gì tùy tiện hơn việc trả tiền cho một người để họ mang một gói bánh quy đến nhà.
Các công ty muốn nói về quy mô to lớn của TAM, hay còn gọi là "total addressable markets" (tổng thị trường khả dụng). Trong thông tin phát hành đại chúng lần đầu, Uber cho biết TAM của công ty là tổng số quãng đường phương tiện chở khách và tổng số quãng đường của tất cả phương tiện công cộng trên toàn cầu.
Khách hàng rõ ràng đánh giá giá trị của các công ty công nghệ như Uber. Nhưng nhu cầu duy trì được bao nhiêu đối với những dịch vụ tăng giá?
Vẫn còn phải xem bao nhiêu công ty dịch vụ như thế này còn tồn tại trong vài năm tới và dưới hình thức nào. Nhưng kỷ nguyên vàng của người dùng dịch vụ theo yêu cầu chắc chắn sẽ kết thúc.
Trong thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi tăng trưởng tiền lương khá trì trệ đối với nhiều người, có lẽ những ứng dụng này cho chúng ta cảm giác rằng chúng ta đang giàu có hơn thực tế. Sự lười biếng có thể đã được dân chủ hóa, nhưng không kéo dài lâu.
*Bài viết là quan điểm của nhà báo chuyên mục, phóng viên và cộng tác viên của tờ Financial Times
http://tintuc.vdong.vn/06/1387968.htm