Bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa hồi sức nhiễm COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), thăm khám một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng - Ảnh: BSCC
Theo các bác sĩ điều trị, vẫn còn tồn tại cách phòng bệnh đến tự điều trị chưa đúng từ người dân, thậm chí từ nhân viên y tế khiến bệnh chuyển nặng, nguy kịch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-6, bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa hồi sức nhiễm COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết bệnh sốt xuất huyết gặp quanh năm và mùa mưa bệnh sẽ tăng nhiều do muỗi sinh sôi. Khi số ca mắc nhiều thì số ca nặng sẽ tăng. Hiện khoa hồi sức nhiễm đang điều trị 11 ca bệnh nặng đến rất nặng.
Sốc nặng vì tiêm thuốc sai, hiểu bệnh chưa đúng
Theo bác sĩ Việt, số nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nặng nhập viện, chứng tỏ số ca mắc trong cộng đồng rất lớn. Tuy vậy, hiện nay người dân, cơ sở y tế, nhân viên y tế còn mắc nhiều sai lầm trong điều trị bệnh này.
Điển hình một bệnh nhi 7 tuổi (ngụ tỉnh Đồng Nai) bị sốt ngày thứ nhất, gia đình liên hệ bác sĩ quen gần nhà đến khám sau đó và nghi bé mắc sốt xuất huyết. Vị bác sĩ này đã chích 2 mũi thuốc vào mông bé trong 2 ngày. Vào ngày thứ 3 của bệnh, bé mệt hơn, nôn ói nhiều, đau bụng, li bì, lạnh và tím tay chân thì vào Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bé sốc nặng, mạch và huyết áp không đo được. Bệnh nhi đã được hồi sức hô hấp tuần hoàn tích cực, nay đã tạm thời qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Việt cho biết sốt xuất huyết rất dễ chảy máu vì giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu ở giai đoạn nặng (vào ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh). Nếu chích vào cơ (chích bắp) có thể làm rách các mao mạch và gây chảy máu không cầm được. Bên cạnh đó, vài cơ sở y tế lại truyền dịch sớm và nhiều, khi chưa có chỉ định, dễ gây quá tải ở giai đoạn cần hồi sức sốc, phải giúp thở sớm.
"Trong quá khứ đã có các trường hợp thầy lang vườn nói trẻ bị ban nên họ cắt lể. Từ những chỗ cắt lể sẽ chảy máu rất nhiều khi vào giai đoạn nặng. Sau này thì cắt lể đã giảm nhiều. Nhiều năm trước có trường hợp trẻ bị nôn ói khi chuẩn bị vào giai đoạn nặng, được chích thuốc chống ói vào mông và chúng tôi đã từng phải truyền bù máu cho các trường hợp này", bác sĩ Việt chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó nhiều gia đình còn thiếu kiến thức về bệnh sốt xuất huyết khiến nhiều trẻ đã chuyển nặng khi nhập viện. Do đó phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm hơn chứ không đợi đến tình trạng sốc nặng, mạch và huyết áp không còn đo được.
Không chỉ sai lầm trong cách điều trị, bác sĩ Việt còn cho biết nhiều phụ huynh sai lầm trong cách phòng bệnh. Để phòng bệnh sốt xuất huyết cần diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh muỗi chích bằng cách xịt thuốc, thoa thuốc, phát quang cây cỏ, mặc quần dài, áo dài tay, ngủ mùng... Tuy nhiên nhiều phụ huynh tự tin cho rằng nhà họ không có muỗi vì ở căn hộ tầng cao, ngủ máy lạnh..., trong khi họ và người nhà vẫn phải đi học, đi làm.
Một bệnh nhi bị mắc sốt xuất huyết nguy kịch từng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: X.MAI
Bệnh nặng tăng 5 lần, y tế cơ sở còn lơ là chống dịch
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 23 (từ ngày 3 đến 9-6) TP ghi nhận có 1.586 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 12,3% so với trung bình 4 tuần trước (1.412 ca). Riêng số ca sốt xuất huyết nặng tích lũy đến tuần 23 là 238 ca. Tỉ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến ngày 9-6 là 1,8% (238/13.520) tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến nay có 8 ca sốt xuất huyết tử vong, tăng 6 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong thời gian này, TP.HCM ghi nhận 123 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 77 phường, xã thuộc 18/22 quận, huyện và TP Thủ Đức; tăng 12 ổ dịch mới so với tuần trước đó. Qua giám sát 4 lượt tại 4 phường, xã ở 4 quận, huyện, HCDC nhận thấy các địa phương đều điều tra ca bệnh đầy đủ.
Tuy nhiên ở phường 14 (quận 11) có 2 ổ dịch đang hoạt động (3 ca) mà trạm y tế phường chưa phát hiện và xử lý kịp thời, các phiếu điều tra ca bệnh chưa thu thập đủ thông tin. Cơ sở y tế này cũng chưa thực hiện tái giám sát đối với những điểm nguy cơ phát sinh lăng quăng.
Ông Vương Ánh Dương - phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết diễn biến dịch sốt xuất huyết năm nay rất phức tạp, tỉ lệ tử vong cao hơn các năm. Riêng tại TP.HCM, số ca mắc tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng tháng 5, số ca mắc điều trị tại các bệnh viện cao bằng số tích lũy từ đầu năm.
Các chuyên gia đã làm việc với Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận thấy nhiều người dân còn chủ quan, lơ là, không chủ động đến bệnh viện mà thường tự đến các cơ sở y tế tư nhân. Khi trẻ hết sốt thì thường chuyển sang giai đoạn nguy hiểm nhưng hầu hết phụ huynh đều cho rằng trẻ đã hết bệnh.
Lưu ý dấu hiệu chuyển nặng
Trước thực tế nhiều người thiếu kiến thức nhận biết dấu hiệu nặng về sốt xuất huyết, bác sĩ Đỗ Châu Việt nhấn mạnh các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết khi chuyển nặng, cần đưa đến bệnh viện ngay, gồm bứt rứt hoặc li bì, nôn ói nhiều, đau bụng ngày càng tăng, chảy máu nhiều nơi (chảy máu mũi, máu răng, ói máu, tiêu phân đen...) và lâu cầm máu, tiểu ít... Khi người trẻ lạnh, tím tay chân hay tái môi thì đã muộn.
Mắc sốt xuất huyết trên nền hậu COVID-19 cao hơn
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - cho biết có nhiều trường hợp trẻ mắc COVID-19 đã khỏi, khi mắc thêm sốt xuất huyết thì trẻ có phản ứng viêm tăng rất nhiều so với những trẻ chưa từng mắc COVID-19, dù chưa có nghiên cứu rõ ràng.
Do đó phụ huynh cần chú ý tới các trẻ đã từng mắc COVID-19, nhóm trẻ mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C trong mùa sốt xuất huyết này. Ngay khi trẻ gặp các triệu chứng như sốt cao; nôn ói; chảy máu mũi, máu răng; tiêu chảy, đi cầu phân đen; mệt mỏi... thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám, xét nghiệm để sàng lọc sốt xuất huyết.
TTO - Các tỉnh thành phía Nam đã ghi nhận 39.317 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 36 ca tử vong, 20 người trong số đó là trẻ từ 15 tuổi trở xuống. Riêng TP.HCM ghi nhận 13.520 ca mắc sốt xuất huyết và có 9 ca tử vong.
Xem thêm: mth.42415137061602202-oas-iv-oac-gnat-gnan-teyuh-taux-tos-ac-os/nv.ertiout