Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tiêu cực xảy ra hoặc do quy trình, hoặc do con người. "Nhưng nếu quy trình chặt chẽ, tuân thủ nghiêm thì sẽ hạn chế tiêu cực từ yếu tố con người" - ông Điền nhấn mạnh.
Kẽ hở từ ngân hàng đề
Một chuyên gia về khảo thí chia sẻ từ chuyện lộ đề sinh có thể thấy nhiều khả năng kẽ hở xuất hiện từ khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Nếu ngân hàng câu hỏi được triển khai đúng và đủ lớn với khoảng 1.000 câu hỏi trở lên/môn sẽ rất khó trùng lặp hoặc lọt thông tin ra ngoài.
Với khoảng 1.000 câu, người trực tiếp xây dựng ngân hàng cũng không thể nhớ được, mà có nhớ 1-2 câu cũng không nói lên điều gì cả. Quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi theo từng mức độ khác nhau. Sau khi lựa chọn, biên tập, câu hỏi được mã hóa riêng, xếp vào các "ô thửa" tương ứng với ma trận đề thi. Về nguyên tắc, những người tham gia không thể biết tất cả các câu hỏi, mà chỉ biết phần mình thực hiện.
"Một câu hỏi hoàn chỉnh theo ma trận đề thi rất khó có chuyện đầu vào (ngân hàng) và đầu ra (đề thi) giống nhau đến trên 90%. Với một ngân hàng quy mô đủ lớn sử dụng cho kỳ thi cấp quốc gia thì càng rất khó xảy ra" - chuyên gia khảo thí cho biết. Cũng theo chuyên gia này, nếu kẽ hở từ khâu làm câu hỏi cho ngân hàng đề thi chỉ có thể xảy ra tình huống ngân hàng có quá ít câu hỏi. Cùng với đó các bước làm câu hỏi ngân hàng đề thi bị rút ngắn. Ví dụ như khâu chỉnh lý và lựa chọn phải giao cho hai kíp độc lập và tách làm hai công đoạn.
Trường hợp sai phạm có thể xảy ra khi người làm câu hỏi ngân hàng và người trong ban ra đề thi có sự liên thông đưa nội dung câu hỏi được mặc định sẵn vào các tổ hợp câu hỏi khác nhau để tạo đề thô - cơ sở cho việc xây dựng đề thi chính thức.
Ở quy trình làm đề
Còn theo một tiến sĩ của ĐH Quốc gia Hà Nội, kẽ hở cũng có thể xảy ra ở quy trình làm đề thi. Các tổ hợp câu hỏi phù hợp với ma trận đề thi không được rút ngẫu nhiên từ ngân hàng bằng phần mềm chuyên dụng. Và sai phạm xảy ra ở khâu nhập liệu, tạo ra đề thô. Người thực hiện có thể đã điều chỉnh để nội dung một số đề thô giống với nội dung được đưa từ ngoài vào.
Trước đây, khi trao đổi về quy trình làm đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, GS Nguyễn Tiến Thảo - gám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết quy trình áp dụng phần mềm trên máy để rút ngẫu nhiên câu hỏi từ ngân hàng đảm bảo tính khách quan cao. Thậm chí trước ngày thi mới thực hiện việc này.
Theo một số chuyên gia khảo thí từng biết về quy trình xây dựng đề thi trắc nghiệm của cả ĐH Quốc gia Hà Nội và Bộ GD-ĐT thì có một khả năng có thể xảy ra: ban đề thi của Bộ GD-ĐT đã không tuân thủ quy trình sử dụng phần mềm chuyên dụng để rút câu hỏi ngẫu nhiên. Việc xây dựng các đề thô có thể có sự can thiệp bằng thủ công để đưa nội dung đề có sẵn vào tệp "đề thô" trước khi xuất ra.
Theo tiến sĩ Phạm Ngọc Duy - Trung tâm Khảo thí Hoa Kỳ (ETS), kể cả việc đề sinh của kỳ thi năm trước là kết quả của quá trình rút đề ngẫu nhiên thì ở khâu rà soát, chỉnh sửa để chốt cũng dễ dàng phát hiện trường hợp bốn đề thô có nội dung trùng lắp tới 80 - 90%. "Đó là một sự bất thường cần phải kiểm tra lại ngay khi phát hiện. Nhưng việc đó đã không được làm" - ông Duy nói thêm.
Khắc phục ra sao?
PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho rằng trước hết hậu trường ra đề thi sinh năm trước cần phải được làm rõ nhiều vấn đề. "Quy trình chặt chẽ vẫn có thể sai phạm do con người không nghiêm túc, thiếu trách nhiệm. Nhưng quy trình lỏng lẻo, con người cũng xấu thì nguy hiểm. Ở vụ đề sinh, có rất nhiều điểm cần làm rõ, trong đó có trách nhiệm của từng thành viên ở các khâu khác nhau trong quy trình. Xác định rõ thì từ đó mới có giải pháp khắc phục được" - ông Điền chia sẻ.
Còn tiến sĩ Phạm Ngọc Duy cho rằng từ vụ việc đề sinh trước hết cần rà soát và tài liệu hóa, phê duyệt các quy trình xây dựng để đảm bảo chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT. "Cần có các cơ chế và công cụ kiểm soát chất lượng như biên bản kiểm tra chất lượng, các checklist kiểm tra các khía cạnh khác nhau của tiểu mục và đề thi trước khi xây dựng đề chính xác. Cần có mục kiểm tra tính mới của các tiểu mục, cần có người đối chiếu sự trùng lặp giữa các đề thô chốt. Một điểm nữa là cần phân cấp chịu trách nhiệm từng bước trong quá trình xây dựng và phê duyệt đề thi để có chế tài xử lý khi có sai sót xảy ra" - ông Duy chia sẻ.
Một chuyên gia phụ trách tuyển sinh của một trường ĐH khối kinh tế ở Hà Nội cũng cho rằng cần có quy định giám sát (bằng con người, biên bản, máy móc) ở các khâu khác nhau của quy trình làm đề một cách chuẩn xác. Và phải triệt để thực hiện trên máy (phần mềm chuyên dụng) các khâu rút câu hỏi, tạo đề thô, lựa chọn đề, trộn để xuất ra nhiều mã đề.
Ngoài ra nhiều chuyên gia, nhà giáo cũng cho rằng cần đưa ngân hàng câu hỏi thi vào danh mục "bí mật nhà nước" để tránh rủi ro.
Làm đề thi kiểu "góp rượu hội làng"
Trong giờ làm bài của thí sinh thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Một chuyên gia khảo thí có kinh nghiệm nhận định: "Có thể hiểu một cách nôm na là ngân hàng đề thi của Bộ GD-ĐT đang được xây dựng theo kiểu góp rượu hội làng".
Theo chuyên gia này, thông thường mỗi hội đồng ra đề của một môn thi có khoảng 10 người (bao gồm nhóm biên tập và nhóm thẩm định) với thành phần là giáo viên THPT được đề xuất từ các sở GD-ĐT và chuyên gia đến từ các cơ sở giáo dục đại học. Theo quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi tốt nghiệp THPT, trước kỳ thi Bộ GD-ĐT triệu tập các chuyên gia, giáo viên THPT tham gia ra đề thi cách ly trong 4 tuần.
Sau khi nhóm biên soạn đã hoàn chỉnh các đề thi, nhóm thẩm định lại các đề này và đề xuất chỉnh sửa. Sau đó hai nhóm ngồi lại cùng nhau để thống nhất chọn ra các đề thi hoàn thiện sử dụng cho kỳ thi. Từ các đề đã được chọn này sẽ bốc thăm chọn ra đề thi chính thức và các đề dự bị.
Vậy đề thi bị lộ ở giai đoạn nào trong quy trình ra đề? Giải đáp câu hỏi trên, một chuyên gia từng tham gia công tác ra đề thi tốt nghiệp THPT cho rằng với quy trình ra đề hiện nay, trưởng nhóm thẩm định đề thi nếu không trực tiếp cố tình tiết lộ đề ra ngoài sẽ không có lỗi, vì họ chỉ thẩm định từ nguồn đề của nhóm biên soạn cung cấp. Các thành viên nhóm thẩm định không có trách nhiệm truy xuất nguồn gốc đề thi từ đâu mà chỉ có trách nhiệm kiểm tra tính đúng - sai của đề thi.
Như vậy, trong tình huống này có thể một người trong nhóm biên soạn đề thi có mối quan hệ nào đó với các nhóm dạy luyện thi. Việc dạy luyện thi thông thường là cho học sinh luyện giải các bộ đề. Người này phải chuẩn bị một số bộ đề để dạy luyện thi. Và số đề này được giáo viên luyện thi chia sẻ cho một số người khác. Đến lúc một trong số người này được Bộ GD-ĐT triệu tập (có thể ngẫu nhiên) tham gia tổ ra đề thi tốt nghiệp THPT, đã mang theo những đề này vào và lấy một hoặc một vài đề trong số này ra làm đề thi.
"Nếu bộ phận quản lý của Bộ GD-ĐT làm chặt chẽ, nghiêm túc thì sẽ không cho phép mang đề từ ngoài vào. Về nguyên tắc, những người trực tiếp tham gia hội đồng ra đề thi phải tuyệt đối không được mang bất kỳ đề thi hoặc câu hỏi thi nào từ bên ngoài vào. Nếu mang bất cứ đề nào từ bên ngoài vào là không khách quan và khả năng dẫn đến lộ đề sẽ rất cao", chuyên gia này nhận định.
Một chuyên gia khảo thí khác cũng phán đoán nhiều khả năng là trong khi Bộ GD-ĐT có sẵn ngân hàng đề thi, những người biên soạn đề có thể chọn ra từ đó để làm đề, đồng thời đưa thêm đề của mình từ ngoài mang vào nên khi bốc thăm lại trúng ngay đề được làm từ bên ngoài. Hoặc cũng có khả năng ngân hàng đề thi môn sinh vừa qua bị nhóm ra đề đưa vào trạng thái "rỗng", không được dùng tới mà chỉ chọn nguồn đề từ bên ngoài mang vào.
"Do vậy dù người ra đề có bị cách ly và không tiết lộ đề nhưng nếu trúng ngay bộ đề mang từ ngoài vào thì bên ngoài cũng nhận ra đề thi quen thuộc đã từng biết trước đó. Như vậy rõ ràng có sự yếu kém từ khâu quản lý quy trình, công tác ra đề" - vị này nhận định.
TRẦN HUỲNH
Xây dựng quy trình làm đề chuẩn quốc tế
Các chuyên gia cho rằng nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục được tổ chức trong những năm tới thì Bộ GD-ĐT cần có cơ chế kiểm soát tốt bằng quy trình chặt chẽ và khoa học. Bộ cần đưa ra quy trình và kiểm soát thực hiện đúng theo quy trình đó: xây dựng quy trình chọn đề từ ngân hàng đề thi thế nào; trường hợp thay đổi nội dung đề thi (câu hỏi và phương án trả lời) từ ngân hàng đề thi cần quy định rõ tỉ lệ thay đổi bao nhiêu phần trăm, đồng thời phải giải trình chi tiết việc này.
Cần xây dựng quy trình làm đề theo chuẩn quốc tế. Theo đó, cần chia các hội đồng ra đề của mỗi môn theo từng nhóm. Ví dụ như môn văn có các nhóm nội dung khác nhau do từng người phụ trách khác nhau: nhóm nghị luận, nhóm văn học VN, nhóm văn học nước ngoài...
Đề thi có 100 câu được chia thành 10 nhóm, sự ảnh hưởng mỗi nhóm trong đề thi chỉ tối đa 10%. Trong số 10% đó lại có nhiều người tham gia. Khi xây dựng xong cấu trúc đề thi, xác định số câu hỏi của mỗi đề, nội dung của từng câu. Sau đó tiếp tục chia nội dung đề theo từng thư mục nhỏ và giao cho từng nhóm phụ trách thực hiện...
Khi chia nhỏ nhóm như vậy, nếu người trong nhóm ra đề có tiết lộ thông tin ra ngoài thì thông tin đó cũng không có giá trị. Từ ngân hàng đề thi đó đưa vào chạy phần mềm chọn đề ngẫu nhiên để chọn ra đề thi chính thức.
TRẦN HUỲNH
Bảo vệ những người lên tiếng chống tiêu cực
Theo TS Phạm Ngọc Duy, cần phải có kênh tiếp nhận và xử lý những phản hồi của học sinh, giáo viên và xã hội về các vấn đề của đề thi. Cùng với đó là biện pháp bảo vệ những người lên tiếng phản ảnh tiêu cực.
TTO - Vụ lộ đề môn sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được phát hiện từ khi nào? Quy trình ra đề của Bộ Giáo dục và đào tạo ra sao?
Xem thêm: mth.69621828061602202-iht-ed-ol-tud-mahc-ed-oh-ek-tib/nv.ertiout