Trên diễn đàn hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc Zhihu, một người mẹ đã tường thuật lại câu chuyện trong bữa ăn tối của nhà mình. Sau khi nhìn thấy những vết chai sần trên tay bố, cậu con trai 8 tuổi đã hồn nhiên hỏi: "Mẹ ơi, vì sao bố làm việc chăm chỉ mà nhà vẫn nghèo?". Trong khi người bố lặng im không nói gì, người mẹ thay vì quát mắng đã chọn cách giải thích nhẹ nhàng cho cậu con trai.
Mở đầu, cô hỏi lại cậu con trai: "Con có biết trong nhà mình, ai là người tiêu nhiều tiền nhất không?", tất nhiên cậu con trai lắc đầu không biết. Người mẹ nói tiếp: "Sách vở, đồ chơi, đến cả bim bim con ăn, cũng là do bố đi làm, bố dùng tiền lương mua cho con. Tuy không giàu có nhưng bố luôn cố gắng làm việc để mang về cho con những điều tốt đẹp nhất có thể. Không những vậy, bố luôn yêu thương con và mong muốn con có một cuộc sống hạnh phúc, thoải mái".
Nói rồi, người mẹ cũng giải thích thêm rằng gia đình chỉ tiêu vào những nhu cầu thiết yếu chứ không "ném tiền qua cửa sổ", hướng tới một cuộc sống tốt hơn. Trên thực tế, chắc hẳn nhiều trẻ em cũng có những thắc mắc như vậy qua quan sát và sự so sánh của gia đình mình và gia đình bạn bè đồng trang lứa. Vậy trong những trường hợp này, bố mẹ nên nói gì với trẻ?
1. Nói rõ rằng bố mẹ đang chăm chỉ làm việc vì tương lai
Khi con được bố mẹ giải thích rằng bố mẹ đang cố gắng làm việc mỗi ngày, con sẽ biết trân quý sức lao động hơn cũng như biết rằng muốn có một tương lai tốt, không nên lười nhác, ỷ lại mà cần nỗ lực mỗi ngày giống như bố mẹ mình đang làm cho mình. Khi lớn lên, trẻ vẫn sẽ nhớ được bài học này, không đòi hỏi hay tiêu xài lãng phí mà biết cách dùng tiền hợp lí.
Nếu bố mẹ luôn kể lể với con rằng gia đình không có điều kiện thì con trẻ dễ bị ám ảnh câu chuyện của bố mẹ tới cả khi đã trưởng thành, khiến chúng tưởng rằng "nghèo là một cái tội" và áp lên mình sự tự ti khi gặp gỡ những người bạn đồng trang lứa. Mỗi hành vi, mỗi câu nói của bố mẹ đều phản chiếu lên suy nghĩ của con trẻ sau này.
2. Không giấu giếm về tương lai nếu như nỗ lực mỗi ngày
"Nghèo không đáng sợ, đáng sợ nhất là luôn nghĩ rằng mình luôn nghèo", các bậc phụ huynh nên nhớ rằng hiện tại có thể không giàu nhưng tương lai chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn nếu như cố gắng mỗi ngày, chăm chỉ làm việc mỗi ngày và luôn hướng tới tương lai tươi sáng. Bố mẹ có niềm tin như vậy, chắc chắn các con cũng được truyền năng lượng tích cực. Song song với đó, bố mẹ có thể lấy những ví dụ từ những gia đình xung quanh để chỉ dẫn con.
3. Luôn là tấm gương sáng để trẻ noi theo
Những hành vi, suy nghĩ của con trẻ phần lớn đến từ hành vi, suy nghĩ của bố mẹ. Vì thế, bố mẹ chẳng khác nào thầy cô giáo trên trường lớp nhưng là thầy cô giáo chỉ dẫn cho con trẻ trong suốt cuộc đời. Muốn trẻ tích cực, bố mẹ phải luôn làm gương cho con. Đặc biệt, các vị phụ huynh nên dạy con cách nhìn và cách dùng đúng đắn về tiền bạc.
Tiên Yên
Theo Trí Thức Trẻ